Phía sau quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên

ANTĐ - Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại nóng lên và tiếp tục trở thành tâm điểm của thế giới sau khi Bình Nhưỡng Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng tên lửa tầm xa thứ 2 trong năm nay sau vụ phóng thất bại của nước này hồi tháng 4 vừa qua. Triều Tiên đã thông báo cho các nước láng giềng trong đó có Nhật Bản về hành trình của tên lửa sắp được phóng và cung cấp danh sách các tọa độ nguy hiểm, nơi mảnh vỡ có thể rơi và khẳng định đã tính toán kỹ đường bay để không ảnh hưởng đến các nước láng giềng.
Phía sau quỹ đạo bay của tên lửa Triều Tiên ảnh 1

Tại sao Triều Tiên cấp tập phóng tên lửa? 

Triều Tiên lên kế hoạch phóng tên lửa vào khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22-12 trong thời gian từ 7-12 giờ (giờ địa phương) để đưa vệ tinh quan trắc trái đất lên quỹ đạo. Theo các nhà phân tích chính trị, hành động này chủ yếu xuất phát từ các nhân tố trong nước để thúc đẩy niềm kiêu hãnh dân tộc và thể hiện tiến bộ trong khoa học và công nghệ khi đất nước kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong Il vào ngày 17-12 tới. Các nhà phân tích nói rằng Triều Tiên có thể đang chịu sức ép từ vụ phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4 vừa qua.

Atsuhito Isozaki, Phó Giáo sư về ngành Chính trị Triều Tiên tại ĐH Keio ở Tokyo cho rằng: “Nếu Triều Tiên phóng vệ tinh thành công, đó sẽ là một bước tiến mang tính biểu tượng cho đất nước này trở thành một quốc gia phồn vinh và mạnh mẽ - theo lời chỉ dẫn của cố Chủ tịch Kim Jong Il”. Một người phát ngôn của Ủy ban Công nghệ Không gian Triều Tiên nói rằng, kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất “sẽ khích lệ rất lớn cho người dân Triều Tiên tiến tới xây dựng một quốc gia thịnh vượng và tạo ra một dịp quan trọng để đưa công nghệ không gian của đất nước vì mục đích hòa bình lên một tầm cao mới”. Nếu phóng tên lửa thành công, Triều Tiên có thêm cơ hội để thương lượng với Mỹ vì điều này cũng đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng tiến gần thêm một bước tới tiềm lực phát triển tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. 

Triều Tiên tuyên bố rằng việc phóng vệ tinh của họ là vì mục đích phát triển hòa bình và phục vụ khoa học vũ trụ, và nói rằng đây là một quyền chính đáng của một quốc gia có chủ quyền đã được công nhận trên toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại nghi ngờ động cơ phóng vệ tinh, và cho rằng đây có thể là nhằm thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa, và nếu đúng là như vậy thì việc này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm Nghị quyết 1874 cấm Triều Tiên tiến hành bất kỳ việc phóng nào có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Nỗi lo sợ có thật

Việc chuẩn bị phóng tên lửa của Triều Tiên đã phải nhận sự phản đối mạnh mẽ từ phía Liên hợp quốc, nhiều nước trong và ngoài khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Mỹ lên án mạnh mẽ kế hoạch của Triều Tiên và cho rằng: “Hành động gây hấn này của chính quyền Bình Nhưỡng sẽ đe dọa đến hòa bình và an ninh của khu vực”. Khi Triều Tiên hối hả hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho vụ phóng vệ tinh, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lại có những bước đi cứng rắn khi quyết định điều động tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo đến vùng lãnh hải quanh bán đảo Triều Tiên để “nghênh tiếp” tên lửa sắp phóng của Bình Nhưỡng. Nhật Bản điều động 3 tàu khu trục mang tên lửa ra vùng biển Hoa Đông và biển Nhật Bản mà như Triều Tiên đã tuyên bố tên lửa mang vệ tinh của nước này sẽ bay qua để sẵn sàng bắn hạ tên lửa đầy tầm xa của Triều Tiên nếu nhận thấy nó gây nguy hại cho phía Nhật. Đường bay của tên lửa sẽ rất gần với đảo Okinawa của Nhật Bản.

