Phạt tù tới 15 năm đối với Thẩm phán, Hội thẩm ra bản án trái pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc đương sự có ý định hoặc đã tự tử ngay sau phiên tòa, do không đồng tình với phán quyết của Hội đồng xét xử. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, trong trường hợp ra bản án trái pháp luật, Thẩm phán, Hội thẩm của Tòa án có bị xử lý hình sự?

Ra bản án trái pháp luật là hành vi cố ý ban hành và công khai bản án trái pháp luật cho những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Bản án có thể bị ra trái pháp luật gồm: Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (về hình sự, dân sự, lao động, hành chính…).

Bản án được coi là trái pháp luật, nếu trong đó chứa đựng các nội dung, những vấn đề không đúng với các quy định của pháp luật  hoặc không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Người ra bản án trái pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, sẽ bị xử lý hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật theo Điều 370 BLHS 2015.

Theo đó, Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo; Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát… thì bị phạt tù từ 10 - 15 năm - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết. 

Quyết định của HĐXX phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng luật (ảnh minh họa)

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, về cấu thành Tội ra bản án trái pháp luật, chủ thể của tội phạm ra bản án trái pháp luật là Thẩm phán, Hội thẩm của TAND, TAQS các cấp. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.

Nội dung trái pháp luật của bản án có thể là một phần hoặc toàn bộ bản án như quá nhấn mạnh hoặc quá chú ý đến một số tình tiết này, mà bỏ qua các tình tiết khác để kết luận về tội nhẹ hơn hoặc nặng hơn; quyết định mức hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, để buộc tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt không có căn cứ theo ý chí chủ quan; ra phán quyết không căn cứ vào các tình tiết thực tế của vụ việc, trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tội ra bản án trái pháp luật được coi là hoàn thành từ thời điểm bản án được tuyên đọc, hay tống đạt cho những người tham gia tố tụng dưới bất kỳ hình thức nào. Việc ra bản án thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo nguyên tắc “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Vì vậy, bản án trái pháp luật phải là bản án do đa số các thành viên HĐXX biểu quyết - Luật sư Tiến Hòa nhấn mạnh.

Trường hợp chỉ có thiểu số thành viên của HĐXX biểu quyết ra bản án trái pháp luật thì các thành viên này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chỉ có 2/3 thành viên (hoặc 3/5 thành viên khi HĐXX gồm 5 người) biểu quyết ra bản án trái pháp luật, thì các thành viên đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các thành viên phản đối không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Nếu tất cả thành viên của HĐXX đều nhất trí ra bản án đó thì đều bị xử lý hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật.

Nếu nguyên nhân của việc ra bản án trái pháp luật là do việc điều tra không đầy đủ, thiếu khách quan, các tài liệu về vụ án bị làm sai lệch từ giai đoạn điều tra, HĐXX không phát hiện được thì hành vi của các thành viên trong HĐXX không cấu thành tội phạm trên.

Luật sư Tiến Hòa cũng cho rằng, trong trường hợp Hội thẩm do hạn chế về trình độ, bị Thẩm phán thuyết phục đồng ý ra bản án trái pháp luật thì họ không phải chịu trách nhiệm về tội phạm này mà tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.