Phát triển “nóng” thủy điện nhỏ: Người dân lo nơm nớp

ANTĐ - Miền Trung hiện dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển thủy điện vừa và nhỏ, nhưng theo đó là những hệ lụy. Chưa hết thủy điện xả lũ gây ngập khu dân cư, hoa màu, tài sản thì nay lại đến động đất, vỡ đập đe dọa cuộc sống người dân. Đây là bài học cho các địa phương trong việc phát triển thủy điện “nóng”.

Đập chắn thủy điện Đăkrông 3 bị vỡ sau trận mưa lũ

Đảo lộn đời sống vì thủy điện

Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, tính đến thời điểm này toàn miền Trung có trên 40 nhà máy thủy điện loại công suất dưới 30MW đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác, phát điện, trong đó chỉ có 4 nhà máy do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý là Ry Ninh (Gia Lai), ĐrayH’linh (Đắk Lắk), Kon Đào (Kon Tum) và An Điềm (Quảng Nam), số còn lại hầu hết là của các nhà đầu tư ngoài ngành điện. Cũng theo đơn vị này, số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tập trung chủ yếu tại các địa phương có độ dốc lớn như Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk... và phần lớn là thủy điện bậc thang.

Việc xây dựng những công trình thủy điện nhỏ này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua các đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến dân sinh. Ngoài ra, việc quản lý, giám sát thi công lỏng lẻo như hiện nay sẽ là điều đáng lo ngại cho vùng hạ du. 

Bằng chứng, thời gian qua, những vấn đề liên quan đến thủy điện liên tiếp diễn ra, gây bất ổn trong đời sống người dân sinh sống xung quanh. Câu chuyện về thủy điện xả lũ gây thiệt hại về hoa màu, tài sản năm nào cũng được nhắc đến và chưa đi đến hồi kết. Sự cố rò rỉ thân đập, động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) đến nay vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Người dân sinh sống vùng hạ du ngày đêm vẫn phải hứng chịu những chấn động do ảnh hưởng từ công trình này.

Chuyện quanh thủy điện Sông  Tranh 2 chưa lắng thì vào đầu tháng 10, đập chắn của thủy điện Đăkrông 3 (xã Tà Rông, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị) cũng đã bị vỡ sau trận mưa lũ. Nhánh sông dài hơn 60km nhưng đang gánh trên mình 4 đập thủy điện theo dạng bậc thang. Trong đó, đập thủy điện Đăkrông 3 nằm ở giữa, phía trên là thủy điện Đăkrông 1, phía dưới là thủy điện Đăkrông 4 và 2 đang xây dựng.

Ngay sau khi có sự cố xảy ra, chính quyền tỉnh Quảng Trị vào cuộc và đã kết luận sơ bộ, nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là do thủy điện Đăkrông 3 chưa hoàn tất nhưng đã cho tích nước phát điện. Điều đáng nói, sau sự cố vỡ đập chắn, lãnh đạo Công ty CP thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư) đã phủ nhận trách nhiệm, cho rằng đập chắn là tự Công ty phá bỏ, không phải vỡ. 

Hậu quả tất yếu?

Qua sự cố này, GS.TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam nhận định, sự cố đã làm lộ diện những bất hợp lý điển hình cho loại thủy điện nhỏ này. Đập bê tông đầm lăn giống như một quả dưa hấu. Tường đập ở thượng lưu (vỏ dưa) chỉ là tường chống thấm. Ruột quả dưa (đập đầm lăn) mới là phần chịu lực. Đập thủy điện Đăkrông 3 chưa xây xong đập đầm lăn bên trong thì như quả dưa rỗng ruột, không vỡ thì cũng bị lật khi tích nước là điều hiển nhiên. Bởi vậy, việc chưa hoàn tất xây đập đã cho tích nước là một việc làm liều lĩnh. Cũng theo GS. Hùng, các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở miền Trung - Tây Nguyên tuy nhỏ - dưới 30MW, nhưng nếu vỡ sẽ dễ xảy ra sự cố dây chuyền, gây thảm họa cho vùng hạ du.

Còn theo Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS.TS Vũ Trọng Hồng, trong khi tiềm năng thủy điện của nước ta đã được khai thác gần hết, nhưng quy chuẩn quốc gia về thủy điện hiện vẫn đang trên bàn soạn thảo và chưa có một cơ sở pháp luật nào quy định về sự an toàn cho các hồ chứa. Đó là chưa kể đến rất nhiều những bất cập trong nghiên cứu, khai thác và vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung, từ điều kiện địa chất không tốt, sự bất lợi của thiên nhiên… đến những bất cập về năng lực với tốc độ xây dựng thủy điện vừa và nhỏ quá nhanh nhưng lại yếu kém về cơ sở hạ tầng… Hơn nữa, hiện các công trình thủy điện nhỏ được phân cấp do địa phương quản lý, giám sát. Trong khi đó, chính quyền địa phương một phần thiếu chặt chẽ, một phần do cán bộ chuyên trách thủy điện ở các Sở Công Thương phần lớn ít kinh nghiệm, thiếu chuyên môn cần thiết để có thể quản lý việc vận hành các nhà máy thủy điện. 

Trước sự việc thủy điện Sông Tranh 2 gây bất ổn cho người dân khu vực huyện Bắc Trà My, ngày 13-10, tỉnh Quảng Nam đã phải rà soát toàn bộ hiện trạng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Hôm qua 18-10, tỉnh này cũng đã tổ chức hội nghị tư vấn trực tuyến trên đài PT- TH tỉnh hướng dẫn người dân cách ứng phó, phòng tránh khi có động đất xảy ra.

Tin cùng chuyên mục