Phát ốm vì mê vẽ tranh trên gạch men

ANTĐ - “Khi thử nghiệm với gốm, gạch men, tôi đặt vào đấy những sáng tạo ngây ngô như một đứa trẻ” - đó là tâm sự của họa sỹ Lan Hương, người hơn 10 năm say mê thử nghiệm vẽ tranh trên gạch men nặng lửa. 

Phát ốm vì mê vẽ tranh trên gạch men  ảnh 1Họa sỹ Lan Hương bên những tác phẩm trên gạch men

“Cầm tù” 2 tháng để vẽ trên gạch

Cuộc thử nghiệm đầu tiên của họa sỹ Lan Hương với gạch men, chất liệu tưởng như chỉ ứng dụng trong xây dựng đến từ năm 2003. Vốn là họa sỹ thiết kế mẫu cho các dòng gạch men ở Hương Canh, Vĩnh Phúc, tình cờ, chị nảy ra ý định vẽ tranh trên men gốm. Sau một thời gian nung, khi lấy ra, chị thấy kết quả đẹp ngoài sức tưởng tượng. Chị vẽ thử khoảng 10 bức đem trưng bày tại cuộc triển lãm ở 43 Tràng Tiền. Cuộc thử nghiệm đầu, chị bán được 3 bức cho một cặp vợ chồng người Mỹ. Thấy dòng tranh này có triển vọng, chị tự “cầm tù” mình 2 tháng liền, không liên lạc với ai, chỉ say sưa vẽ. Có thêm những tác phẩm mới, chị phấn khởi mang về trường Đại học Mỹ thuật để hỏi ý kiến mọi người. Nhưng tất cả những gì chị nhận được như một gáo nước lạnh dội vào niềm đam mê của chị. 

Có người nói “đang vẽ sơn dầu thì vẽ đi, vẽ phấn thì vẽ đi, tự nhiên vẽ gạch làm gì”, có người còn thẳng thắn, “vẽ gì thì vẽ, vẽ trên gạch kiểu gì cũng chết”. Chị tâm sự “tôi cảm giác như đi vào ngõ cụt, buồn rầu phát ốm”. Không chấp nhận công sức mình bỏ ra bị lãng phí, chị vẫn quyết định mang 5 viên gạch ra Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền thử vận may. Tình cờ chị gặp được họa sỹ Trần Khánh Chương. Ông rất tâm đắc, còn khẳng định sẽ tài trợ kinh phí cho chị thực hiện triển lãm. Chị như người “chết đuối vớ được cọc”, vì không ngờ sản phẩm mình làm ra lại có dịp được trưng bày. Cuộc triển lãm đó, chị chẳng dám mời ai, vì không biết mọi người có đón nhận, hay hứng thú với tranh của chị không. Vậy mà, trong buổi đầu tiên bất ngờ bán được hơn 10 tấm. 

Phát ốm vì mê vẽ tranh trên gạch men  ảnh 2Cảnh sắc Hương Canh trong tranh của họa sỹ Lan Hương

“Say” với gốm Hương Canh

Nếu chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh trên gạch men của họa sỹ Lan Hương, bên cạnh những bức tranh tĩnh vật, sẽ thấy trong đó cảnh sắc vùng đất Hương Canh, Vĩnh Phúc. Quá yêu, quá nặng lòng với vùng đất này, chị đem hết cả tâm tình gửi vào những mái nhà lô xô, những lò gạch, lò gốm, những hàng cây, con đường… phủ lên chúng những gam màu ấm nóng. Dưới trái tim và bàn tay tài hoa của họa sỹ 54 tuổi, vùng quê Hương Canh hiện lên gần gũi nhưng sống động, khi thì ẩn dưới vẻ sần sùi, thô ráp, khi rạng rỡ, mượt mà, bóng bẩy…

Chị tâm sự, nơi ấy lưu giữ những kỷ niệm, ký ức thân thương trong suốt 3-4 năm long đong, lận đận cùng nghề gốm. Kể cả khi đã nắm được những nguyên lý về men, về lửa, về đất, chị vẫn cho rằng mình chưa đủ hiểu hết về tinh hoa của nghề làm gốm nơi đây, những bước đi của chị vẫn là những sáng tạo ngây ngô như đứa trẻ. Người ta yêu gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng…, nhưng chị chỉ say sưa với gốm Hương Canh. Chị say sưa kể, đất ở nơi đây độ dẻo cao, mịn, óng. Chẳng cần tráng men, khi nung đến nhiệt độ nhất định đã đạt độ bóng.

Những bức tranh men gốm, khi nung ở nhiệt độ 1.200 độ, lúc ra sản phẩm không chỉ đảm bảo màu sắc rất trong, nét, mà sức chịu đựng, độ bền cũng cực kỳ tốt, ngang kim loại. Nhiều ưu điểm như thế, nhưng tiếc rằng ở Hương Canh chưa có những người đủ sức để đẩy gốm Hương Canh lên giá trị nghệ thuật cao hơn, chị ngậm ngùi.  

Sản phẩm mỹ nghệ từ gốm thì không thiếu, nhưng không có nhiều họa sỹ thử sức và kiên trì vẽ tranh trên gốm, trên gạch men như họa sỹ Lan Hương. Để thành công với tranh gốm, chị cũng không ít lần phải trả giá. Nhưng chị vẫn chọn con đường đi của riêng mình, bởi: “Gốm có một ẩn ức gì đó, giấu đi tiền kiếp của mình. Bởi mỗi chúng ta đều là hạt bụi ở trong đất. Một ngày nào đó, nếu gặp một cái duyên, chúng sẽ hồi sinh” - họa sỹ Lan Hương tâm sự.