Việt Nam chia sẻ quan điểm tại Hội thảo của WTO về kinh tế tuần hoàn:

Phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng và giải pháp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, ít chất thải, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva

Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc,

WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva

Hội thảo trực tuyến của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với chủ đề Nền kinh tế tuần hoàn, đa dạng kinh tế và hỗ trợ thương mại đã thảo luận về cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn và thương mại bền vững, sự tương tác của cách tiếp cận này với các mục tiêu đa dạng hóa kinh tế và thương mại của các nước đang phát triển và đặc biệt là các nước kém phát triển (LDCs).

Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận về mối liên hệ giữa mục tiêu công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế, các Mục tiêu phát triển bền vững, cách tiếp cận thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm đưa ra các giải pháp cho phát triển bền vững. Đa số ý kiến cho rằng việc tạo ra giá trị trong nền kinh tế tuyến tính gây ra vấn đề cạn kiệt tài nguyên, gây ra tình trạng nhiều chất thải và ô nhiễm trầm trọng. Để giải quyết các vấn đề này, mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường do khai thác tài nguyên, bằng cách sử dụng rác thải của ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác.

Nhận lời mời của Ban tổ chức, Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã trình bày quan điểm và kinh nghiệm của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn được xác định là một trong những định hướng và giải pháp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, ít chất thải, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Ở Việt Nam cho tới nay, một số chính sách, cơ chế thúc đẩy các yếu tố của nền kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch hơn, tái chế, tái sử dụng rác thải, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, đặc biệt đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về phát triển xanh, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững...

Đại sứ Tuyết Mai cũng nhấn mạnh trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới từ năm 1986, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề sản xuất và phát triển kinh tế gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguyên liệu sản xuất, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hiệu quả của các chính sách này thể hiện rõ thông qua việc hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thành công trong việc áp dụng mô hình sản xuất sạch đạt tiêu chuẩn.

Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Phát triển, Đại sứ Mujtaba Piracha (Pakistan) và đại diện Ban thư ký WTO đã cảm ơn Việt Nam tham gia trình bày và đóng góp nhiều ý kiến đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu về bức tranh tổng thể và sự chủ động của Việt Nam trong việc từng bước thực hiện các tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn.