Phép thử với sân khấu Việt từ các vở diễn đoạt huy chương

ANTD.VN - Bằng lối dựng khác thường, nhấn nhá tới yếu tố hiện đại, hai vở diễn “Khát vọng” (Nhà hát Kịch Việt Nam) và “Quẫn” (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) dù chỉ giành HCB tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô nhưng đã mở ra hy vọng cho việc hút khách đến rạp hát. 

Sân khấu lâu nay đã quá quen với lối dàn dựng tả thực mà quên mất rằng, việc phá vỡ cấu trúc này bằng sự tinh tế và thông minh lại rất hấp dẫn khán giả. 

Phép thử với sân khấu Việt từ các vở diễn đoạt huy chương ảnh 1“Quẫn” gây tiếng vang lớn với thủ pháp nghệ thuật “lạ”

Dàn dựng theo lối “lạ”

Trước khi đưa “Quẫn” dự thi Liên hoan Sân khấu Thủ đô, NSƯT Trần Lực lần đầu tiên thử sức trong vai trò đạo diễn sân khấu đã khá lo lắng. Anh chia sẻ rằng: “Khán giả từ lâu đã quá quen với cách dựng kịch theo lối tả thực. Còn “nhà cháu” lại dùng tả ý (hiện thực ước lệ) nên không biết có được người xem đón nhận hay không? Hơn nữa, khán giả từ lâu đi xem hài là phải có danh hài nhưng ở “Quẫn” chỉ có các em sinh viên chuyên đóng… bi”. Thế nhưng, khi “Quẫn” lên sân khấu, mọi lo lắng của đạo diễn Trần Lực tan biến. 

“Quẫn” của nhà viết kịch Lộng Chương từng làm mưa làm gió trên sân khấu Thủ đô vào thập niên 60 đã sống lại trong một thủ pháp nghệ thuật hoàn toàn mới. Trần Lực đã kết hợp giữa tính ước lệ trong sân khấu truyền thống Việt Nam và phong cách biểu hiện (nhấn mạnh, thậm xưng trong thể hiện cảm xúc, tình cảm, hành động) trong kịch phương Tây. 

Sân khấu trong “Quẫn” trống trơn, không nhạc đệm mà diễn viên phải tự tạo ra trong quá trình diễn xuất. Không chỉ diễn, hát, Trần Lực còn làm khó các em sinh viên khi yêu cầu cả khả năng vũ đạo. Không ít diễn viên trẻ than trời vì độ khó nhưng khi đã vượt qua, đa phần đều cảm thấy rất vui bởi thử thách khám phá khả năng tiềm ẩn trong con người.

Thú vị ở chỗ, “Quẫn” đã tạo điểm nhấn với người xem với lối dàn dựng hiện đại, hoàn toàn khác biệt với các vở diễn đã từng ra mắt trước đây. Nhiều khán giả đã bày tỏ mong muốn được xem tác phẩm thêm một lần nữa, bởi đây là lần đầu tiên họ được xem một vở diễn có thủ pháp nghệ thuật táo bạo và “lạ”. Đặc biệt, về thời lượng, “Quẫn” của Lộng Chương đầy tình tiết phức tạp, rườm rà nhưng lại được đạo diễn Trần Lực gói gọn trong 1 tiếng đồng hồ, khoảng thời gian “vàng” của sân khấu hiện nay. 

Phép thử với sân khấu Việt từ các vở diễn đoạt huy chương ảnh 2Vở “Khát vọng” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã chạm vào trái tim người xem

“Cứ bán đi, vé sẽ hết”

Trong vở “Khát vọng”, đạo diễn trẻ Lâm Tùng đã tạo ra những mảng miếng tự nhiên  chứ không phải là những trò gán ghép sống sượng. Cả vở diễn là vẻ đẹp sâu lắng và thẩm mỹ chạm được vào trái tim người xem khiến họ có lúc cười và có lúc trào nước mắt. Hình như chỉ có tuổi trẻ mới nghĩ ra cách làm tươi mới một kịch bản viết đã lâu và tìm được cái kết “ánh trăng” như thế. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần tin và trao kịch bản cho các đạo diễn trẻ thay vì chỉ chọn đạo diễn có tên tuổi. Với các kỳ hội diễn sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói đã diễn ra, những vở diễn đoạt huy chương thường “chìm xuồng” ngay khi hội diễn vừa kết thúc, thì với “Quẫn” hay “Khát vọng”, dư âm đọng lại với người xem còn khá đậm nét. 

Có lẽ, sức trẻ và cách nghĩ trẻ đã làm tươi mới sân khấu kịch bấy lâu nay đang tự “ru ngủ” chính mình với những thủ pháp già nua, cũ kỹ. “Có bột mới gột nên hồ”, sân khấu muốn hút khách buộc phải có sản phẩm chất lượng. Và với sự xuất hiện của các vở diễn mang nhiều yếu tố lạ như “Quẫn” hay “Khát vọng”, sân khấu Việt hoàn toàn có quyền hy vọng lôi kéo được khán giả. Điều đó được khẳng định bằng việc, trên trang facebook cá nhân của đạo diễn Trần Lực hay đạo diễn Lâm Tùng, các comment bình luận luôn có ý thúc giục hai nghệ sỹ tổ chức thêm các buổi biểu diễn. Ngay với những tên tuổi của làng sân khấu Việt như NSND Lê Khanh, NSND Phạm Thị Thành… cũng đã rất tán dương sự thành công của hai tác phẩm này. Thậm chí, nhà biên kịch Lê Quý Hiền còn khẳng định: “Quẫn” hay “Khát vọng” cứ bán đi, vé sẽ hết”.