Phê bình văn học: Đừng để “lợi ích nhóm” chi phối

ANTĐ - Hiện tượng xảy ra những tranh cãi ngoài lề trên các diễn đàn văn chương, chệch hướng nhiệm vụ phê bình văn học, không còn là chuyện lạ. Thẳng thắn nhìn nhận điều này, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Sĩ Đại gọi đấy là xu hướng không lành mạnh do chi phối của “lợi ích nhóm”, của những đặc thù ngoài văn học. Ông đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên An ninh Thủ đô.
- PV: Ý kiến của ông về những hiện tượng chệch hướng nhiệm vụ phê bình văn học? 

- Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: Cùng với một số tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, phê bình văn học không còn đúng nghĩa là “người bạn của sáng tác” nữa. Do chi phối của “lợi ích nhóm”, những đặc thù ngoài văn học, đã xảy ra những hiện tượng như lăng xê lẫn nhau, đánh đổ thần tượng, thậm chí có thái độ phê bình mạt sát, hạ bệ lẫn nhau… Những xu hướng không lành mạnh ấy làm cho người đọc dần thiếu sự tin tưởng vào người làm công tác phê bình. 

- Xu hướng không lành mạnh mà ông vừa nói được biểu hiện như thế nào?

- Hiện nay đang có sự lúng túng trong việc định hướng công tác phê bình văn học. Nhiều người đánh giá, mổ xẻ tác phẩm trong khi không cần một sự định hướng cụ thể hay một chủ thuyết nào. Có những người rất ít đọc tác phẩm, có đọc thì đọc một cách thiếu khách quan. Dẫn chứng là có những Hội đồng xét giải, có 10 người chấm thì có đến 8 người chưa đọc tác phẩm mà vẫn cứ bỏ phiếu, vẫn cứ trao giải. Rồi thì do thiên kiến cá nhân, thích anh này thì đề cao, ghét anh kia thì hạ xuống. Hiện tượng này không phải không có. 

- Vậy ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa nhà văn với nhà phê bình hiện nay?

- Không ai chỉ đạo nhà phê bình nào phải đi với nhà văn nào. Ở nước ngoài, có nhà phê bình chỉ gắn với một tác giả vì họ cảm nhận người đó rất lớn, rất vĩ đại nên họ tự nguyện làm công việc của mình. Chiều ngược lại, theo tôi những người sáng tác giỏi đều phải cần đến nhà phê bình. Đấy là người thẩm định đầu tiên, là độc giả đầu tiên để soi rọi, đánh giá tác phẩm. Bản thân việc sáng tác bị yếu tố cá nhân chi phối rất lớn. Trong khi đó nhà phê bình mang trong mình một bộ phận công chúng đông đảo, họ soi rọi vào tác phẩm bằng bộ phận công chúng đó và bằng những lý thuyết mà họ có. Khi đã xuất hiện nhà văn lớn, một nhà phê bình lớn thì tự họ sẽ có sự gắn bó với nhau. 

- Sự du nhập của văn hóa phương Tây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn học và lý luận phê bình?

 

- Bước vào thời kỳ đổi mới, văn học có sự phân tán. Trong đó, các tác phẩm đi sâu vào đời sống nội tâm cá nhân và tiếp thu tinh hoa văn học thế giới. Không thể phủ nhận là nó có những ảnh hưởng tích cực đến diện mạo văn học Việt Nam nhưng những tác động tiêu cực cũng không hề nhỏ. Nhà phê bình Nguyễn Văn Dân - bản thân là người đã từng giới thiệu nhiều lý thuyết phương Tây ở Việt Nam nhưng đã nhận định thẳng thắn, chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào văn học phương Tây. Bên cạnh đó cũng có hiện tượng dùng lý luận phương Tây để áp dụng vào hình tượng văn học Việt Nam, kể cả đối với những tác giả lớn như Hồ Xuân Hương, như Nguyễn Du… Tôi cho rằng như thế là khiên cưỡng. 

- Có một thực tế là vẫn còn những tác phẩm có chất lượng yếu kém đến tay độc giả và gây ra tác động tiêu cực, ông nghĩ sao?  

- Khi xác định xã hội hóa các lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật thì bao giờ cũng có hai mặt. Chẳng hạn trong lĩnh vực dịch thuật văn học, đôi khi ai cũng có thể trở thành nhà dịch thuật, cùng với đó, một số nhà dịch thuật quá coi trọng vấn đề lợi nhuận, kinh tế, không nhận thức đúng trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. Hiện tượng ấy vẫn xảy ra trong cuộc sống nhưng khi quá phổ biến, chúng ta phải có sự điều chỉnh. Trách nhiệm của nhà phê bình phải phê phán những hiện tượng “phi văn học”, đồng thời cổ vũ, làm cho xã hội thấy được giá trị của những tác phẩm tâm huyết. Nhà lý luận phê bình văn học không “đứng trên đầu sáng tác” nhưng ở khía cạnh nào đó có thể hướng dẫn sáng tác bằng việc vạch ra một lý thuyết đúng. 

- Vậy để hoạt động phê bình văn học được chuyên nghiệp hóa thì lý luận phê bình phải dựa trên những nền tảng như thế nào?

- Tôi cho rằng nhà lý luận phê bình phải yêu nghề. Làm lý luận phê bình mà “đa dọc”, “đa ngang” thì không đi đến đâu cả. Ngoài trình độ ngoại ngữ, nhà phê bình cần có sự thông tuệ, nắm vững những lý thuyết văn học thế giới, đặc biệt là luận thuyết, học thuyết văn học phương Đông và Việt Nam. Và hơn nữa, phê bình phải dựa trên thực tế sáng tác văn học. Nếu như nó đề cao những danh vọng cá nhân, những thứ hình thức, phù phiếm thì không còn là phê bình văn học thực sự nữa.