Nguồn cội nếp sống người Hà Nội

Phê phán cái xấu để vực dậy văn hóa

ANTĐ - “Hà Nội là đất kinh kỳ, nhưng cũng là đất Kẻ Chợ”. Bên cạnh những đặc điểm của người Tràng An, người Hà Nội còn là nơi kết tinh, tổng hòa những nét văn hóa khác nhau từ nhiều vùng miền. Lối sống của người Hà Nội cũng vì thế mà có những thay đổi rõ rệt…

Những tinh hoa văn hóa của người Tràng An cần được giữ gìn

Sự va đập giữa các nền văn hóa

Bàn về diện mạo văn hoá Hà Nội xưa, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ nhận định:, “Cách đây một thế kỷ, tuy còn tồn tại nhiều nhức nhối, lạc hậu với những xáo trộn trong một cộng đồng đa kết cấu về dân cư, nhưng nhìn chung, trật tự xã hội có phần quy củ hơn so với hiện tại”. Cùng với sự phát triển của lịch sử, nếp sống người Hà Nội dần dần có sự thay đổi. Kết cấu gia đình Hà Nội xưa không còn nguyên vẹn. Do điều kiện bao cấp khó khăn, nhiều gia đình vẫn còn níu giữ lại nếp sống xưa, sống hai, ba thế hệ với nhau cùng trong một ngôi nhà. Tuy nhiên, dần dần, trong quá trình trưởng thành, do nhu cầu về sinh hoạt, mong muốn được tự do, những người con, cháu trong gia đình bắt đầu có quan niệm ở riêng. Sự gia tăng về thành phần dân cư lẫn sự khác biệt về nếp sống là nguyên nhân dẫn đến những khoảng cách giữa những người hàng xóm, láng giềng… Ngay cả trong gia đình, những lễ tiết, khuôn phép chặt chẽ điều tiết quan hệ ứng xử giữa người với người dần dần nới lỏng. 

Theo PGS.TS Trần Nho Thìn, giảng viên trường Đại học KHXH&NV, sự phát triển của Hà Nội trong từng thời kỳ, trong đó có sự hòa trộn của các cộng đồng dân cư tạo nên sự tương tác, va đập trong văn hóa xứ kinh kỳ. Xét trong quá trình diễn biến văn hóa, nhiều nét đẹp trong lối sống, thái độ ứng xử của người Hà Nội đã bị xói mòn. Đơn cử trong lời ăn tiếng nói, người Hà Nội vốn coi trọng lời nói lịch sự, tế nhị thì nay cốt cách ấy đã mai một đi ít nhiều. Văn hóa cảm ơn, xin lỗi vốn là quy tắc ứng xử tối thiểu, có sức lan tỏa và cảm hóa con người, dường như bị lãng quên. Trong khi đó, không phải riêng Thủ đô, ở một số nước Á châu như Nhật Bản, Hàn Quốc..., tuy quá trình phát triển của họ chứng kiến sự du nhập mạnh mẽ của nhiều nền văn hóa, trong đó có văn hóa phương Tây nhưng vẫn giữ được bản sắc, cốt cách văn hóa truyền thống. Chỉ một động tác cúi đầu chào kính cẩn, lễ độ cũng là cử chỉ rất đẹp, rất ý nghĩa trong con mắt mọi người. 

Những thay đổi trong nếp sống

“Nền văn hoá đô thị hiện nay đang có một sự vênh đối với đời sống kinh tế” - PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đánh giá. Khi đời sống còn kham khổ, con người ta hy vọng đời sống được cải thiện, dường như trong xã hội đang có sự thiếu hài hoà giữa chiều kích nhân văn và chiều kích kinh tế, mà cần thiết phải đổi mới từ trong tâm hồn, tư duy của con người. Hà Nội xưa, ngay cả với những người giàu có, cũng không có thói kiêu căng, phô trương hình thức. Những gia đình nghèo thì giữ nếp sống thanh tao, giản dị, họ đề cao giá trị tốt đẹp, nền tảng, cội rễ gia đình. Ngày trước, trong gia đình người Hà Nội, ông bà, bố mẹ đối xử, dạy dỗ nghiêm khắc, những người con, cháu nhìn vào đó mà sợ, mà noi gương. Thì nay, những hiện tượng tiêu cực như nổi loạn, phá cách, vượt ra khỏi khuôn phép của giới trẻ chính là do ảnh hưởng không nhỏ từ nền tảng gia đình. Giữ gìn những thói quen, những tiền đề tốt đẹp trong gia đình, cần có sự quản lý của một “bàn tay vô hình”.

Tuy nhiên, ngăn cấm quá sẽ phản tác dụng vì dường như càng cấm, giới trẻ càng có xu hướng hấp thu nhiều, đổ xô vào nhiều, và cái xấu, dường như có “đất” để phát triển, để đe dọa cái tốt. Không phủ nhận ảnh hưởng của đạo đức, “lễ” Nho giáo trong gia đình người Hà Nội xưa đôi lúc làm cho con người thiếu chủ động, rụt rè và có phần xa cách. Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, nó chính là nền tảng và yếu tố củng cố các phạm trù đạo đức và hình thành nên lối sống mang đậm chất người Tràng An. Cũng theo PGS.TS Trần Nho Thìn, văn hoá ứng xử của người Hà Nội hiện nay còn hạn chế. Một là, luật pháp chưa nghiêm, vì chưa có thể chế chặt chẽ nên thái độ ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường… còn nhiều điều đáng nói. Nếu không đưa kỷ cương vào luật pháp thì con người sẽ trở nên hoang dã... Hai là, ta chưa giáo dục con người phải biết xấu hổ và biết xin lỗi trước hành vi sai trái của mình.  Ngôn ngữ điều chỉnh hành vi, mình mắc lỗi với người khác, mình xin lỗi ngay thì người ta sẽ bớt bực tức và sẵn sàng bỏ qua hành vi gây lỗi đó.

Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã nhận định, không thể nói văn hóa Hà Nội đang xuống cấp, mà nếu có sự sa sút, đó là trong nếp sống của người Hà Nội đang đi xuống. Không thể tuyên truyền một chiều về những nét đẹp của người Tràng An, khi xã hội thay đổi, con người vận động phù hợp với sự phát triển ấy. Nghĩa là trong lối sống hàng ngày, người Hà Nội cũng phải thích nghi với tác phong, guồng máy của đô thị mới, tạm thời gác lại lối sống một thời quá vãng, lối hưởng thụ có phần hơi cầu kỳ, kiểu cách. Có người đã từng nhận xét, người Hà Nội xưa sống cao sang, không chịu sống “kém”, cũng không chịu sống “hèn”. Ấy là nét đẹp trong tâm tưởng, là đời sống tinh thần của người dân xứ kinh kỳ…