Phi công nghe nhầm huấn lệnh, máy bay vào nhầm đường lăn

ANTD.VN - Cục trưởng cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, trong khi sự cố hàng không có xu hướng giảm trong 8 tháng đầu năm 2016 thì các hành vi vi phạm an toàn bay do con người lại gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại cuộc họp Ủy ban ATGT gia ngày 7/9, ông Lại Xuân Thanh thông tin, trong 8 tháng đã xảy ra 54 sự cố hàng không.

Theo ông Lại Xuân Thanh, 6 sự cố uy hiếp an toàn hàng không mức cao đều do lỗi từ phi công, kiểm soát viên không lưu và thợ bảo dưỡng. Đặc biệt, có trường hợp phi công tai nghe không tốt, kiểm soát viên không lưu hướng dẫn phi công Vietnam Airlines bay thì phi công Vietjet Air lại thực hiện huấn lệnh đó nên đã giảm phân cách độ cao, gây uy hiếp an toàn bay. Kiểm soát viên không lưu cũng không phát hiện ra phi công Vietjet đã trả lời mình huấn lệnh đó. Còn một vụ khác nữa là lỗi phi công nghe nhầm huấn lệnh nên đã cho máy bay vào nhầm đường lăn.

Phi công của Vietjet Air đã bay nhầm huấn lệnh bay của Vietnam Airlines

Ngoài ra, sự cố  hỏng cánh cửa máy bay Boeing 787 và vụ đuôi cánh máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines bị va vào cột đèn ở sân bay Tân Sơn Nhất là do lỗi từ quy trình kéo dắt máy bay, ý thức của nhân viên hàng không.

"Phi công biết bị va chạm song vẫn cho máy bay bay bình thường, may mắn là máy bay vẫn hạ cánh an toàn", ông Lại Xuân Thanh nói và cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp xem xét quy trình, chấn chỉnh vận hành, khai thác.

Đặc biệt, vụ việc hành khách mang vàng lên máy bay cho thấy nhân viên sửa chữa máy bay không có nhiệm vụ tại thời điểm đó, song vẫn có thể lên máy bay. Đây là lỗ hổng trong quy trình quản lý con người. 

"Nếu mang được vàng lên máy bay thì sẽ mang được vũ khí lên máy bay. Cần phải siết chặt quản lý con người, những người đánh bạc, nợ nần, uống rượu, sử dụng ma túy... không được làm việc trong ngành hàng không", ông Lại Xuân Thanh nói.

Liên quan đến sự cố an ninh mạng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vừa qua, lãnh đạo Cục Hàng không thông tin, tin tặc đánh vào dịch vụ khai thác bay là hệ thống check-in, thông báo thông tin chuyến bay, điều này không gây ảnh hưởng an toàn hàng không song ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Mạng điều hành bay của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam và mạng khai thác tàu bay là độc lập, nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ sự cố.

Một thực trạng nữa gây tình trạng mất an toàn, an ninh hàng không là việc phát triển "nóng" của các hãng hàng không trong nước trong khi hạ  tầng chưa đáp ứng được, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất. Hạ tầng hàng không hạn chế liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn. Tăng trưởng nóng cũng khiến các hãng hàng không lôi kéo nhân lực của nhau như phi công, thợ bảo dưỡng máy bay...