“Giải mã” những bí ẩn về “viên kim cương” của ngành khảo cổ Việt Nam:

Phát hiện khảo cổ tại Hoà Bình gây chấn động giới khảo cổ học thế giới (2)

ANTĐ - Kể từ khi phát hiện bộ xương khổng lồ, và được đánh giá là bộ xương 2 cá thể đười ươi, giới khảo cổ đã dấy lên những làn sóng ý kiến khác nhau.

Ai mang bộ xương đười ươi vào hang?

Theo truyền thuyết, tên gọi núi Sáng bắt đầu từ khi nào đến nay chưa ai rõ. Nhưng trong dân gian xưa nay vẫn thường nói đến sự tích núi thiêng này. Chẳng rõ thực hư ra sao, nhưng ai cũng sợ phạm vào điều linh thiêng. Theo lẽ thường, đứng trước những điều không thể lý giải, người ta đã thần thánh hóa ngọn núi và coi đây là ngọn núi linh thiêng của cả vùng, không ai dám mạo phạm.

Theo các cao niên kể lại, núi Sáng là một ngọn núi thiêng, do vậy hàng năm dân làng đều làm lễ cúng thần núi, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi vào dịp ra xuân.

Ngọn núi Sáng từ trên cao nhìn ra nương bãi


Trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm, miệng hang ở lưng chừng núi vẫn là nơi không có dấu chân người. Bởi chẳng ai đủ dũng khí đu mình giữa lưng chừng núi với vách đá dựng đứng để vào hang với những rủi ro không biết trước.

Tuy nhiên, những bí ẩn tồn tại từ thủa khai thiên lập địa trong lòng hang núi Sáng, đã được chính những người phu rừng khai phá. “Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện khảo cổ học nghiên cứu, giám định. Kết quả thật bất ngờ khi cho thấy toàn bộ phần xương cốt được tìm thấy ở hang núi Sáng là di cốt của 2 cá thể đười ươi, là loài động vật có cùng nguồn gốc với loài người. Trong đó, một bộ còn khá nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đười ươi đã trưởng thành và một không còn nguyên vẹn là di cốt của một cá thể đười ươi chưa trưởng thành. Phát hiện trên đã gây chấn động giới khảo cổ học thế giới”- Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình khẳng định.

Với phát hiện trên, các nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước đều nhất trí cho rằng, việc phát hiện di cốt đười ươi ở Cao Răm là một phát hiện khảo cổ học đặc biệt quan trọng. Lúc đó, Giáo sư Hà Văn Tấn, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học cho rằng: “Đây là một phát hiện khảo cổ học rất lớn, lần đầu tiên ở Việt Nam tìm thấy di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của một loài động vật quý hiếm trên thế giới. Nó chẳng những là cứ liệu khoa học để tiếp tục nghiên cứu sự tồn tại của đười ươi ở Việt Nam thế cánh tân (Pléistocene), mà còn bổ sung chỉnh lý lại những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới”.

Một phần "viên kim cương" của ngành khảo cổ tại bảo tàng Hòa Bình


Theo các nhà khoa học trong và ngoài nước, những đi cốt đười ươi hoá thạch tại hang núi Sáng là rất có giá trị. Chúng là những hoá thạch khá hoàn chỉnh và nguyên vẹn của loài động vật quý hiếm trên thế giới. Hoá thạch này đã cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin có giá trị và quan trọng về lịch sử loài đười ươi, cũng như về diễn biến môi trường cổ ở Việt Nam và Đông Nam Á; về lịch sử môi trường và quá trình hình thành và phát triển của con người ở Việt Nam. Trong lịch sử tiến hoá của loài linh trưởng, cách ngày nay khoảng 10 triệu năm, lúc này con người và đười ươi cùng chung một gốc loài vượn cổ, sau đó tách ra thành hai ngành. Một ngành phát triển thành người (qua quá trình lao động) và một ngành mãi mãi là đười ươi, vượn, khỉ như ngày nay. Như vậy, từ những cứ liệu trên có thể thấy 2 bộ di cốt đười ươi ở hang núi Sáng là họ hàng thân thuộc với loài người từ cách đây 10 triệu năm về trước.

