Pháp tuyên án kịch khung với kẻ tham gia thảm kịch khủng bố ở Paris

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Salah Abdeslam, phần tử thánh chiến duy nhất còn sống sót sau vụ tấn công khủng bố vào Thủ đô Paris tháng 11-2015 khiến 130 người thiệt mạng đã bị tuyên án chung thân không ân xá. Phán quyết đưa ra ngày 29-6 đối với 20 đối tượng tham gia vụ việc này đã khép lại phiên tòa lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp.
Bức vẽ tại phiên tòa đặc biệt cho thấy đối tượng Salah Abdeslam đứng lên trình bày

Bức vẽ tại phiên tòa đặc biệt cho thấy đối tượng Salah Abdeslam đứng lên trình bày

Phiên tòa “đặc biệt” và “mẫu mực”

Sau quá trình xét xử kéo dài hơn 9 tháng, tòa án đặc biệt ở Paris cũng kết án 20 đối tượng liên quan đến vụ tấn công do nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện gây rúng động khắp Thủ đô Paris. Salah Abdeslam, 32 tuổi, người Pháp gốc Morocco, bị kết tội giết người và cố ý giết người liên quan đến một nhóm khủng bố. Bản án với Abdeslam là mức án nghiêm khắc nhất theo luật Pháp hiện hành, sau khi nước này đã bãi bỏ án tử hình. Hiện bản án mới chỉ được tuyên 4 lần ở Pháp với các tội danh liên quan đến hãm hiếp và sát hại trẻ vị thành niên.

Với các bị cáo khác, 18 người đã bị kết tội liên quan đến khủng bố và 1 người bị kết án về tội gian lận nhẹ hơn. Họ phải chịu các hình phạt từ án treo đến chung thân. “Đó là một phán quyết công bằng”, ông Gérard Chemla, luật sư đại diện cho một số nguyên đơn tại phiên tòa cho biết.

Cựu Tổng thống Pháp François Hollande, người đã làm chứng trước tòa vào tháng 11, ca ngợi đây là một phiên tòa “đặc biệt” và “mẫu mực”. Ông nói thêm: “Nước Pháp đã chứng tỏ rằng, nền dân chủ của chúng ta có thể nghiêm minh mà không cần đặt câu hỏi về các quy tắc và nguyên tắc của nó”.

Xét ở bất kỳ góc độ nào, phiên tòa xét xử các vụ tấn công ở Paris có quy mô và độ phức tạp chưa từng có, phản ánh mức độ tàn bạo của vụ việc gây ra những làn sóng chấn động khắp nước Pháp. Cuộc điều tra kéo dài 6 năm và văn bản kết luận điều tra dài đến 53m nếu xếp thẳng hàng. Phiên điều trần kéo dài hơn 9 tháng, được tổ chức trong một phòng xử án được xây dựng đặc biệt tại tòa Palais de Justice có từ thế kỷ XIII ở trung tâm Paris, một công trình có sức chứa gần 600 người.

Đối với những người sống sót sau cuộc tấn công ở Paris, phiên tòa là một bước nhỏ trên con đường hàn gắn vết thương. Quá trình xét xử đã mang lại những khoảnh khắc xúc động cho những người sống sót và thân nhân của những người đã thiệt mạng. Khoảng 450 nguyên đơn, chiếm tỷ lệ 1/4 số người đăng ký có mặt tại tòa, kể lại trải nghiệm của họ bằng giọng run run, như thể sự kiện vừa mới xảy ra. Một khoảng thời gian và không gian nhiều như vậy phần nào giúp họ ghép lại những mảnh vỡ của cuộc đời đã tan vỡ. “Bây giờ chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Phiên tòa sẽ là một cột mốc cho công lý”, Philippe Duperron, người có con trai bị giết trong phòng hòa nhạc Bataclan cho biết.

Những câu hỏi còn để ngỏ

Trong khi một số bị cáo nói những lời đau buồn và ăn năn với nạn nhân, hầu hết vẫn kín tiếng khi được hỏi về vai trò của họ trong các vụ tấn công. Hơn 9 tháng phiên tòa diễn ra, hội đồng xét xử đã không làm sáng tỏ được liệu sự việc có liên quan đến âm mưu tấn công đồng thời tại sân bay Schiphol của Amsterdam vào ngày 13-11 hay không. Nó cũng không xác định được nguồn gốc của 6 khẩu súng trường Kalashnikov được tìm thấy tại hiện trường các cuộc tấn công ở Paris. Tại sao Abdeslam, một mình trong đội biệt kích 10 người gieo rắc nỗi kinh hoàng trên đường phố Paris, không sử dụng súng trường Kalashnikov hay áo có quấn thuốc nổ vào đêm xảy ra vụ tấn công vẫn là câu hỏi lớn nhất chưa được giải đáp khi phiên tòa kết thúc.

Trong phần phát biểu kết thúc, Abdeslam nói với tòa rằng, anh ta là người bổ sung vào phút cuối của nhóm. Anh ta cho biết đã “từ bỏ” nhiệm vụ kích nổ chiếc áo chứa chất nổ của mình trong một quán bar ở phía Bắc Paris vào đêm 13-11. Đối tượng vốn ủng hộ nhóm IS đã kết thúc phiên tòa bằng một lời cầu xin khoan hồng trong nước mắt, bày tỏ “chia buồn và xin lỗi” trước tòa. Sự thay đổi thái độ của hắn làm dấy lên câu hỏi nghi vấn nhưng đối với nhiều nạn nhân, đó chỉ là vấn đề thứ yếu. Ông Duperron nhấn mạnh: “Một phiên tòa không thể trả lời tất cả các câu hỏi. Tất nhiên Abdeslam không nói tất cả những gì anh ta biết. Sự thành thật của tất cả các bị cáo cũng đều bị nghi ngờ. Nhưng điều quan trọng là phiên tòa đã diễn ra và bị cáo đã lắng nghe người bị hại. Hơn hết, phiên tòa đã giúp mỗi chúng tôi bước tiếp”.

Tháng 11-2015, một nhóm chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đã tấn công vào một phòng hòa nhạc, quán bar và các địa điểm khác quanh Thủ đô của Pháp, khiến 130 người thiệt mạng. Tòa án xác định rằng, Salah Abdeslam đóng vai trò chính trong các cuộc tấn công từ lập kế hoạch đến thực hiện, trong đó có mua sắm vật liệu nổ, ô tô đến chỉ thị các đối tượng khác đến các địa điểm mục tiêu.