Hé lộ đường dây buôn lậu titan sang Trung Quốc (1):

Phát hiện "động trời" đằng sau 3.500 tấn quặng thô “vô chủ”

ANTĐ - Với kiểu mượn tư cách pháp nhân mua bán lòng vòng, hàng trăm ngàn tấn quặng titan thô đang được “hô biến” xuất lậu ào ạt sang các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Trung Quốc.

Phát hiện 3 điểm tập kết quặng thô

Theo báo cáo của Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ, trong diện tích 1.262 km2 điều tra titan - zircon trong tầng cát đỏ tại tỉnh Bình Thuận, diện tích có chứa quặng titan - zircon là 774 km2 với tài nguyên dự báo là khoảng 558 triệu tấn (gấp 16 lần so tổng trữ lượng sa khoáng các tỉnh trong cả nước gộp lại). Với tổng sản lượng 558 triệu tấn, theo một số chuyên gia về khoáng sản của Bộ Tài nguyên Môi trường, có thể xếp Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng titan đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba trên thế giới.

Để chủ động kiểm soát hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến nguồn tài nguyên bạc tỷ này, năm 2005 rồi 2009 UBND tỉnh Bình Thuận đã có một số chỉ thị nghiêm cấm vận chuyển, xuất bán quặng thô không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu phát hiện phải đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép. Tuy nhiên trên thực tế mỗi ngày hàng ngàn tấn titan thô vẫn đang bị phù phép xuất lậu ồ ạt sang Trung Quốc.

Hệ thống vít xoắn để đãi tuyển titan của một DN khai thác titan tại Bình Thuận
Hệ thống vít xoắn để đãi tuyển titan của một DN khai thác titan tại Bình Thuận

Được biết, ngày 11/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phía Nam (C46B) phối hợp với  Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ kiểm tra tàu Thành Công 18 đang đậu tại Cảng Cát Lở (BR-VT) và phát hiện trên con tàu này đang tập kết  hơn 1.000 tấn titan thô chuẩn bị vận chuyển ra Cảng Cọc 6, Quảng Ninh. Do nguồn gốc số quặng thô nói trên có nhiều nghi vấn nên C46B lập biên bản tạm giữ. Mở rộng điều tra, ngày 13/5 C46B tiếp tục phát hiện 1.800 tấn titan thô đang gởi tại hai kho 15A, 15B thuộc Cảng Cát Lở và 800 tấn tại kho của doanh nghiệp tư nhân Trung Thành  (đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu). Với hơn 3.500 tấn quặng titan phát hiện ở ba điểm nói trên trị giá hàng chục tỷ đồng thế nhưng từ tháng 6 - cuối tháng 7/2011, Công an BRVT đã liên tục có thông báo trên toàn quốc tìm chủ sở hữu của số quặng nói trên nhưng vẫn không thấy ai đến nhận. Riêng chủ tàu Thành Công 18 (thuộc Công ty dịch vụ Vận tải biển Chung Nghĩa, Nam Định) liên tục yêu cầu giải phóng hơn 1.000 tấn quặng để giải tỏa tàu vì cả thuyền trưởng và nhiều thuyền viên đã xin về quê vì tàu tạm giữ quá lâu. Hơn nữa họ chỉ là người vận chuyển thuê số quặng nói trên nên không có sai phạm gì trong việc vận chuyển này.

Ngày 9/9, UBND tỉnh BRVT đã ra quyết định tịch thu, tổ chức bán đấu giá xung công quỹ nhà nước đối với hơn 3.500 tấn quặng titan thô nói trên.     

Những ông chủ giấu mặt

Theo một nguồn tin riêng cho biết, toàn bộ ba lô hàng với hơn 3.500 tấn quặng titan nói trên có giá thị trường khoảng gần 20 tỷ đồng và tất cả đều có chủ. Tuy nhiên do mua bán lòng vòng nên không ai đứng ra nhận.

Lần theo đường dây này được biết, ngày 2/5 ông Phương Kiên Trung với tư cách là đại diện của Công ty TNHH XNK tổng hợp Vĩnh Nam (Vĩnh Phúc) ký hợp đồng thuê tàu Thành Công 18 vận chuyển titan. Hơn 1.000 tấn titan thô này ông Trung ký hợp đồng mua của Công ty Đường Lâm (Phan Thiết, Bình Thuận) nhưng lại mua tại kho của Công ty Cổ phần du lịch Sài Gòn-Hàm Tân với giá hơn 4,6 tỷ đồng.

