Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao niềm khát vọng tự hào của nhân dân Thủ đô

ANTD.VN - Đối với Hà Nội - Thủ đô có bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống quý giá đó, nhất là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử văn hóa, nâng cao niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô...

NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội: Tập trung phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao

Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao niềm khát vọng tự hào của nhân dân Thủ đô ảnh 1

“Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội với vai trò hội chính trị xã hội nghề nghiệp có 9 hội chuyên ngành như: Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Âm nhạc, Hội Kiến trúc sư, Hội Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh… hoạt động với phương châm đoàn kết - sáng tạo - đổi mới và phát triển. Dựa trên phương châm đó, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô luôn thực hiện đúng tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội hàng năm cũng được thành phố quan tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần và động viên hội viên tích cực sáng tác các tác phẩm có giá trị về mặt nội dung, góp phần cùng thành phố xây dựng Thủ đô văn minh và hiện đại. 

Trên tinh thần đó, tôi xin được đóng góp ý kiến về phát huy giá trị văn hóa, con người Thủ đô, nâng cao niềm khát vọng tự hào, phát triển đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô. Về vấn đề này thì cơ bản trong dự thảo văn kiện đã đề cập tương đối đầy đủ nhưng đứng ở góc độ những người làm công tác đặc thù về sáng tạo, sáng tác văn học nghệ thuật, mang dấu ấn tập thể và cá nhân độc lập trong mỗi sáng tác, sáng tạo của mình hướng đến các giá trị “chân - thiện - mỹ” và giá trị nhân văn, tôi xin được đóng góp thêm một vài ý kiến để nâng cao chất lượng xây dựng người Hà Nội thạnh lịch, văn minh. Bởi đây chính là một nội dung quan trọng tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của xã hội. 

Đối với Hà Nội - Thủ đô có bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến thì vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống quý giá đó, nhất là xây dựng nếp sống văn minh đô thị, ứng xử văn hóa, nâng cao niềm tự hào, khát vọng phát triển của nhân dân Thủ đô, cần nhấn mạnh đến công tác tập trung phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô, sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao, tạo dấu ấn về tư tưởng và nghệ thuật.

Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích nâng cao chất lượng văn học nghệ thuật nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Không chỉ vậy, tôi mong rằng giá trị của các giải thưởng văn học nghệ thuật cần được quan tâm đầu tư hơn, song song với việc đầu tư về sáng tác qua việc tổ chức các cuộc thi, phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật đến công chúng, quan tâm đến đời sống văn nghệ sĩ, cán bộ làm việc tại các hội văn học nghệ thuật, chú trọng đến việc tuyên truyền về phong trào người tốt việc tốt…

Trên cơ sở đó mới có thể từng bước nâng cao chất lượng để các hội văn học nghệ thuật phát huy được vai trò, trí tuệ sáng tạo cũng như chất xám của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô”. 

Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến: Cần chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian

Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao niềm khát vọng tự hào của nhân dân Thủ đô ảnh 2

“Là người gắn bó với lĩnh vực di sản văn hóa của Hà Nội trong những năm vừa qua, được góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII, trước tiên, tôi bày tỏ sự đồng tình và nhất trí với dự thảo. Để làm rõ hơn phần mục tiêu, giải pháp ở lĩnh vực di sản văn hóa, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Hà Nội hiện có số di tích lớn nhất trong các địa phương của cả nước. Theo tổng kiểm kê, Hà Nội có 5.922 di tích (đến nay đã xếp hạng khoảng 2.400 di tích trong đó có 1 di sản thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 1.200 di tích cấp quốc gia). Mặc dù, những năm vừa qua, công tác quản lý, tu bổ phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Song vấn đề hết sức khó khăn và cấp bách hiện nay là nhiều di tích có giá trị, nhất là ở vùng ngoại thành xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ bị sập, đổ rất cần phải tu bổ kịp thời. 

