Phát sốt vì… ATM

ANTĐ - Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, nhiều khách hàng của cái thẻ được gọi là hiện đại và tiện dụng lại  phát sốt vì lo ngay ngáy sẽ mất Tết nếu không rút được tiền của chính mình từ “thần giữ của” ATM.  Nhất là khi có thông tin cho rằng, cách thời điểm giao thừa một tuần, khi các doanh nghiệp trả lương, thưởng, hệ thống ATM sẽ tắc nghẽn.

Dùng thẻ ATM vẫn bị “móc túi”

Cách đây không lâu, ông Huỳnh Đình Tích khiếu nại tài khoản ATM của mình bị mất 8 triệu đồng. Vietcombank (VCB) Đà Nẵng cho in chi tiết thời điểm số tài khoản trên thực hiện 4 giao dịch tại máy ATM số 11, mỗi lần rút 2 triệu đồng. Trong khi đó ông Tích khẳng định thời điểm đó ông không đi rút tiền và không ai đụng chạm đến thẻ ATM. Theo các chuyên gia ATM, nếu khách hàng bất cẩn để mã số PIN của mình bị lộ thì nguy cơ mất tiền trong tài khoản là rất lớn. Chủ thẻ không nên cài đặt mã số PIN quá đơn giản như số thứ tự, ngày tháng năm sinh, số xe, số điện thoại, số nhà.... Bởi khi mất thẻ, kẻ xấu có thể dò ra mã PIN để rút tiền. Tốt nhất, khoảng vài tháng chủ thẻ nên thay đổi mã số một lần. Bên cạnh đó,  trường hợp khá phổ biến hiện nay, ở một số khu công nghiệp, doanh nghiệp chi trả lương thưởng qua ATM, khá nhiều công nhân chờ đợi rút tiền tại máy ATM như mua vé tàu vào dịp Tết, thậm chí có người không đủ kiên nhẫn đã giao thẻ và mã số PIN nhờ đồng nghiệp rút tiền. Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ mất tiền trong tài khoản.

Gần đây, tại nhiều máy ATM cũng phát hiện có gắn camera quay trộm số PIN. Với một chiếc hộp có kích thước không hề nhỏ được gắn ngay cạnh máy ATM, bên trong đặt máy quay, bất cứ khách hàng nào rút tiền ở cây ATM cũng bị ghi lại số PIN. Cũng giống như chiếc hộp đựng tờ rơi, thực chất đây chính là vỏ bọc cho một chiếc camera quay trộm số PIN để kẻ gian ăn cắp thông tin thẻ ATM. Các bước còn lại là gắn thêm 1 con chip vào khe đút thẻ để sao chép thông tin, tiếp theo, làm thẻ giả để ăn cắp tiền trong tài khoản của khách hàng. Không chỉ lắp đặt dễ dàng, các thiết bị này còn được mua bán đơn giản trên mạng. Thủ đoạn ăn cắp thông tin nói trên, hay skimming (theo thuật ngữ chuyên môn) đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam một năm trở lại đây.

 Hiện tại, một vài ngân hàng đã có máy ATM được lắp thiết bị chống skimming. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, hiện vẫn còn không ít ngân hàng chưa có công nghệ này. Khi các máy ATM đã liên thông giữa các ngân hàng, bài toán bảo vệ chủ thẻ là của cả hệ thống. Chỉ cần một mắt xích yếu trong hệ thống cũng là sơ hở để kẻ gian tận dụng. Sau 1 năm từ khi skimming trở nên phổ biến tại Việt Nam, đã có 5 vụ skimming, ăn cắp thông tin từ 470 thẻ, lấy cắp 300 triệu đồng. Vì vậy trước khi ngân hàng có các biện pháp hữu hiệu, khách hàng hãy tự bảo vệ chính mình. Chỉ một hành động đơn giản nhưng hiệu quả, đó là che tay khi bấm mã PIN. 