Công ty Vĩnh Nam đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2000, sau đó đã có hai lần thay đổi chức năng kinh doanh vào năm 2005 và 2007 trong đó có hoạt động chế biến khoáng sản. Tuy nhiên công ty này hoàn toàn không có máy móc, thiết bị gì phục vụ cho hoạt động chế biến mà chỉ có một kho bãi chứa hàng với diện tích 700 m2 thuê ở gần Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Đặc biệt qua xác nhận của ông Mai Đức Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Nam thì ông Phương Kiên Trung không phải là người của Công ty Vĩnh Nam, việc ông Trung trên danh nghĩa là người của công ty là do ông cho mượn tư cách pháp nhân để mua bán quặng tian!

Từ xác nhận này đã phần nào hé lộ một đường dây mua bán lòng vòng quặng titan thô từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc để sau đó những ông chủ đứng sau đường dây này phù phép xuất lậu sang Trung Quốc. Theo một nguồn tin, từ năm 2010 đến tháng 5/2011, Công ty Đường Lâm đã ký 8 hợp đồng kinh tế bán hơn 6.300 tấn titan các loại cho Công ty Vĩnh Nam đưa đi tiêu thụ. Cũng thời gian trên, Công ty Vĩnh Nam đã có 21 lần mua quặng titan các loại với tổng số tiền trên 32,5 tỷ đồng trong đó mua của Công ty Đường Lâm bảy lần với số tiền hơn 17 tỷ đồng và số quặng trên chưa xuất bán vẫn còn lưu kho. Thế nhưng trên thực tế số quặng titan khổng lồ trên bỗng dưng “biến mất” không hề có trong kho của công ty này!

Ngoài ông Phương Kiên Trung, Công ty Vĩnh Nam còn cho một người đàn ông khác tên P có nhà riêng trên đường Trần Phú, TP Móng Cái, Quảng Ninh mượn tư cách pháp nhân để mua bán quặng titan và ông P cũng là người đại diện Văn phòng Công ty Vĩnh Nam tại Quảng Ninh. Từ trước đến nay, mỗi khi ông P đề nghị là lập tức giám đốc Công ty Vĩnh Nam đặt bút ký và chuyển phát nhanh các hợp đồng mua quặng của Công ty Đường Lâm vào Bình Thuận và không hề nhớ đã ký bao nhiêu hợp đồng, thực hiện như thế nào, vận chuyển đi đâu (!?).

Đáng lưu ý là toàn bộ các hợp đồng do giám đốc Công ty Vĩnh Nam ký với Công ty Đường Lâm đều được thanh toán qua tài khoản tại Phòng giao dịch Quang Minh - Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và phát triển tây Hà Nội. Trên danh nghĩa khi mua quặng, Công ty Vĩnh Nam phải chuyển tiền cho Công ty Đường Lâm. Tuy nhiên đối với phi vụ này, giám đốc Công ty Vĩnh Nam chỉ cần đặt bút ký chứng từ chuyển tiền còn số tiền  nộp trực tiếp vào tài khoản Công ty Vĩnh Nam đều do người của Công ty Đường Lâm tại Hà Nội thực hiện. Với kiểu chuyển tiền kỳ lạ này, người ta đang nghi ngờ Văn phòng đại diện Công ty Vĩnh Nam tại Quảng Ninh thực chất chỉ là “sân sau” của Công ty Đường Lâm tại Bình Thuận hay là việc chuyển tiền lòng vòng nhằm giúp Công ty Vĩnh Nam được khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào hàng năm? Một nguồn tin từ Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc  cho hay, năm 2010 Công ty Vĩnh Nam đã được khấu trừ 2,5 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng đầu vào.  Trong khi trong năm 2010 tất cả hàng tồn kho chỉ có 3,8 tỷ đồng còn 25 tỷ đồng mua quặng titan về lại không hề có trong kho của công ty này và việc này đã có dấu hiệu chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Được biết phần lớn các “phi vụ” xuất lậu quặng titan thô đều được tập kết tại các Cảng Fangcheng (Quảng Tây) và đưa về TP Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc để tiêu thụ. Hầu hết các hợp đồng xuất titan thô đều được mua bán tại mạn tàu ở một số cảng biển ở Quảng Tây, Trung Quốc.
(Còn nữa)