Phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp khó do ảnh hưởng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giảm; trong khi số nợ lại tăng lên.
Số nợ bảo hiểm xã hội tăng trở lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Số nợ bảo hiểm xã hội tăng trở lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Theo ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, tính đến hết tháng 8-2020, toàn quốc có 14,56 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để hoàn thành kế hoạch, từ nay đến cuối năm cả nước còn phải phát triển thêm 1,48 triệu người. So với cùng kỳ năm 2019, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc; các hoạt động tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và công tác thanh tra, kiểm tra cũng phải hạn chế cho nên số người tham gia và số thu bảo hiểm xã hội giảm mạnh.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, tính đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với tổng số tiền 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% so với số phải thu).

Nếu chia theo thời gian nợ, thì toàn quốc có 165.260 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội từ 1-3 tháng với số tiền 6.772 tỷ đồng; 42.853 đơn vị nợ từ 3-6 tháng với số tiền 3.050 tỷ đồng; 28.928 đơn vị nợ từ 6-12 tháng với số tiền 3.064 tỷ đồng; 12.176 đơn vị nợ từ 12-24 tháng với số tiền 1.505 tỷ đồng; 4.395 đơn vị nợ từ 24-36 tháng với số tiền 632 tỷ đồng và 8.255 đơn vị nợ trên 36 tháng với số tiền trên 1.880 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành Bảo hiểm xã hội cần thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu toàn ngành xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản điều hành nhằm đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch của Ngành năm 2020.

Cùng với đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020 được giao; chủ động thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động…