ATM... giở chứng

Trong những năm gần đây, việc trả lương qua thẻ ATM đã trở nên phổ biến. Song thực tế những năm qua cho thấy, cứ gần Tết người lao động lại phải méo mặt vì không rút được tiền từ máy ATM. Trong khi đó, theo truyền thống, Tết là thời điểm đoàn tụ nên người dân cần đến tiền mặt nhiều nhất. Anh Nguyễn Nam Thắng, công nhân tại khu công nghiệp Đông Anh thổ lộ: Nói đến chuyện rút tiền lại các trạm ATM là tôi lại vô cùng bức xúc. Nhớ Tết năm ngoái, tôi đã phải xếp hàng tại trạm ATM từ 5h sáng đến 10h  mới đến lượt thì khi tôi đưa thẻ vào, ngay lập tức hiện lên dòng chữ “Dịch vụ tạm thời ngừng giao dịch” trên màn hình. Tôi đã phải chạy qua nhiều trạm ATM khác nhưng ở đâu cũng có tình trạng tắc nghẽn kéo dài. Vì vậy gia đình tôi đã phải hoãn lại đến ngày 29 mới lên xe về quê vì đến hôm đó mới rút được tiền. Năm nay tôi chắc cũng không khả quan hơn khi ngay bây giờ việc rút tiền tại các máy ATM đã rất khó khăn. Trong khi đó cơ quan tôi đến ngày 25-12 âm lịch mới trả lương qua tài khoản. Nếu Tết đến mà cứ xảy ra tình trạng này thì tôi không biết lấy gì để lo cho gia đình”.

Theo dự báo, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm nay kéo dài, người dân thường tập trung vào những ngày cận Tết mới rút tiền để sắm Tết, về quê, nên lượng giao dịch tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Lượng giao dịch qua thẻ ATM cũng tăng từ 250-300% nên bị tắc nghẽn là điều không thể tránh khỏi.  Các cây ATM cũng là thiết bị công nghệ nên đôi khi cũng xảy ra lỗi thiết bị, lỗi đường truyền (bị đứt hoặc gián đoạn)... hoặc lỗi do hệ thống cung cấp điện không đảm bảo, điện hay bị cắt... Những lỗi ATM thường gặp khiến khách hàng phải “khóc ròng” là máy hết tiền, lỗi giao dịch, cây nuốt thẻ, nhả tiền rách... Khổ hơn, thời gian giải quyết, tra soát và khiếu nại  thì lại quá chậm với tốc độ… rùa, phải mất 2-3 tuần để giải quyết khiếu nại...

Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, nếu năm 2006 toàn thị trường mới có khoảng 5 triệu thẻ ATM thì đến 31-12-2011, con số này đã tăng gấp 8 lần, tương đương khoảng 40 triệu thẻ. Trong khi đó toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ có khoảng 15.000 máy ATM. Có nhiều ngân hàng đã phát hành 32.000 thẻ nhưng mới lắp 32 máy ATM. Tính ra, một máy “gánh” 1.000 thẻ. Chỉ cần 30% số chủ thẻ đi rút thì hệ thống ATM dù đã kết nối với nhau cũng đã kẹt cứng nên khi cao điểm hệ thống ATM nói chung gặp trục trặc là khó tránh. Số lượng thẻ mặc dù tăng chóng mặt, với sự tham gia của 50 ngân hàng, hơn 200 thương hiệu nhưng sự đầu tư ít ỏi về công nghệ, thậm chí mỗi nơi một kiểu, mạnh ai nấy làm, khiến liên minh BanknetVN - Smartlink - VNBC cát cứ, phân chia thẻ ngân hàng này không rút được của ngân hàng khác. Thời gian gần đây, khi “ba cây này chụm lại” tưởng chừng người dân được hưởng nhiều tiện ích, nhưng do hạ tầng không đồng bộ, nên thẻ thường xuyên bị nuốt khi dùng ATM của ngân hàng này rút của ngân hàng khác.

