Phí dịch vụ ngân hàng điện tử: Kẻ miễn, người thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Trong khi nhiều ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) mạnh tay giảm, thậm chí miễn toàn bộ các loại phí ngân hàng điện tử thì các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV vẫn thu của khách hàng…

Phí dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn là một trong những rào cản của thanh toán không tiền mặt

Phí dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn là một trong những rào cản của thanh toán không tiền mặt

Không ai giống ai

Theo khảo sát của phóng viên, kể từ tháng 4-2020, sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử thì nhiều ngân hàng đã ban hành biểu phí mới với nhiều loại phí được miễn, giảm. Trong đó, nhiều ngân hàng TMCP đã áp dụng chính sách miễn toàn bộ phí chuyển khoản, kể cả trong hệ thống lẫn ngoài hệ thống, khách hàng chỉ phải trả khoản phí nhỏ là phí duy trì tài khoản và phí SMS Banking.

Tuy nhiên, tại các ngân hàng lớn, một số khoản phí đã được giảm nhưng ngân hàng vẫn duy trì thu. Chẳng hạn như tại Vietcombank vẫn áp dụng phí chuyển khoản nội mạng là 2.000 đồng/giao dịch dưới 50 triệu đồng và 5.000 đồng/giao dịch từ 50 triệu đồng trở lên. Chuyển khoản ngoại mạng ngân hàng này thu 6.000 đồng/giao dịch dưới 10 triệu đồng và thu 0,015% số tiền chuyển với giao dịch từ 10 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Các giao dịch chuyển khoản từ 500 triệu đồng trở lên thu 0,01% số tiền chuyển, tối thiểu 9.000 đồng và tối đa 950.000 đồng mỗi giao dịch. Đối với chuyển khoản nhanh 24/7 đến các ngân hàng khác tại Việt Nam, Vietcombank áp dụng mức phí 5.000 đồng/giao dịch từ 2 triệu đồng trở xuống, 7.000 đồng/giao dịch từ trên 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng. Với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên thu 0,02% số tiền chuyển, tối thiểu 10.000 đồng và tối đa 1 triệu đồng/giao dịch.

Đến nay đã có 100% các ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống), trong đó khoảng 50% các ngân hàng đã giảm đến mức “không thể giảm được nữa”.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)

Với Vietinbank thì miễn phí chuyển khoản trong hệ thống. Còn với chuyển khoản ngoài hệ thống áp dụng mức phí 8.000 đồng với các giao dịch dưới 50 triệu đồng (áp dụng đến hết 31-12-2020); các giao dịch từ 50 triệu đồng trở lên thu 0,01% giá trị giao dịch (tối thiểu 9.000 đồng/giao dịch). Với các giao dịch chuyển khoản nhanh ngoài hệ thống 24/7, mức phí tại Vietinbank là 7.000 đồng/giao dịch áp dụng đến hết 2020…

Hay BIDV phí giao dịch chuyển khoản trong hệ thống thu 1.000 đồng với các giao dịch từ 30 triệu đồng trở xuống; 0,01% số tiền chuyển với các giao dịch trị giá trên 30 triệu đồng, tối đa 9.000 đồng/giao dịch. Với các giao dịch chuyển khoản khác hệ thống, mức phí mà BIDV áp dụng là 2.000 đồng/giao dịch trị giá từ 500.000 đồng trở xuống; từ trên 500.000 đồng đến 2 triệu đồng là 5.000 đồng/giao dịch; từ trên 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng là 7.000 đồng/giao dịch; trên 10 triệu đồng là 0,02% số tiền chuyển, tối thiểu 10.000 đồng/giao dịch…

Miễn giảm phí để thúc thanh toán không tiền mặt

Lý giải nguyên nhân các ngân hàng lớn vẫn phải thu phí giao dịch ngân hàng điện tử trong khi một số ngân hàng đã miễn phí, ông Phạm Mạnh Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đây là chính sách phù hợp với điều kiện từng ngân hàng. Theo ông Thắng, trên thực tế không phải cứ sử dụng thẻ của ngân hàng nào thì ngân hàng đó được thu phí 100%, mà chi phí đến từ nhiều bên.

Chẳng hạn một giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng sẽ phải trả phí cho đơn vị chuyển mạch (Napas), trả phí gửi mã OTP, phí SMS biến động số dư cho các nhà mạng... “Với các ngân hàng có lượng phát hành thẻ ít thì họ chấp nhận sử dụng lợi nhuận từ những mảng kinh doanh khác để bù sang phí thẻ, từ đó khuyến khích, mở rộng phát hành thẻ. Trong khi đó, với các ngân hàng lớn thì việc này khó khăn hơn” - ông Thắng cho hay. Đại diện phía ngân hàng cũng cho biết, để tiếp tục tạo điều kiện giảm phí cho khách hàng, Hiệp hội Ngân hàng đã liên tục có các văn bản yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng giảm phí dịch vụ tin nhắn cho các ngân hàng, tuy nhiên đến ngay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để giảm chi phí cho khách hàng, đồng thời khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cơ quan này đã điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1-4 đến 31-12-2020. Ðồng thời, NHNN cũng đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, NHNN yêu cầu tất cả các ngân hàng, bao gồm cả Napas không thu phí đối với dịch vụ công trực tuyến.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), đến nay đã có 100% các ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với các giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống), trong đó khoảng 50% các ngân hàng đã giảm đến mức “không thể giảm được nữa”. “Hiện nay hệ thống thanh toán liên ngân hàng chuyển khoảng 17 - 18 tỷ USD quy đổi, vì vậy với việc giảm 50% phí đối với lượng giao dịch như thế này là rất lớn. Trong đó, các giao dịch từ 2 triệu đồng trở xuống chiếm khoảng 63% tổng số giao dịch liên ngân hàng qua Napas, do vậy ước tính của NHNN, tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 vào khoảng hơn 1.000 tỷ đồng” - ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Napas cho biết, đơn vị này đã liên tục thực hiện các chương trình giảm phí. “Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã có nhiều chương trình giảm phí chuyển mạch để làm sao các ngân hàng giảm được chi phí, từ đó giảm phí cho khách hàng xuống mức thấp nhất. Đối với các đối tượng học sinh, sinh viên, khách hàng lớn tuổi sử dụng thẻ, chúng tôi đang phối hợp các ngân hàng để ban hành các chính sách phí hợp lý nhất, đặc biệt là ưu tiên giảm phí giao dịch qua máy POS để họ có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, thay vì xếp hàng dài ở cây ATM để rút tiền” - ông Nguyễn Quang Hưng thông tin.