Mỹ vừa triển khai các tàu khu trục tên lửa để theo dõi Triều Tiên trước vụ phóng tên lửa dự kiến diễn ra trong tháng này để tìm hiểu xem loại tên lửa là gì, mục đích là gì, nó đi đâu và ai bị đe dọa. Các tàu khu trục của quân đội Mỹ, được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3, sẽ bắn hạ tên lửa đối phương khi bay chệch quỹ đạo và hướng tới các mục tiêu trên đất liền… Vì sao, các cường quốc lại phản ứng quá mạnh mẽ với một vụ thử tên lửa của Triều Tiên như vậy trong khi các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Iran, Nga, Mỹ... vẫn thử tên lửa (?) Có 2 lý do giải thích. Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là các cường quốc “sợ” một Triều Tiên mạnh với những vũ khí nguy hiểm có thể làm hại đến an ninh các nước này.

Sự lo ngại đó càng tăng lên khi các cường quốc tin rằng, Triều Tiên là một nước rất khó ứng xử vì liên tục có những động thái thay đổi liên tục và đầy bất ngờ. Triều Tiên được cho là đang nắm trong tay một quân đội hùng hậu với một kho vũ khí tên lửa có sức mạnh khủng khiếp, đủ để khiến các cường quốc trên thế giới phải dè chừng mỗi khi tính đến bất kỳ động thái nào liên quan đến nước này. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU tin rằng, vụ phóng vệ tinh sắp tới hoàn toàn chỉ là một vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa tầm xa chứ không hề liên quan gì đến công việc nghiên cứu. Thứ hai khiến các nước phản ứng mạnh với kế hoạch của Bình Nhưỡng là vì muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các nước muốn đạt được một kết quả nhất định trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng đã kéo dài quá lâu này. Để đạt được điều đó, họ cần một Triều Tiên cư xử theo mong muốn của họ. Các cường quốc cũng không muốn Triều Tiên dùng vụ phóng tên lửa tầm xa sắp tới làm “lá bài” nâng vị thế của nước này trong những cuộc đàm phán sắp tới. 

Triều Tiên: Chẳng có gì nhiều để mất

Các nhà phân tích tin rằng Triều Tiên sẽ không dừng kế hoạch phóng tên lửa, và họ bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ một lệnh trừng phạt thắt chặt hơn nữa của Liên hợp quốc sau vụ phóng tên lửa lần này có thể đẩy Triều Tiên tới một vụ thử nghiệm hạt nhân lần nữa. Giới phân tích cũng cho rằng cộng đồng quốc tế đang cạn sách đối phó với Triều Tiên, bởi nước này đã hứng chịu tầng tầng lớp lớp các lệnh trừng phạt. Vậy tại sao Triều Tiên vẫn tiếp  tục thực hiện vụ phóng tên lửa? Dưới đây là phân tích của CNN. Có rất nhiều câu trả lời hoặc giả thuyết dành cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích về Triều Tiên cho rằng Bình Nhưỡng thực tế chỉ đơn giản là chẳng có gì nhiều để mất, và bởi vậy cũng chẳng cần phải cân nhắc quá nhiều giữa cái giá phải trả và lợi ích thu được.

Liên hợp quốc đã có nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên mỗi khi nước này có các hành động bị cho là khiêu khích trong những năm qua. Trước đây, sau khi phóng tên lửa đạn đạo tầm xa, chắc chắn Triều Tiên sẽ phải hứng “cơn mưa” chỉ trích kèm theo các biện pháp trừng phạt cứng rắn của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và phương Tây. Nhưng nay mọi việc đã khác. Dù rất bực bội với Bình Nhưỡng, song Mỹ, Nhật Bản và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng không dám đưa ra những hành động quyết liệt nhằm trách đẩy Triều Tiên đến chỗ “tức nước vỡ bờ”. 

Trong khi Trung Quốc, chỗ dựa chính trị và kinh tế lớn nhất của Triều Tiên, sẽ không ủng hộ bất cứ một lệnh trừng phạt bổ sung nào nữa tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bởi vậy, khi Bình Nhưỡng vẫn thực hiện kế hoạch phóng tên lửa lần này, phương Tây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động cẩn trọng và biết “kết hợp cương, nhu khéo léo” nếu như thực sự muốn tìm giải pháp hiệu quả và lâu dài cho vấn đề Triều Tiên.