“Thần giữ của” không chịu “nhả” tiền

Để khắc phục tình trạng hết tiền liên tiếp tại ATM và đảm bảo giảm thiểu trục trặc, các ngân hàng nói chung đều đã lên phương án “ứng cứu” cho ATM dịp cận Tết. Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank cho biết: Vietcombank đã chỉ đạo các chi nhánh tăng cường lực lượng tiếp quỹ. Bên cạnh đó, Vietcombank đã làm việc với các đối tác để khi có máy gặp sự cố thì đối tác sẽ đến để sửa chữa ngay, đảm bảo cho hệ thống ATM không bị tắc nghẽn. Techombank cũng nói sẽ tăng số lần tiếp quỹ, tăng lượng tiền bơm vào ATM, đồng thời cắt cử người túc trực, trông nom hệ thống 24/24 giờ đảm bảo giao dịch một cách thông suốt nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, các tổ chức phát hành, thanh toán thẻ phải kiểm tra toàn bộ tình trạng các máy ATM, thiết bị, đường truyền để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trong dịp Tết, tăng cường bố trí cán bộ trực, theo dõi giám sát chặt chẽ hệ thống mạng lưới ATM, đảm bảo tiếp quỹ, khắc phục các sự cố xảy ra, xử lý rà soát và giải quyết thắc mắc, khiếu nại của khách hàng kịp thời.

Ngân hàng nào cũng “hứa hẹn” rất mạnh, thậm chí còn khẳng định chắc như đinh đóng cột ATM của mình sẽ chạy thông suốt, nhưng năm nào người dân cũng “méo mặt” vì ATM không tắc, nghẽn, hết tiền, thì cũng nhả tiền rách.

Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Công ty thẻ Smartlink thừa nhận: Sẽ không có một hệ thống nào có thể chịu đựng được hàng triệu giao dịch trong cùng một thời điểm.

Vì vậy, dù trên lý thuyết có sự hứa hẹn của các ngân hàng song chưa thể khẳng định là Tết này không có công nhân “khóc dở, mếu dở” vì tiền lương bỗng dưng bị “giữ” lại trong thẻ. Do đó, các ngân hàng phải chủ động trong khâu phục vụ khách hàng, bố trí người và xe nhằm tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, về lâu dài Ngân hàng Nhà nước phải ban hành được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chung, buộc các ngân hàng phải áp dụng theo, nếu không sẽ có chế tài. Có như vậy, mới có thể đảm bảo đường truyền được thông suốt, ổn định.

Tuy nhiên điều khiến dư luận lo lắng và bức xúc là chuyện các cây ATM liên tục gặp sự cố vào ngày Tết không phải chỉ vì lỗi kỹ thuật mà còn do lỗi của con người. Thực tế có nhiều ngân hàng không chịu “nạp tiền” đều đặn dẫn đến tình trạng ATM không có tiền. Với  người dân, số tiền của họ trong ATM có thể là không quá lớn nhưng với ngân hàng, khi mà nắm giữ hàng triệu thẻ ATM thì số tiền đó không hề nhỏ. Chỉ cần “giam” tiền thêm vài ngày ngân hàng cũng có thêm lợi nhuận.

Để hạn chế tình trạng tắc nghẽn dịp gần Tết, các ngân hàng có thể trang bị hệ thống ATM di động để tăng cường vào 1-2 ngày cao điểm chi trả lương hàng tháng. Trường hợp ATM gặp sự cố, ngân hàng phải bố trí nhân viên mang máy chấp nhận thẻ (POS) đến chi lương trực tiếp tại doanh nghiệp. Không việc gì là không thể làm được. Nếu các ngân hàng có thiện chí, khách hàng vẫn có thể rút được tiền của mình trong thời gian sớm nhất. Dư luận đề nghị các ngân hàng phải đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết, không nên lấy thế “độc quyền” để “ép” người dân bắt buộc họ phải theo sự phục vụ kém cỏi của mình.