Phát triển tài chính tiêu dùng – đẩy lùi tín dụng đen

ANTD.VN - Ngày 15-3, Tọa đàm “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư tổ chức đã được diễn ra tại Hà Nội.

Buổi Tọa đàm với chủ đề rất thời sự này có sự tham gia của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Chủ đề Tọa đàm đã đặt rất "đúng" và "trúng" vấn đề đang được xã hội, người dân quan tâm

Theo Ban tổ chức, thời gian gần đây, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Các sản phẩm cho vay tiêu dùng ngày càng được hoàn thiện và phân phối rộng khắp cả nước nhờ sự năng động của các ngân hàng và các CTTC tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống TCTD chính thức có sự quản lý Nhà nước thì hệ thống cho vay tiêu dùng phi chính thức hay còn được gọi là “tín dụng đen” cũng bùng nổ và tạo nhiều hệ lụy xấu với đời sống kinh tế - xã hội.

“Hệ luỵ của “tín dụng đen” đối với xã hội là rất lớn, nhiều gia đình rơi vào cùng quẫn và không được pháp luật hỗ trợ. Do đó, phát triển TDTD sẽ cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn tốt hơn, an toàn hơn qua đó giảm bớt nhu cầu tiếp cận “tín dụng đen” và các hệ luỵ mà loại hình này mang lại”, ông Nguyễn Tú Anh nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ: sự “nổi lên” của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng; đó là: không nhất thiết phải là “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể là “vay mua trước, trả sau”. Như vậy Cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu chi tiêu/tiêu dùng hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng hiện đại, tổ chức tài chính chính thức, giúp người dân có thêm lựa chọn thay vì tìm đến tín dụng phi chính thức.

Còn TS. Trần Kim Anh cho rằng, đối với nền kinh tế và xã hội, TDTD giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, giúp kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội; hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.

Đem đến Tọa đàm góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực dẫn số liệu của StoxPlus cho thấy, 47% người Việt có tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu, cần tài sản thế chấp. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay tại Việt Nam chiếm 19,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2018 (so với tỷ trọng 21% của Trung Quốc hay 34,6% của ASEAN-5); trong đó, dư nợ tín dụng của các CTTC chỉ chiếm có 8%. Hơn nữa, thị trường nông thôn, vùng ven với khoảng 60 triệu dân vẫn còn đang bị bỏ ngỏ do các tổ chức tín dụng vẫn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng tại đây.

Từ những thông tin trao đổi trên, các chuyên gia thống nhất cho rằng: Hiện nay, việc phát triển TDTD là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”. Vậy để TDTD phát triển và hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng này, thì không chỉ cần một hành lang pháp lý thông thoáng mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, tổ chức doanh nghiệp, cơ quan thông tấn báo chí để người dân hiểu và tiếp cận với dịch vụ tài chính. Cũng từ đó, người dân được nâng cao kiến thức tài chính, có điều kiện tiếp cận với tín dụng hợp pháp, tránh việc đánh đồng TDTD của các công ty tài chính với “tín dụng đen”.

Bàn về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, theo TS. Trần Kim Anh, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty FE Credit thông tin: Hiện nay số lượng các tổ chức tín dụng và mạng lưới đã phủ khắp cả nước, vì vậy khi có nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ đời sống thì người dân nên đến các tổ chức tín dụng để vay vốn thông qua kênh chính thức. Đơn cử như FE Credit hiện nay đang có hơn 12.000 điểm bán hàng và gần 8.500 đối tác trên toàn quốc, phục vụ nhu cầu vốn và nhu cầu tất yếu phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân rất kịp thời. 

Bên cạnh đó, Ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, công ty tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, bản thân các CTTC tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng. Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến “tín dụng đen”.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay.

Ngoài ra, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các TCTD theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.

Khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng thấp hơn, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính tiêu dùng. Chính điều này sẽ góp phần quan trọng trong tiến trình đẩy lùi “tín dụng đen”.