Nói như Giáo sư Hà Văn Tấn thì: “Việc phát hiện 2 bộ di cốt đười ươi rất có giá trị. Nó giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử phát triển loài người và lịch sử môi trường cổ ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Đây được ví như viên kim cương đối với ngành khảo cổ học”.

Một khúc xương hóa thạch trưng bày tại bảo tàng Hòa Bình

“Viên kim cương” chưa... đủ phát sáng

Không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà bộ di cốt đười ươi mang lại đối với nền khảo cổ học nước ta. Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Có một điều đáng buồn là trong những lần được Bảo tàng mang ra trưng bày, giới thiệu, bộ di cốt này cũng chẳng nhận được mấy sự quan tâm của công chúng. Đáng buồn hơn nữa là hiện này do cơ sở vật chất của đơn vị còn thiếu thốn, tạm bợ nên việc giữ gìn, bảo quản những hiện vật quý nói chung và bộ di cốt đười ươi vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với giá trị vốn có của các mẫu vật. Cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ nên bộ di cốt đười ươi cùng với hàng trăm hiện vật quý, vẫn đang nằm lặng lẽ với bụi bặm thời gian là điều không tránh khỏi”- bà Thi bộc bạch.

Hai bộ di cốt hóa thạch khá hoàn chỉnh của đười ươi (có tên khoa học là Pongo.SP) được phát hiện gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới. Phát hiện này đã làm thay đổi những quan điểm khoa học trước đó về nguồn gốc, sự phát triển, tồn tại của loài đười ươi ở Việt Nam và các khu vực khác trên thế giới. Tuy được coi là “viên kim cương quý” của ngành khảo cổ học, nhưng 16 năm qua, bộ di cốt này vẫn nằm lặng lẽ tại Bảo tàng Hòa Bình với bụi bặm của thời gian, mà chưa có kết luận thêm về nghiên cứu khảo cổ ngoài đánh giá giá trị cho sự xuất hiện của chúng tại núi Sáng.

Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc bảo tàng Hòa Bình trong một lần khai quật tại hang người tiền sử ở Lạc Sơn, Hòa Bình


Khi hỏi về tài liệu hay những đánh giá về “tài sản” giá trị này, bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc bảo tàng Hòa Bình, nơi đang lưu giữ “viên kim cương” khẳng định việc quan tâm đúng mức giá trị khảo cổ đối với bộ xương hóa thạch hiện vẫn rất hạn chế. Chính vì vậy mà tài liệu liên quan cũng rất ít ỏi. Trong một số tài liệu khẳng định sự xuất hiện của “gia đình” đười ươi hóa thạch trong giếng hang núi Sáng thì được cho rằng do quá trình kiếm ăn, đười ươi đã lạc vào hang và rơi xuống giếng không thoát lên được. Con mẹ bị rơi xuống giếng, con con nằm trên đợi mẹ cho đến khi chết vì đói. Chính vì trong hang đá nên nơi đó trở thành “cỗ máy ướp xác”, làm cho giới khảo cổ học sửng sốt về sự nguyên vẹn này.

“Hiện 2 bộ xương đười ươi vẫn được lưu giữ và trưng bày trong tủ kính của bảo tàng tỉnh Hòa Bình. Đã có nhiều dịp trưng bày để giới thiệu đến công chúng nhưng rất ít người  quan tâm, cho đến giờ việc trưng bày cũng chỉ là cho vào tủ kính nên sẽ khó bảo tồn lâu được”- bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc bảo tàng Hòa Bình cho biết.

Bộ xương đười ươi tại trưng bày bảo tàng Hòa Bình


Theo quan sát của chúng tôi, 2 bộ xương còn gần như nguyên vẹn trong tủ kính. Bộ xương lớn có chiều cao khoảng 1,8 m, bộ xương nhỏ cao khoảng 80 cm. Đây được xem như cứ liệu rất có giá trị không chỉ dành cho giới khảo cổ, mà còn thể hiện giá trị tầng lớp cắt về loài động vật có quan hệ mật thiết với con người hiện nay.

(còn nữa)