Philippines đòi Trung Quốc làm rõ hành động “đe dọa trực tiếp”

ANTĐ - Phát biểu trước các phóng viên hôm 3-12, ông Raul Hernandez, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Philippines đã gửi công hàm ngoại giao yêu cầu Trung Quốc làm rõ thông tin về kế hoạch chặn bắt tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển nước này tự nhận chủ quyền trên Biển Đông. 

Tàu Ngư Chính 310 có mặt ở Trường Sa ngày 15-7

nhằm thực hiện cái gọi là “bảo vệ cho đoàn tàu cá” của Trung Quốc

“Nếu thông tin trên là đúng, hành động này của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Nó không chỉ vi phạm lãnh hải của các nước ven biển theo Công ước LHQ về Luật Biển, mà còn cản trở tự do hàng hải và thương mại hợp pháp”, ông Hernandez nhấn mạnh.

 

Trước đó, truyền thông Trung Quốc cho biết, quy định mới sẽ được áp dụng từ tháng 1-2013, cho phép lực lượng chức năng Trung Quốc chặn giữ, lục soát và trục xuất các tàu thuyền nước ngoài nếu các tàu này hoạt động bất hợp pháp và tiến vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên Biển Đông.  

Cũng trong ngày 3-12, phát biểu tại buổi họp báo ở Thủ đô New Delhi, Đô đốc D.K. Joshi - Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ cho rằng, sự hiện đại hóa nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc là điều “quan ngại lớn”, đồng thời nói rõ Ấn Độ sẽ bảo vệ các lợi ích của mình tại Biển Đông, kể cả khi phải điều quân đến đó. “Vấn đề hiện đại hóa lực lượng Hải quân Trung Quốc thực sự “gây ấn tượng” song cũng là mối lo ngại lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để vạch ra các giải pháp và chiến lược của mình” - ông Joshi nói.

Theo vị Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, mặc dù sự có mặt của Ấn Độ tại Biển Đông không phải “rất thường xuyên” nhưng Ấn Độ có các lợi ích như tự do hàng hải và thăm dò các nguồn tài nguyên tại khu vực này. “Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ, chẳng hạn như Videsh - công ty khai thác dầu mỏ ngoài khơi của Tập đoàn Dầu mỏ và khí tự nhiên (Ấn Độ), chúng tôi cần phải tới đó và đã sẵn sàng cho việc này”, ông Joshi nhấn mạnh. 

Ông Joshi cho biết, không chỉ Ấn Độ, mà nhiều nước đều chia sẻ quan điểm rằng, những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.