Phí chồng lên phí, nông dân “kêu trời”

ANTĐ - Dù thời điểm này, giá rau xanh cũng như giá trứng, thịt gia cầm rớt thê thảm, nông dân “lỗ xuôi lỗ ngược”, nhưng người tiêu dùng lại không được hưởng lợi. Rau xanh cũng như trứng gia cầm bán tại chợ vẫn cao chót vót.

Phí chồng lên phí, nông dân “kêu trời”  ảnh 1
Đến người tiêu dùng, rau xanh đã bị đội giá 3-5 lần


Đội giá gấp nhiều lần

Hiện đang vào chính vụ rau Xuân Hè, thời tiết thuận lợi nên các loại rau đều phát triển mạnh. Cung vượt cầu, tại các ruộng rau trên khắp các khu vực ngoại thành đều rơi vào cảnh ế ẩm, giá hạ, nông dân lãi ít. Tuy nhiên, giá rau xanh không hề giảm tại các chợ cũng như tại các hàng quán. 

Xã Vân Nội (Đông Anh) từ lâu nổi tiếng là vựa rau xanh lớn trên địa bàn Hà Nội. Thời điểm này, khắp cánh đồng bạt ngàn một màu xanh ngắt của rau cải, bí, mướp, mồng tơi, rau đay… Tâm lý chung của nông dân đều kém mặn mà, mặc dù khắp cánh đồng vẫn ùn ùn các loại xe lớn nhỏ đến thu mua rau.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, xóm 5 - Vân Nội cho biết, vừa thu hoạch hơn 2 tạ rau dền bán cho thương lái tại ruộng, với giá 5.000đồng/kg. Tương tự, nhiều loại rau chính vụ như mồng tơi, rau đay… giá cũng không cao hơn là bao. Các thương lái sau khi thu gom rau tại các nơi mang về chợ đầu mối như Long Biên, chợ Bắc Qua, khu vực Mai Dịch… Từ đây, lại có các thương lái nhỏ hơn bỏ mối về các chợ dân sinh. Theo nhẩm tính, để một bó rau tới được người tiêu dùng, ít nhất phải qua 3 lần trung gian. Đáng nói, qua mỗi khâu, giá một bó rau được đẩy lên rất nhiều so với giá gốc. Với 1kg rau dền giá 5.000 đồng, khi đến chợ, sẽ được xé lẻ ra thành 3-4 bó, bán với giá trung bình 5.000 đồng/bó. Như vậy, mỗi kilogam rau dền cũng như các loại rau khác, đến được người tiêu dùng, giá đã cao hơn 3-4 lần. 

Theo tính toán của những người trồng rau, một sào ruộng trồng rau, chi phí ban đầu khoảng 1,5-2 triệu đồng. Nhưng, trồng rau nhiều khi như “đánh bạc với trời”. Mưa thuận gió hòa thì rau phát triển tốt, nhưng gặp cảnh nhà nhà cùng trồng, nguồn cung dồi dào thì giá bán nhiều khi rẻ như cho. 

Gà vịt lao đao vì kiểm dịch

Tương tự rau xanh, trứng gia cầm hiện cũng mất giá nghiêm trọng. Đã lỗ vì chăn nuôi, mỗi quả trứng, con gà, con vịt hiện đang phải cõng 5 lần phí kiểm dịch. Thống kê của các cơ sở chăn nuôi gia cầm cho thấy, trước tiên, sau khi vịt nở, các chủ cơ sở chăn nuôi phải đến cơ quan thú y địa phương để báo cáo và mua giấy xin xuất vịt con. Giá kiểm dịch ban đầu ở mức 5 đồng/con vịt. Tiếp theo đó, trong quá trình nuôi vịt con từ mới nở đến 15 ngày tuổi, phải mua vaccine phòng dịch để tiêm, chi phí tốn khoảng 1.000 đồng/con. Khi tới ngày xuất bán, phải làm thủ tục để xuất vịt con ra khỏi huyện với giá kiểm dịch là 100.000 đồng/xe sản phẩm và chịu chi phí xét nghiệm máu cho vịt với giá 500.000 đồng/xe. Nếu muốn bán sản phẩm ra khỏi tỉnh, tiếp tục lặp lại công đoạn kiểm dịch lần thứ 5 với mức giá 200.000 đồng/xe.

Thực trạng này, đã được ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhìn nhận, nhiều chủ trang trại chăn nuôi và doanh nghiệp kinh doanh nông sản đang “kêu trời” vì gánh nặng phí kiểm dịch. Theo ông Sơn, một quả trứng từ trang trại đến người tiêu dùng phải gánh tới 5 lần phí kiểm dịch với mức khoảng 50 đồng/quả/lần kiểm dịch. “Bán một quả trứng gà, người dân cũng chỉ thu về được 1.500 đồng. 5 lần phí kiểm dịch, tổng cộng phí kiểm dịch cho mỗi quả trứng đã trên 200 đồng. Đây là một bất cập, chúng tôi đề nghị cần điều chỉnh phí này cho phù hợp” - ông Sơn nói.

Chốt, trạm kiểm dịch không được thu phí

Cục Thú y vừa có công văn thông báo về việc kiểm dịch, thu phí kiểm dịch trứng gia cầm tiêu thụ trong nước. Theo đó, Cục Thú y đề nghị các  Sở NN&PTNT các tỉnh, thành chỉ đạo Chi cục Thú y chỉ thực hiện việc kiểm dịch trứng gia cầm và thu phí kiểm dịch 1 lần tại nơi xuất phát với mức thu phí theo đúng quy định. Cục Thú y yêu cầu các trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông không được thu phí kiểm dịch mà chỉ thực hiện việc kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu có nghi ngờ về việc vận chuyển trứng không đảm bảo các yêu cầu theo quy định thì lực lượng chức năng tại đây mới kiểm tra thực trạng và xử phạt theo quy định.