Phát ngôn... nóng trong tuần

ANTĐ - Cần phải bỏ cách nhìn “sâu đo” 6 tháng, một năm thì mới được
- Bệnh thành tích và bệnh “thợ hóa người thầy” vẫn còn thuốc chữa
- Các nhà đầu tư lướt sóng nên mua sách BĐS để đọc kẻo mất tiền oan
Phát ngôn... nóng trong tuần  ảnh 1
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam


PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trả lời báo Tiền Phong về  kinh tế năm 2013 đã nhận định nền kinh tế sẽ còn tiếp tục khó khăn hơn nữa. Viện trưởng Viện Kinh tế cũng cho rằng cơ hội lớn nhất hiện nay là nói thật và làm thật, vì có muốn che giấu cũng không được. Tất cả bệnh tật đã lộ ra rồi. Vấn đề còn lại là xử lý từng căn bệnh ra sao, cái nào trước, cái nào sau. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, giờ là lúc có triển vọng nhất do tình hình kinh tế cũng đã xuống gần đến đáy rồi. Theo quy luật rồi cũng phải đi lên, miễn là chúng ta đừng để “ngất” quá lâu ở đáy. Chính phủ đang tập trung giải tỏa nhưng chưa biết thế nào. Tái cơ cấu là phải làm triệt để. Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, ông nói: “Việc tái cơ cấu hoàn toàn có thể làm được. Riêng về đánh giá dài hạn của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến tốt. Điều này có nghĩa ta hoàn toàn có thể tiếp cận các nguồn lực bên ngoài, từ thế giới để xử lý vấn đề nội tại. Cùng đó phải thay đổi cách nhìn, bỏ tầm nhìn “sâu đo” 6 tháng, một năm thì mới được”.

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện -
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM

PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - khi nói về căn bệnh thành tích trong ngành Giáo dục đã khẳng định: “Cuộc sống không ngừng thay đổi nhưng ở giảng đường, các bài giảng, cách giảng vẫn giống như ngày hôm qua, hôm kia. Đúng là nhờ các nỗ lực chăm sóc thành tích mà các thành quả về số lượng, tỉ lệ tốt nghiệp, đạt thứ hạng cao ngày càng tăng nhưng nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu về nội dung khoa học, về giá trị ứng dụng của kiến thức được cung cấp”. PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện cho rằng bệnh thành tích dù rất trầm kha nhưng không phải là hết thuốc chữa và đề nghị cần phải tạo động lực cho người thầy, ông nói: “Không khó để từ đó nhận ra bài thuốc tốt nhất để chữa bệnh sùng bái thành tích và bệnh “thợ hóa người thầy”, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục: cần giải phóng nền giáo dục khỏi chiếc khung tù túng của hệ thống quản lý hành chính quan liêu. Cứ để cho nhà trường, người thầy được tự do trong việc thực hiện chức năng xã hội, nghề nghiệp của mình trong việc xác định sứ mạng cũng như tìm kiếm phương tiện để thực hiện sứ mạng đó”.

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội

“Thị trường bất động sản dưới góc nhìn của tôi như một đứa bé 10 - 11 tuổi, được kỳ vọng nhiều và thực tế nó học cũng cực kỳ giỏi. Vào thời điểm 2007, bất động sản như một cậu bé khôi ngô tuấn tú, ai cũng muốn đầu tư vào nó. Nhưng sau đó, mọi cái dần trở nên phức tạp, giống như chương trình phổ thông của nó vậy. Cậu ta bắt đầu tỏ ra đuối sức với những bài học, phép tính không đơn giản như thời vỡ lòng. Nhưng tin tốt của 2013 là những cậu bé như vậy bắt đầu biết phải học lại bài để mai trả bài, thay vì nó tư duy sẽ có bố xin điểm cho” - đó là góc nhìn của ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội về thị trường bất động sản trong thời gian qua.

Nói về triển vọng BĐS trong năm tới cũng như việc đầu tư vào BĐS,  Phó Giám đốc Savills cho rằng: “Nếu là một tổ chức đang có trong tay 1.000 tỷ đồng thì hãy đi mua lại các dự án tiềm năng, cơ cấu lại để sau 5 năm nữa bán lại. Bởi hiện nay dự án đang chào bán la liệt, vị trí đẹp, cấu trúc tốt. Còn với các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, đặc biệt là đội quân lướt sóng thì tôi cho rằng, trong năm Quý Tỵ này vẫn tiếp tục nên mua sách BĐS để đọc, tránh chuyện mất tiền oan”.