Phí trông xe máy vẫn ngoài tầm kiểm soát

ANTĐ - UBND TP Hà Nội đang đề xuất gửi HĐND TP tăng phí trông giữ xe máy vào ban ngày từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng, ban đêm từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng. Tuy nhiên  hiện giá vé trông giữ xe máy tại hầu khắp các điểm trông giữ xe đã vượt quá mức này 2-3 lần từ lâu. 

Giá trông giữ xe máy tại nhiều bệnh viện đang là 5.000 đồng/lượt

Quy định một đằng làm một nẻo

Tại nhiều điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá vé đều thu vượt mức so với quy định. Đứng đầu danh sách “chặt chém” là các bãi trông giữ xe của các bệnh viện lớn. Bãi trông giữ xe của bệnh viện Việt Đức lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm thăm bệnh nhân, do quá tải, người dân phải gửi tại các điểm gửi xe trong dân với giá 15.000-20.000 đồng/xe. Tại điểm trông giữ xe của bệnh viện này, từ vài năm nay, mức giá đã là 5.000 đồng/xe máy. “Trong khi giá vé nhà nước chỉ quy định 2.000 đồng/xe nhưng kể từ ngày đứa cháu nằm viện điều trị đến nay, gia đình tôi luôn phải trả với mức giá 5.000 đồng/xe máy. Một ngày mấy lượt ra vào, chỉ tính tiền gửi xe cũng mất vài chục nghìn đồng”, bà Nguyễn Thúy Hạnh ở Thường Tín phản ánh.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, giá trông giữ xe máy ban ngày cũng là 5.000 đồng/lượt. Bác Đỗ Trọng Ngoãn, ở Văn Khê, Mê Linh thăm con dâu vừa sinh cháu, loanh quanh một hồi vẫn chưa tìm được chỗ gửi xe. “Vào bãi gửi xe của bệnh viện thì họ bảo hết chỗ. Tôi hỏi thì họ bảo ra ngoài mà gửi. Cũng có mấy điểm nhận trông giữ xe nhưng mà chẳng thấy giấy tờ gì cả, vé chỉ được ghi bằng tấm bìa, tôi không dám gửi, mà giá họ cũng đòi 15.000 đồng/xe”. 

Không chỉ các bệnh viện mà hầu hết các địa điểm di tích, đền chùa, khu vui chơi như Phủ Tây Hồ, Đền Ngọc Sơn, Chùa Trấn Quốc, công viên Thủ Lệ,... cũng đều có nhiều vi phạm về trông giữ xe như sử dụng diện tích quá mức cho phép, thu quá giá vé quy định… Nhưng sau khi bị kiểm tra và xử phạt, đến thời điểm này, sai phạm vẫn tái diễn. 

Sẵn sàng nộp phạt để tồn tại

Theo đề xuất của UBDN TP chuẩn bị trình HĐND TP Hà Nội, mức phí trông giữ xe đạp, xe máy được giữ nguyên như hiện nay tại các huyện ngoại thành (trừ huyện Từ Liêm, thị xã Sơn Tây) và các bệnh viện, khu di tích, vui chơi giải trí. Tại các bãi trông xe ngoài trời, bên ngoài trung tâm thương mại, chung cư, mức phí trông giữ xe đạp điều chỉnh từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng, xe máy từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng, ban đêm từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng, vé tháng 70.000 đồng. Trong các chung cư cao cấp có hầm để xe lắp camera, dùng thẻ thì mức phí lượt cho xe đạp 3.000 đồng, xe máy 5.000 đồng, vé tháng 100.000 đồng.

Tuy nhiên, tại các điểm trông giữ xe hiện nay do sự buông lỏng, vào cuộc thiếu kiên quyết của các ngành chức năng, chính quyền khiến giá trông giữ xe vẫn không thống nhất. Mức thu thực tế hiện tại đã gấp 2-3 lần so với giá mà UBND TP đề xuất tăng. Mỗi năm, UBND TP đều chỉ đạo các Sở, ngành liên quan kiểm tra việc cấp phép, thu phí trông giữ xe máy, lập lại trật tự, xóa bỏ các điểm trông giữ xe không phép. Nhiều địa chỉ bị lập biên bản, xử phạt hành chính nhưng lợi nhuận thu được từ việc trông giữ xe quá lớn nên chủ các bãi gửi xe sẵn sàng nộp phạt để… tồn tại. Nhà nước thì thất thu thuế, người dân phải chịu gửi xe với giá cao hơn quy định còn khoản lợi nhuận không nhỏ đang “chảy” vào túi cá nhân. 

Trước đó, tháng 7-2013, UBND TP Hà Nội cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính chuyển phí trông giữ xe tại các điểm trông xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách sang giá dịch vụ. Theo UBND TP Hà Nội, việc làm này nhằm khuyến khích phát triển nhiều loại hình đầu tư điểm trông xe, góp phần giảm các điểm trông giữ xe tại các vỉa hè, lề đường và đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay. Nhưng, tháng 9-2013, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, đồng thời đề nghị các địa phương giữ nguyên mức phí trông giữ xe máy, ôtô tại các tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại thay vì chuyển sang “giá dịch vụ”. Bộ Tài chính cho rằng, nguyên tắc là mức thu phí phải đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp.