Phí ATM: Thu tiền phải đi liền trách nhiệm

ANTĐ - Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1-3-2013, một loạt các loại phí giao dịch liên quan đến thẻ ATM đã chính thức được áp dụng. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số người dân không đồng tình với quy định này và lo ngại về chất lượng dịch vụ ATM nên tìm mọi cách để “né” phí.

Mong muốn của nhiều người dân là chất lượng dịch vụ ATM phải được nâng lên tương xứng 

với mức phí mà họ bỏ ra. (Ảnh minh họa)

Người nói nộp, người bảo không

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, ông Nguyễn Văn Trung – cán bộ hưu trí ở đường Kim Mã, quận Ba Đình chia sẻ, việc trả lương qua thẻ ATM nhằm giảm bớt việc tích trữ tiền mặt trong nhân dân, tránh tình trạng trộm cắp, cướp giật và một số tệ nạn khi cán bộ công chức, công nhân nhận lương, góp phần kiểm soát được tệ nạn hối lộ và các nguồn thu nhập bất chính khác. Tuy vậy, hiện nay, dịch vụ ATM tại các ngân hàng còn khá nhiều yếu kém như thường xuyên bị lỗi hệ thống, máy hết tiền, máy hỏng, nuốt thẻ... Mặc dù, quy định thu phí ATM của NHNN không gây khó khăn nhiều cho người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình khá trở lên, nhưng nó tác động khá mạnh đến những người có thu nhập thấp.

Còn theo chị Lê Hải Thanh - nhân viên kế toán ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, hơn 2 năm qua chị đã dùng thẻ ATM để nhận lương qua ngân hàng. Hàng tuần, chị vẫn ra máy ATM rút tiền để chi tiêu nhưng từ đầu năm đến nay mỗi lần rút tiền chị lại mất phí. Chị Thanh băn khoăn: “Hàng năm ngân hàng vẫn trừ một khoản tiền là 90.000 đồng (gọi là phí thẻ) và giữ lại trên tài khoản 50.000 đồng (số tiền không được rút). Trong lúc đó dịch vụ ATM lại bị lỗi liên tục. Như vậy, liệu có phải Ngân hàng dùng tiền của người dân để kinh doanh, sinh lời?”. Do đó, để tránh việc bị thu phí nhiều lần, chị Thanh đã nghĩ ra cách là mỗi khi có nhu cầu rút tiền, chị sẽ tới quầy giao dịch của ngân hàng chứ không dùng ATM hoặc nếu có rút tiền ở máy thì mỗi khi có lương chị rút luôn 1 lần cho hết. 

Cũng có quan điểm tương tự, bạn Nguyễn Thu Nhung - sinh viên trường ĐH Quốc gia cho biết, bạn mới làm thẻ ATM được 3 tháng nhưng đã phải bỏ ra khá nhiều chi phí như phí kiểm tra số dư, phí quản lý tài khoản năm, chuyển khoản nội mạng, phí tin nhắn thông báo thay đổi số dư... Theo bạn Nhung, đành rằng thu phí là cần thiết trong việc tạo ra nguồn thu cho các ngân hàng, giúp cho các đơn vị này có thêm kinh phí để bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống máy ATM, hoàn thiện dịch vụ, song khi khách hàng sử dụng các dịch vụ liên quan đến máy ATM cùng hệ thống thì ngân hàng không nên thu phí vì số tiền họ đang có nằm trong ATM gần như không được hưởng lãi suất. “Chúng tôi là sinh viên nên số tiền nhận được từ gia đình hàng tháng là cố định. Mỗi lần, tôi chỉ dám rút 100.000 đồng đến 200.000 đồng chi tiêu nên số tiền phí ATM phải trả cũng khiến tôi cân nhắc không biết có nên tiếp tục dùng ATM nữa hay không?” - Thu Nhung phàn nàn.

Việc thu tiền phải đi liền với trách nhiệm, điều quan trọng là sau khi thu phí của khách hàng, chất lượng dịch vụ ATM có tốt lên hay không?

Chất lượng dịch vụ có cải thiện?

Liên quan đến vấn đề trên, theo đại diện của Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để tạo dựng và duy trì hoạt động hệ thống ATM, các ngân hàng phải bỏ ra khá nhiều chi phí: Mua sắm, lắp đặt ATM và các thiết bị phụ trợ đi kèm, thuê bảo trì, bảo dưỡng ATM định kỳ, mua phần mềm và đầu tư hệ thống máy chủ, thuê địa điểm đặt ATM... Bên cạnh đó, các ngân hàng phải dự trữ một lượng tiền mặt không sinh lời tại két tiền ATM và phục vụ công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Có ý kiến cho rằng, việc để trong tài khoản một số tiền lớn và hưởng lãi suất không kỳ hạn (2%/năm) đã tạo cho ngân hàng một khoản lợi nhuận lớn. Cách hiểu này có lý song chưa đầy đủ vì số tiền mà ngân hàng có thể cho vay lấy lãi chỉ là một phần rất nhỏ trên tổng số dư tiền gửi của chủ thẻ. 

Ðể tăng cường trách nhiệm của các ngân hàng thương mại trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với việc áp dụng quy định mới về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, NHNN đã quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM (ATM phải trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ... ) và trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ thanh toán để bảo đảm chất lượng dịch vụ ATM cho khách hàng. Bên cạnh đó, đối với hạn mức rút tiền của các ngân hàng, NHNN đã quy định trong Thông tư 36/TT-NHNN: “Các tổ chức cung ứng dịch vụ thẻ không được áp đặt hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn hai triệu đồng”. Ngoài ra, để giải quyết lo ngại của người có thu nhập thấp, NHNN đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ rà soát lại hợp đồng với các doanh nghiệp về việc trả lương cho công nhân qua tài khoản, phân loại khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp đối với sinh viên, lao động có thu nhập thấp.

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét, công bằng mà nói, hiện nay lỗi giao dịch tại các máy ATM xảy ra khá thường xuyên, việc xử lý giao dịch và trợ giúp khách hàng còn khá chậm chạp nên đã làm giảm lòng tin của người dân vào hệ thống này. Do đó, để khách hàng đồng tình và hưởng ứng với việc nộp phí ATM, NHNN cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn trong việc sử dụng phí, việc áp dụng mức phí của mỗi ngân hàng, tránh việc “loạn” mức phí, đặc biệt là trách nhiệm của các ngân hàng đối với người dân về chất lượng dịch vụ ATM trong trường hợp các giao dịch ATM bị trục trặc, gây thiệt hại cho khách.