Do cơ chế phân cấp, vì vậy nhiều huyện không có khả năng thu xếp được nguồn vốn tu bổ cả nguồn ngân sách lẫn xã hội hóa. Theo thống kê sơ bộ của ngành Văn hóa thể thao, toàn thành phố có khoảng 200 di tích xuống cấp cần cần tu bổ ngay, khoảng gần 1.000 di tích cần chống xuống cấp .

Vì di tích ở Thủ đô có đặc điểm đặc biệt, nếu không tu bổ kịp thời sẽ ngày càng bị xuống cấp, nếu dẫn tới sập, đổ thì không bao giờ lấy lại được những giá trị quý giá đã được lưu giữ hàng trăm năm. Chính nó đang là một thành tố quan trọng làm nên diện mạo của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Do vậy, đến năm 2025, thành phố cần chỉ đạo tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền các địa phương, vừa phấn đấu chỉ đạo tu bổ xong các di tích xuống cấp nghiêm trọng.

Về nguồn vốn cần phân kỳ theo từng năm, huy động ngân sách các cấp, huy động nguồn vốn xã hội hóa. Riêng phần xã hội hóa đã có NQ 46/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND TP về chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức cá nhân xây dựng công trình văn hóa, bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Trên thực tế, nghị quyết này khó thực hiện cần phải sửa (vì trong thời gian qua hầu như không có nhà hảo tâm nào tài trợ, đóng góp kinh phí vào Phòng Tài chính của quận, huyện để Nhà nước quản lý dự án tu bổ). Bên cạnh đó, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng cần phải được quan tâm.

Toàn thành phố hiện có 1.793 danh mục văn hóa phi vật thể. Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu từng bước quản lý, hỗ trợ các hoạt động tương đối tốt. Song tôi kiến nghị thành phố cần có chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian đã được Chủ tịch nước phong tặng. 

Hiện nay, toàn thành phố có 76 nghệ nhân (7 nghệ nhân nhân dân), nhiều cụ tuổi cao, sức yếu. Nghị định NĐ 109/2015/CP ngày 28-10-2015 của Chính phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, nếu áp dụng vào các trường hợp cụ thể trên địa bàn Hà Nội thì không có nghệ nhân nào được hưởng.

Trong khi đó ở Bắc Ninh đã có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân bằng 2 lần mức lương tối thiểu hàng tháng, hàng năm được Nhà nước cấp thể Bảo hiểm y tế, gia đình được hưởng mai táng phí 7 triệu đồng/nghệ nhân khi qua đời. Vì vậy, tôi xin kiến nghị thành phố cần vận dụng để có chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong thực hành, truyền dạy, đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân nhất là các bậc nghệ nhân cao tuổi”. 

PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội: Đề cao tính chiến đấu của các tổ chức Đảng

Phát huy giá trị văn hóa, nâng cao niềm khát vọng tự hào của nhân dân Thủ đô ảnh 3

“Được góp ý cho dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVII, tôi chỉ xin đóng góp ý kiến nhỏ để văn kiện hoàn thiện hơn. Đó là trong dự thảo văn kiện nên tách phần xây dựng Đảng thành mục lớn riêng rẽ, vì xây dựng Đảng là một trong những nội dung quan trọng nhất của đại hội, không chỉ là mục nhỏ trong báo cáo. Trong phần nội dung về Xây dựng Đảng, nên đề cao hơn tính chiến đấu, tính tiền phong của tổ chức Đảng như chi bộ, Đảng bộ cơ sở (nhất là tổ chức Đảng ở những nơi vừa từ thôn trở thành tổ dân phố, từ xã trở thành phường) và của đảng viên, việc nói đi đôi với làm.

Cùng với đó, cần đề cao công tác kiểm tra Đảng trong xây dựng tổ chức, quản lý tổ chức, từ quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, quản lý, xử lý cán bộ... Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến mọi hoạt động của tất cả các cơ quan công quyền và đến cuộc sống của người dân Thủ đô. Vì thế, cần đánh giá phần này kỹ và sâu hơn”.