Phát mãi nhà đất - đông kẻ bán, vắng người mua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng liên tục công bố thông tin về việc thu giữ, bán nợ, phát mãi tài sản nhà đất từ trị giá vài tỷ đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thanh khoản rất èo uột…
Nhiều bất động sản lớn cũng được ngân hàng công khai rao bán nhiều lần (Ảnh minh họa)

Nhiều bất động sản lớn cũng được ngân hàng công khai rao bán nhiều lần (Ảnh minh họa)

Rao bán hàng chục lần vẫn… ế

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục đăng thông báo rao bán 32 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường 15B Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Đây là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP Đức Khải. Đáng nói, đây đã là đợt phát mãi lần thứ 5 đối với các căn hộ trong dự án này. Cụ thể, 2 lần phát mãi hồi cuối năm 2019, số lượng căn hộ mà ngân hàng này rao bán là 27 căn. Lần thứ ba vào tháng 2-2020 lượng căn hộ tăng lên 65 căn và hồi tháng 5-2020 là 55 căn...

Trước đó, cuối năm 2020, BIDV cũng đã rao bán khoản nợ của Công ty CP nhà Hưng Ngân với tổng dư nợ tính đến hết ngày 26-10-2020 là gần 564 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc và lãi). Đây cũng là lần rao bán nợ thứ 6 đối với khoản nợ này, tài sản bảo đảm là các bất động sản của doanh nghiệp và các tài sản hình thành từ vốn vay, bao gồm một phần Dự án Khu nhà ở cao tầng và khu phức hợp thương mại dịch vụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM; Dự án Khu du lịch bãi Cửa Cạn tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hay khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh cũng được BIDV rao bán.

Tài sản bảo đảm cho toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh lên đến hơn 2.400 tỷ đồng của doanh nghiệp này tại ngân hàng là Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn, các công trình, máy móc, mỏ nguyên liệu, quyền sử dụng đất… liên quan, được phát mãi giá khởi điểm gần 1.420 tỷ đồng. Thậm chí, có nhiều tài sản bảo đảm được BIDV rao bán hàng chục lần nhưng vẫn chưa bán được, như nhà xưởng và các tài sản liên quan của Công ty Dệt may Thúy Đạt (Nam Định) đã đưa ra thanh lý tới 36 lần. Nhiều tài sản sau nhiều lần rao bán đã phải giảm giá hàng chục tỷ đồng, nhưng vẫn …ế.

Tương tự, một “ông lớn” khác là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng liên tục phát đi các thông báo phát mãi tài sản bảo đảm. Mới đây, Vietinbank Ngô Quyền thông tin về việc bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền là tòa nhà 9 tầng tại phường Dịch Vọng Hậu cùng hơn 10 bất động sản, tài sản khác để thu hồi số tiền nợ gần 230 tỷ đồng của Công ty CP Thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt.

Trước đó, ngân hàng này cũng đã có thông báo bán đấu giá 2 thửa đất ở quận Đống Đa và Tây Hồ để xử lý khoản nợ lên tới gần 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh. Đây là thông báo bán đấu giá tài sản lần thứ tư đối với các tài sản bảo đảm này. Vietinbank Đông Hải Dương cũng rao bán thanh lý quyền sử dụng đất của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lộc Phát QN nhằm thu hồi số nợ hơn 22 tỷ đồng…

Những vướng mắc thực tế

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều người dân và doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Đây là nguyên nhân khiến các ngân hàng liên tục phải thu giữ, bán đấu giá các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, không chỉ là bất động sản mà còn ô tô, nhà xưởng, máy móc, thiết bị… Nhiều ngân hàng như Vietcombank, VIB, Techcombank, SCB, PVCombank, NCB… từ đầu năm đến nay cũng phát ra hàng chục thông báo thu giữ, thanh lý tài sản bảo đảm.

Hàng loạt bất động sản là các dự án lớn cũng rơi vào tình trạng bị ngân hàng thu giữ như: Dự án Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM), dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM), dự án BMC Hưng Long (quận 7, TP.HCM)… Dù trên thực tế, tài sản phát mãi từ các ngân hàng thường có giá hấp dẫn hơn giá trên thị trường, trong khi người mua còn được hỗ trợ vay vốn, nhưng thực tế lại không hề dễ bán.

Theo một chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chính khiến nhà đất thanh lý của ngân hàng khó bán là do nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản nói chung thanh khoản rất thấp, sức cầu yếu nên dù giảm giá vẫn không có người mua. Trong khi đó, quy định của ngân hàng không cho phép giảm giá quá nhiều, nên nhiều tài sản bảo đảm phải phát mãi nhiều lần mà chưa bán được. Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thực tế bất động sản phát mãi, thanh lý đang khá hấp dẫn với nhiều nhóm môi giới bất động sản, do mức giá “mềm”.

Tuy nhiên, với những người mua nhà để ở thì họ lại không mặn mà bởi quan niệm của đa số là muốn tránh những ngôi nhà mà chủ cũ làm ăn bết bát. Hơn nữa, việc mua các bất động sản thanh lý có thể đi kèm nhiều rắc rối về pháp lý cũng như sự đồng thuận của chủ tài sản. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười như chủ nhà bất hợp tác, không chịu bàn giao tài sản cho chủ mới. Ngoài ra, việc đấu giá tài sản bảo đảm thất bại còn có nguyên nhân từ việc định giá tài sản chưa chính xác. Trên thực tế, không ít tài sản bảo đảm đã được định giá cao hơn giá trị thực khi phê duyệt khoản vay. Do đó, khi định giá để thanh lý các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà không sát với giá thị trường.