Phí dịch vụ ngân hàng điện tử: Có sự chênh lệch lớn giữa các ngân hàng

ANTD.VN - Trong khi một số ngân hàng nhỏ và tầm trung có xu hướng giảm, thậm chí miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử thì nhiều ngân hàng lớn vẫn duy trì mức phí khá cao.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).

Với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phát triển, nhiều ngân hàng đã “hy sinh lợi nhuận” để thu hút khách hàng, giành thị phần. Theo khảo sát của phóng viên, các ngân hàng thương mại hiện nay đang áp dụng các loại phí ngân hàng điện tử có sự chênh lệch đáng kể.

Trong đó, nhiều ngân hàng đã tiến đến miễn gần như hoàn toàn phí chuyển khoản Internet Banking và Mobile Banking với giao dịch nội mạng. Có thể kể đến các ngân hàng như: Techcombank, VietinBank, VPBank, HDBank, TPBank, SHB, SeABank, MSB... Đối với chuyển tiền ngoài hệ thống, hiện có một số ngân hàng miễn phí chuyển tiền ngoại mạng, như Techcombank, SeABank…

Ngoài ra, MSB miễn phí 300 giao dịch ngoại mạng đầu tiên/tháng. Từ giao dịch thứ 301 mỗi giao dịch sẽ thu 0,02% giá trị giao dịch, tối thiểu 11.000 đồng, tối đa 1,1 triệu đồng.

Mức phí giao dịch ngân hàng điện tử đang có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng

Các ngân hàng còn lại, mức thu phí chuyển tiền nội mạng phổ biến từ 1.100 đồng đến 3.300 đồng/giao dịch. Trong đó, MBBank thu phí 3.000 – 5.000 đồng cho mỗi giao dịch chuyển tiền cùng hệ thống, 10.000 đồng giao dịch ngoài hệ thống. Sacombank miễn phí chuyển cùng tỉnh, khác tỉnh phí 8.800 đồng.

Trong khi đó, Vietcombank áp dụng mức phí 2.200 - 5.500 đồng đối với một giao dịch chuyển khoản cùng hệ thống (tùy số tiền chuyển). Đối với giao dịch ngoại mạng, ngân hàng này đang thu phí 7.700 đồng cho khoản tiền dưới 10 triệu, từ 10 triệu sẽ tính theo 0,02% giá trị giao dịch, tối thiểu 11.000 đồng.

VietinBank thu phí 9.900 đồng với giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng dưới 50 triệu, trên 50 triệu thu phí 0,01% giá trị giao dịch. Agribank thu phí 0,025% giá trị giao dịch, tối thiểu 11.000 đồng, tối đa 1,1 triệu đồng.

Có thể thấy, đang có sự chênh lệch đáng kể đối với phí giao dịch ngân hàng điện tử của các ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12-2018 cả nước đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Việc các ngân hàng tầm trung và ngân hàng nhỏ miễn phí hoặc áp dụng mức phí thấp đối với dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng điện tử được cho là bước đi quan trọng để gia tăng thị phần trong cuộc đua thu hút khách hàng sử dụng. Điều này là bước đi quan trọng để gia tăng thu nhập tử mảng dịch vụ, giúp các ngân hàng thoát khỏi tình trạng “độc canh tín dụng”.