Phí bảo trì đường bộ tính theo đầu phương tiện: Khó thu - dễ thất thoát

ANTĐ - Phương án thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã không nhận được sự đồng tình của một số bộ, ngành. Theo đó, Bộ GTVT lại nghiêng về phương án thu quỹ qua đầu phương tiện.

Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn

Chậm nhất sẽ áp dụng vào năm 2012

Trước đây, Tổng cục Đường bộ đã đưa ra 2 phương án thu quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, phương án 1 là thu phí qua xăng dầu. Cách thức thực hiện, sẽ trích từ 330-1.000 đồng/lít xăng từ  thuế nhập khẩu xăng dầu để đưa sang quỹ bảo trì đường bộ.  Phương án này được nhiều chuyên gia đánh giá là khả thi, thực hiện minh bạch, đơn giản hơn. Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành vừa qua, đại diện nhiều bộ, ngành đã phản đối phương án này. Do vậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đang hoàn thiện lại dự thảo và sẽ trình Chính phủ trong tháng 10.

Theo đó, dự thảo sẽ trình Chính phủ 2 phương án, một là thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu và phương án 2 là thu phí đường bộ qua đầu phương tiện. Và đến thời điểm này, phương án thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện được nhiều người ủng hộ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Thời gian qua, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều phương án để bàn bạc, hiện tại cơ bản đã hoàn thành dự thảo cuối cùng để trình Chính phủ. Bộ kiến nghị sử dụng phương án thu phí qua đầu phương tiện và cũng được các bộ, ngành đồng tình”. Nếu được thông qua, thì năm 2012 sẽ đưa vào áp dụng, chậm nhất là tháng 7.

Quỹ bảo trì đường bộ hình thành trên hai nguồn, trong đó, ngân sách nhà nước dự kiến đáp ứng 30%, thu trên các phương tiện tham gia giao thông là 70%. Tuy nhiên, các nguồn thu này cũng mới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu bảo trì đường sá. Nếu thực hiện phương án thu phí này, ông Trường cho rằng, sẽ loại bỏ các trạm thu phí Nhà nước quản lý, tổng số 19 trạm, song các trạm thu theo hình thức BOT vẫn tồn tại. Hiện, vẫn còn 30 trạm theo hình thức này. Nguyên nhân vì quỹ bảo trì chỉ phục vụ cho công tác duy tu, còn các trạm BOT phải thu để hoàn vốn.

Xe máy sẽ thu phí 180.000 đồng/năm

Cụ thể, đối với ô tô sẽ thu theo phương thức qua đăng kiểm xe ô tô hàng quý, hàng năm. Mức thu theo quy định của Bộ Tài chính, phụ thuộc vào trọng tải và loại phương tiện sử dụng đường bộ. Mức thu với ô tô được chia làm 7 nhóm, trong đó thấp nhất là 180.000 đồng/tháng và cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Còn đối với xe máy, sẽ thu qua bảo hiểm, hoặc giao cho các địa phương thu để đưa vào quỹ bảo trì của địa phương. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, mức thu trên xe máy sẽ là 180.000 đồng/năm, mức này tương đối thấp. Như vậy, tổng nguồn thu hàng năm dành cho quỹ sẽ được từ 8.000-10.000 tỷ đồng. 

Còn phương thức thu qua xăng dầu, đối với ô tô sẽ thu trực tiếp để đảm bảo công bằng. Hơn nữa, các đối tượng không sử dụng xăng cũng tương đối ít, nên việc hoàn lại không phức tạp, không mất thời gian. Với dầu, sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoặc thu qua đầu phương tiện sử dụng dầu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc thu phí qua đầu phương tiện cần tính toán chính xác. Ông Hùng cho rằng mức thu dự kiến trước đây của Bộ GTVT đề xuất với ô tô sử dụng dầu diezel cao gấp 1,5 lần ô tô sử dụng xăng là không hợp lý, thay vào đó cần thu theo số kilômét sử dụng.

Nhiều người cũng tỏ ra e ngại, khi mà hiện cả nước đang có đến 32 triệu xe máy, việc thu phí qua đầu phương tiện đối với loại hình này dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực. Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ trong một lần trả lời báo chí cũng đã cho rằng, thu phí qua đầu phương tiện đối với xe máy là rất khó và thất thoát lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu được Chính phủ thông qua, quỹ bảo trì đường bộ sẽ tổ chức kiểm tra việc thu, chi, có kiểm soát.

Khó thu phí bảo trì đường bộ từ xe máy

Cả nước có đến 32 triệu xe máy, mô-tô. Nếu thu qua bảo hiểm tôi cho rằng khó khả thi, dễ thất thoát. Ngay đến bảo hiểm xe máy hiện nay, nhiều cá nhân cũng bỏ qua không mua thì nói gì đến việc thu phí bảo trì đường bộ? Nhiều người chỉ chịu đóng bảo hiểm khi mới mua xe, đi đăng ký BKS, còn sau đó thì lờ đi. Trong khi đó, nếu giao cho các địa phương đứng ra thu, lại dễ nảy sinh tiêu cực. Con số 180.000đ/xe/năm nếu nhân lên với lượng xe của từng tỉnh thành là một số tiền cực lớn, trong khi đó không thấy quy định nói rõ về cách thức thu phí nếu giao cho địa phương.

Nguyễn Văn Hùng (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thiếu công bằng khi thu qua đầu phương tiện

Trong gia đình, tôi là người thường xuyên di chuyển bằng xe máy nhất, sau đó đến vợ và con trai (đang là sinh viên đại học). Thế nhưng nếu như phải đóng phí bảo trì đường bộ thì cả 3 xe này đều bị áp mức 180.000đ/xe/năm. Như thế là bất công bằng. Đồng ý, việc thu phí cho quỹ bảo trì đường bộ là lối thoát cho tình trạng thiếu  kinh phí bảo trì đường bộ triền miên, khiến đường xá xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng.

Lê Công (Q. Long Biên, Hà Nội)