Pháp tìm cách xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale sang Malaysia và UAE

ANTĐ - Kể từ đầu năm nay, Pháp đã đạt được thoả thuận mua bán các chiến đấu cơ Rafale với Ai Cập, Qatar và Ấn Độ. Hiện nay, Paris đang tìm cách thuyết phục thêm các khách hàng mới là Malaysia và UAE.

“Có thể Dassault sẽ nhận được thêm 2 hợp đồng xuất khẩu đối với chiến đấu cơ Rafale vào đầu năm sau, nhưng không bao gồm Ấn Độ. Những cuộc thảo luận cấp cao đang được tiến hành với Malaysia và Các tiểu vương quốc thống nhất (UAE)”, một nguồn tin nội bộ chính phủ Pháp nói với hãng tin Reuters.

Pháp tìm cách xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale sang Malaysia và UAE ảnh 1Chiến đấu cơ Rafale 

Trước đó đã có thông tin cho rằng, Pháp có dự định bán 16 chiếc đấu cơ Rafale cho quân đội Malaysia. 

Kể từ đầu năm nay, Pháp đã bán được cho Ai Cập và Qatar mỗi nước 24 chiếc chiến đấu cơ Rafale và đang trong thời gian thảo luận để hoàn tất hợp đồng 36 chiếc cho Ấn Độ.

Rafale là một mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm được phát triển bởi công ty Dassault của Pháp. Nó đã có chuyến bay thử lần đầu tiên vào năm 1986 và gia nhập hải quân và không quân Pháp lần lượt vào các năm 2004 và 2006.

Các thoả thuận vào năm 2014 cũng là những hợp đồng đầu tiên của Pháp đối với mẫu máy bay Rafale. Dassault đã trải qua 10 năm không bán được chiếc Rafale nào, chủ yếu do vấn đề giá cả quá đắt đỏ.  Tuy nhiên, đây thực sự là chiếc máy bay có thiết kế khí động học, kĩ thuật điện tử hàng không và động cơ vượt trội hơn hẳn so với các loại chiến đấu cơ cùng thệ hệ khác.

Rafale còn xây dựng được tiếng tăm của mình kể từ khi nó tham gia không kích tại Libya vào năm 2011, với việc thực hiện được một nhiệm vụ kéo dài tới 9h35’ trong đó có một lần tiếp nhiên liệu trên không. Đến năm 2013, tiêm kích này lại chứng minh nó có thể chịu được sức nóng ở sa mạc Sahara, khi Pháp tham gia chiến dịch tấn công các doanh trại quân đội li khai ở miền đông Mali. Rafale cũng đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do thám và ném bom chính xác vào năm 2014 ở Iraq, nơi nó là một trong những chiến đấu cơ chủ lực không kích chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).