Phạt thật nặng người nổi tiếng đóng quảng cáo sai sự thật để làm gương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thời gian qua, khi vào mạng xã hội tôi thấy một số nghệ sĩ đóng quảng cáo và giới thiệu nhiều mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với công dụng hiệu quả tức thì, thành phần siêu việt. Do tin theo người nổi tiếng, nhiều người mua những sản phẩm này về sử dụng thì hiệu quả không giống như quảng cáo, thậm chí có tác dụng ngược. Tôi được biết tại một số nước người quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt khá nặng. Vậy theo pháp luật Việt Nam, trường hợp sản phẩm có sai phạm, chất lượng không đạt thì chỉ nhà sản xuất hay cả người đóng quảng cáo sản phẩm đó cũng phải chịu trách nhiệm? Chế tài xử lý đối với hành vi này ra sao? Đặng Nguyên Ninh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội

Hiện nay, chỉ cần vào YouTube, TikTok, Facebook… người dùng có thể thấy nhan nhản những clip quảng cáo thổi phồng các sản phẩm, thương hiệu, từ các loại thuốc, thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc... do các nghệ sĩ, ngôi sao trong giới showbiz thực hiện. Khi bị cư dân mạng “bóc phốt” các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, một số nghệ sĩ xóa bài viết đã đăng, thừa nhận sai sót, xin lỗi khán giả vì quảng cáo sản phẩm khi chưa kiểm chứng chất lượng... nhưng không ít người trong số đó chọn cách… im lặng.

Về chế tài xử lý đối với người nổi tiếng đóng quảng cáo sai sự thật, điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, pháp luật nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hoá, dịch vụ...

Điều 13 Luật này cũng quy định về trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng. Cụ thể, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:

Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp; Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hoá, dịch vụ;

Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ; Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo.

Cần phạt nặng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội để đảm bảo tính răn đe

Cần phạt nặng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội để đảm bảo tính răn đe

Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông thì chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông cũng có trách nhiệm thực hiện các quy định nói trên.

Như vậy, trường hợp nghệ sĩ quảng cáo gian dối, không đúng sự thật (về chất lượng hàng hóa, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý...), nhà sản xuất, nghệ sĩ và đơn vị truyền thông cung cấp dịch vụ quảng cáo cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, hành vi quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo; buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm. Nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi quảng cáo gian dối hoặc đã bị kết án về tội quảng cáo gian dối, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Điều đáng nói là hiện Luật Quảng cáo 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập. Ở các loại hình quảng cáo như truyền hình, báo in, báo điện tử… các pháp nhân phải chịu trách nhiệm về nội dung, sự thật của quảng cáo với cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng với mạng xã hội, hiện tại chưa có quy định chủ thể nào phải chịu trách nhiệm.

Do đó, vấn đề bức thiết là phải luật hóa các quy định, các chế tài xử lý cụ thể, đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quảng cáo, trong đó có người nổi tiếng. Bởi người nổi tiếng dùng uy tín cá nhân quảng cáo như một thương hiệu nên đóng vai trò quan trọng, nghiêm trọng hơn việc người bình thường quảng cáo sai. Khi nội dung này được quy định vào luật, các nghệ sĩ, người nổi tiếng sẽ phải tự điều chỉnh hành vi, có trách nhiệm với hành động của mình. Người tham gia quảng cáo sẽ thấy rằng, khi nhận lời quảng cáo phải lựa chọn kỹ xem có phù hợp với pháp luật không, điều gì luật pháp cấm thì không được làm. Bên cạnh đó cần phạt nặng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật để đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để cộng đồng thấy được những quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, từ đó tẩy chay sản phẩm được quảng cáo, và chính những người tham gia vào quảng cáo đó. Cách truyên truyền hiệu quả là dùng chính mạng xã hội để lan truyền những tẩy chay đó.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Tin cùng chuyên mục