Phật hóa thân trong gốm

ANTĐ - Ấn tượng với những tượng Phật rất hiện đại nhưng hóa thân một cách gần gũi trong chất gốm mộc mạc của làng quê Phù Lãng của Nguyễn Tuấn từ những triển lãm trước của anh như “Giấc mơ Phật”, “Di cư” và gần đây là “Gốm và người”… đã kích thích sự tò mò với nghệ sỹ quê gốc Hải Dương này. 

Phật hóa thân trong từng tác phẩm của Nguyễn Tuấn 

Phá cửa lò để nung gốm

Trong lúc ngồi chờ chủ nhân trở về, tôi có dịp ngắm nhìn không gian trưng bày của Nguyễn Tuấn nằm tít trong con ngõ ở đường Ngọc Thụy, ven sông Hồng. Đây là một ngôi nhà nghệ thuật vì nhìn đâu cũng thấy gốm. Trong diện tích khoảng 300m2 là những bức tượng cao bằng người cho đến những chiếc bàn uống trà, chiếc lọ, chiếc cốc… tất cả đều bằng gốm. Đặc biệt, hình tượng Đức Phật từ lâu đã đi vào trong mỗi sáng tác của Nguyễn Tuấn. Nào là bức tượng Phật với vầng trán cao có vẻ siêu thực nhưng chính là thể hiện sự hanh thông về trí tuệ, kia là hình tượng Phật co ro như một thai nhi trong giấc ngủ trưa, rồi Phật mượn đôi cánh của loài chim để di cư đến một nơi khác… 

Đến khi gặp Nguyễn Tuấn thì cũng khá bất ngờ vì trông anh không giống “ông nghệ sỹ” nghiêm túc phải đổ mồ hôi, nhăn trán để có thể làm ra từng ấy tác phẩm nhiều triết lý, nhiều chiêm nghiệm đến thế. Chính anh cũng phì cười: “Có người hỏi tôi: “Này trông anh “chuyển động” mà sao lại làm những thứ “tĩnh” thế? Tôi nói, cả vũ trụ này luôn chuyển động, bản thân con người vốn ai cũng “động” mà”. Tôi đã nghĩ là phải làm, mà đã làm là làm bằng được. Để nung được những bức tượng khổng lồ, anh không ngần ngại… phá cửa lò để đưa tác phẩm vào, sau đó xây lại. Cửa lò chỉ cao 1,2m, anh làm hẳn những tượng cao 1,5m, thậm chí là 2m.

Nguyễn Tuấn cũng “thích” thách thức những quy luật, ngay trong những tác phẩm của mình. Những “Cây đời” với những nhánh tua tủa, những bức tượng đế nhỏ gánh cả một thân lớn bên trên… ít xuất hiện trong kết cấu gốm thông thường. Những đứa con nghệ thuật này cũng ngốn rất nhiều thứ của anh, từ tiền của, mồ hôi, sức lực, tuổi trẻ, trí tuệ… Cũng có lúc làm lên làm xuống không xong một mẫu, rồi thì làm được rồi, nung xong xuôi, tưởng thế là yên tâm, khiêng ra đến ngoài thì đổ, vỡ…, cũng xót xa công sức bỏ ra, cũng mấy phen lao đao về tài chính. Nhưng vì tình yêu với gốm, phải chịu chứ biết làm sao. 

Tiếp lửa cho gốm

Nguyễn Tuấn nói, anh yêu gốm Phù Lãng giống như yêu một cô gái ngay cái nhìn đầu tiên. Sinh ra ở Hải Dương, từ những năm còn học tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh đã đi khắp các làng gốm trong nước. Nhưng khi đến Phù Lãng anh bị chinh phục bởi cái chất gốm mộc mạc  giản dị của xứ Kinh Bắc này. Và vì thế, anh nhiều lần trốn học đạp xe hàng chục cây số về với Phù Lãng. 14 năm lăn lộn với Phù Lãng, cùng ăn cùng ở như người làng để hiểu truyền thống Phù Lãng, thế nào là cái chum, cái vại, cái tiểu, cái niêu đất, cái chậu… Và rồi, trong quá trình ấy, vừa học, vừa nghiên cứu để tìm hiểu xem, vì sao những sản phẩm này lại thất thế trên thị trường và làm cách nào để gốm của mình có thần thái, phong cách riêng. 

33 tuổi, có trong tay một cơ sở sản xuất gốm riêng, một không gian trưng bày khang trang, bề thế vừa để giới thiệu sản phẩm, cũng là nơi làm đôi ba chén với bạn bè, đồng nghiệp. Anh đã có gần một chục cuộc triển lãm. Sành gốm, chơi gốm, cất công mang về những bức tượng gốm từ Campuchia, nhưng khi bắt tay làm triển lãm, có đang chạy ô tô anh cũng bán. Để có được những thứ như ngày hôm nay, không chỉ liều lĩnh, bất chấp anh cũng hy sinh không ít. Nhưng anh nói mình vẫn còn may mắn, nhất là khi được học, được đam mê, được làm đúng những thứ mình thích. Và để tiếp lửa cho “giấc mơ gốm” của mình, Nguyễn Tuấn khẳng định mình chưa khai thác hết Phù Lãng. Rằng anh sẽ khoác cho gốm của mình một chiếc áo sơ mi mới, bằng việc kết hợp nhiều chất liệu. Năm 2015, khi kinh tế khởi sắc, biết đâu anh sẽ hoàn thành một triển lãm có tầm hơn, dự kiến sẽ là cái tên hoành tráng -  “Nụ cười thế giới”.