Phát hiện nhiều loại thuốc kém chất lượng

ANTĐ - Chỉ tính riêng từ đầu tháng 9-2015, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã ra các quyết định đình chỉ, thu hồi hay ngừng cấp số lưu hành với 70 loại thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc kháng sinh được sử dụng khá phổ biến. Điều này khiến dư luận không khỏi lo lắng về thực trạng chất lượng thuốc trên thị trường nước ta hiện nay.
Phát hiện nhiều loại thuốc kém chất lượng  ảnh 1

Cần tăng cường quản lý chất lượng thuốc để bảo vệ người bệnh

1 tháng, 70 loại thuốc bị rút đăng ký

Ngày 28-9, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Đỗ Văn Đông vừa ký công văn khẩn về việc tạm ngừng sử dụng thuốc Hadubaris. Theo đó, cơ quan này nhận được công văn của Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai báo cáo về việc bệnh nhân ngộ độc Bari sau khi uống thuốc cản quang (dùng cho chẩn đoán X-quang) Hadubaris, số đăng ký VD-18438-13 do Công ty CP dược - Vật tư y tế Hải Dương sản xuất.

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược thông báo tạm ngừng sử dụng thuốc nói trên, đồng thời yêu cầu Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương tạm dừng việc sản xuất và đưa ra phân phối sản phẩm thuốc này.

Trước đó 2 ngày, Cục Quản lý dược đã ban hành công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc Cephalexin 500mg, SĐK YD-4682-08, do Công ty CP dược phẩm Trung ương Vidipha sản xuất.

Lý do vì đơn vị này nhận được thông tin từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM báo cáo về việc phát hiện mẫu thuốc mang tên Cephalexin 500mg, SĐK: YD-4682-08, lô sản xuất: 07705124, ngày SX: 8-2014, hạn SD: 8-2017, do Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương Vidipha sản xuất có kết quả thử nghiệm không cho phản ứng định tính hoạt chất Cephalexin. Cục Quản lý dược khẳng định, kết quả này cho thấy đây là thuốc giả. Còn tính từ đầu tháng 9-2015 đến nay, Cục Quản lý dược đã ra quyết định rút số đăng ký của 70 loại thuốc.

Đáng chú ý, chỉ riêng trong ngày 20-9, Cục trưởng Cục Quản lý dược đã ban hành quyết định rút số đăng ký lưu hành cùng lúc 51 loại thuốc tân dược, chủ yếu là kháng sinh dạng viên nén, được sản xuất tại Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Liên bang Nga, cụ thể như: thuốc Fudnostra 5mg, dạng viên nén dài bao phim, số đăng ký VN-14364-11; Fudnostra 10 mg viên nén dài bao phim, số đăng ký VN- 14363-11; Stri-Alpha, viên nang mềm, số đăng ký VN-11731-11; Amolic, bột pha tiêm, VN-11727-11; Zinxime thuốc cốm uống, số đăng ký VN-10060-10…

Lý do vì vi phạm chất lượng thuốc, thuốc sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký tại Cục Quản lý dược, trong đó có cả những thuốc do các đơn vị đăng ký, sản xuất tự nguyện đề nghị rút số đăng ký lưu hành vì không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Siết chặt giám sát, kiểm tra

Các kết quả kiểm nghiệm thuốc của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cũng cho thấy tình trạng thuốc kém chất lượng được phát hiện ngày càng nhiều. Ước tính, tỷ lệ thuốc kém chất lượng dao động ở mức 3%, đáng chú ý, trong đó tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng có xu hướng giảm rõ rệt, trong khi thuốc nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ bị thu hồi rất lớn. 

Theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, mặc dù liên tiếp có các thuốc bị rút số đăng ký hoặc đình chỉ, yêu cầu thu hồi song trên thực tế tỷ lệ thuốc kém chất lượng, thuốc giả trên thị trường nước ta những năm gần đây đang có xu hướng giảm. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng thấp.

Cũng theo ông Đỗ Văn Đông, một trong những lý do khiến thuốc bị đình chỉ, rút số đăng ký ngày càng nhiều là do thời gian qua Cục Quản lý dược đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc vi phạm, các trường hợp thuốc vi phạm chất lượng. Qua đó có tác dụng cảnh báo, răn đe đối với tất cả các các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc nói chung, góp phần bảo đảm chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường.

Đối với những người tiêu dùng đã mua thuốc kém chất lượng, Cục Quản lý dược sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng khi nhận được các kiến nghị, khiếu nại theo đúng thẩm quyền.