Xem xét tội trạng gã nghịch tử trong cơn điên loạn đốt nhà, làm chết người thân

ANTD.VN - Nguyễn Tuấn K. (SN 1983) đến nhà cậu ruột mừng lễ tân gia. Do uống rượu say nên Nguyễn Tuấn K. có mâu thuẫn với mẹ đẻ. Sau đó, Nguyễn Tuấn K. về nhà nằm nghỉ trong trạng thái bực bội. 

Xem xét tội trạng gã nghịch tử trong cơn điên loạn đốt nhà, làm chết người thân ảnh 1

Nội dung vụ việc

Khoảng 18 giờ cùng ngày, mẹ Nguyễn Tuấn K. tiếp tục sang nhà Nguyễn Tuấn K. la mắng: “Tao làm nhà cho vợ chồng mày ở, giờ mày lại cãi tao”. Quá bực tức, Nguyễn Tuấn K. liền lấy can nhựa ra cửa hàng bán xăng dầu mua hơn 2 lít xăng đem về nhà. Lúc này cháu Nguyễn Thị T. (con gái Nguyễn Tuấn K.) đang ngủ trên giường, chị Phạm Thị X. (vợ Nguyễn Tuấn K.) bế đứa con gái 2 tuổi tên là Nguyễn Thị V.

Thấy Nguyễn Tuấn K. cầm can xăng xông vào nhà với thái độ hung hăng, chị X. liền can ngăn nhưng K. gạt chị X. quát: “Tao đốt nhà rồi trả cho mẹ” rồi đổ xăng vung vãi ra nền và vách nhà (bằng gỗ). Chị X. tay bế con, tay giật can xăng trên tay K. Tức thì K. bật lửa đốt. Ngay sau đó, hàng xóm đến can ngăn và dập tắt lửa. Tuy nhiên, cháu Nguyễn Thị V. do bị bỏng nặng nên đã tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là hành vi của Nguyễn Tuấn K. đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Trong vụ việc này, Nguyễn Tuấn K. đã phạm tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015. Chỉ vì do uống rượu say và mâu thuẫn với mẹ, Nguyễn Tuấn K. đã mua xăng về đốt nhà dẫn đến cái chết của con ruột mình. Tôi cho rằng Nguyễn Tuấn K. phải nhận thức được rằng hành vi mua xăng để đốt nhà của mình trong khi có mặt cả vợ và 2 con mình ở đó là hết sức nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của những người thân. Dù đã được vợ can ngăn nhưng Nguyễn Tuấn K. vẫn bật lửa đốt. Điều đó thể hiện việc cố ý muốn thực hiện việc làm đến cùng của Nguyễn Tuấn K. bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Do đó Nguyễn Tuấn K. đã phạm tội giết người.

           Vũ Thúy Hải (Ngọc Lặc - Thanh Hóa)

Vô ý làm chết người 

Trong vụ việc này có thể Nguyễn Tuấn K. không cố ý trong việc gây ra cái chết cho con gái mình. Mục đích của Nguyễn Tuấn K. chỉ là đốt nhà xuất phát từ mâu thuẫn với mẹ đẻ nhưng do không kiểm soát được nên đã để xảy ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến cái chết của cháu bé. Đây là hành vi làm chết người với lỗi vô ý do cẩu thả. Nguyễn Tuấn K. phải nhận thức, phải thấy trước được rằng hành vi mua xăng về đốt nhà của mình sẽ gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng Nguyễn Tuấn K. đã cho rằng không thể xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Tuấn K. đã phạm vào tội vô ý làm chết người theo Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015

Nguyễn Trọng An (Ân Thi - Hưng Yên)

Phạm 2 tội giết người và hủy hoại tài sản

Mục đích của Nguyễn Tuấn K. trong vụ việc này là đốt căn nhà do có mâu thuẫn với mẹ mình. Việc cháu Nguyễn Thị V. bị chết là nằm ngoài mong muốn của Nguyễn Tuấn K. Vì vậy, có quan điểm cho rằng Nguyễn Tuấn K. phạm tội vô ý giết người. Tuy nhiên, tôi cho rằng ngoài tội vô ý giết người, Nguyễn Tuấn K. còn phạm vào tội hủy hoại tài sản theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn nhà là của mẹ K. làm cho 2 vợ chồng K., vì vậy nó là tài sản chung. Việc K. tự ý mua xăng về đốt nhà trước sự can ngăn của vợ rõ ràng đã xâm phạm đến tài sản chung của 2 người, và theo tôi có cơ sở để xem xét về tội hủy hoại tài sản.

Đinh Thị Thu (Lương Sơn - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Theo chúng tôi, trong vụ việc này Nguyễn Tuấn K. phạm 2 tội là tội giết người theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ nhất, xem xét hành vi mua xăng về đốt nhà của Nguyễn Tuấn K. cho thấy đã thỏa mãn dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Bởi lẽ:

Về tài sản bị hủy hoại: Theo Điều 33, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 thì tài sản của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất trong đó có tài sản được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung. Do vậy, hành vi mua xăng về đốt nhà của Nguyễn Tuấn K. là xâm phạm (cụ thể là hủy hoại) đến tài sản chung hợp nhất của vợ chồng Nguyễn Tuấn K. Vì trong trường hợp này chị Phạm Thị X. hay Nguyễn Tuấn K. đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo Điều 213, Bộ luật Dân sự 2015 về sở hữu chung của vợ chồng.

Hơn nữa, mẹ Nguyễn Tuấn K. cũng đã khẳng định rõ khi sang nhà Nguyễn Tuấn K. la mắng rằng: “Tao làm nhà cho vợ chồng mày ở”. Như vậy, căn nhà mà Nguyễn Tuấn K. và vợ mình đang ở là tài sản do mẹ Nguyễn Tuấn K. cho chung hai vợ chồng, nếu Nguyễn Tuấn K. hủy hoại (đốt) căn nhà này là hủy hoại cả phần tài sản của vợ mà bản thân Nguyễn Tuấn K. không có quyền định đoạt phần tài sản đó.

Về mặt khách quan: Nguyễn Tuấn K. đã thực hiện hành vi quy định trong cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thể hiện ở việc K. đi mua xăng về, tưới lên nhà và châm lửa đốt. Mặc dù đã có sự ngăn cản của vợ thể hiện qua lời nói và hành động giật lấy can xăng ở trên tay của Nguyễn Tuấn K., nhưng K. vẫn không dừng lại mà y vẫn tiếp tục châm lửa đốt - thể hiện sự quyết tâm thực hiện hành vi hủy hoại tài sản.

Theo đó, Nguyễn Tuấn K. đã thực hiện đầy đủ các hành vi khách quan mà K. cho là cần thiết, còn hậu quả cháy nhà chưa xảy ra là do bà con hàng xóm đến dập tắt lửa kịp thời ngăn chặn hậu quả và nó nằm ngoài mong muốn chủ quan của K. Bởi lẽ, nếu không có bà con đến cứu giúp thì hậu quả cháy nhà tất yếu xảy ra. Hơn nữa, ai cũng nhận thức được rằng xăng dầu là chất lỏng rất dễ cháy và dễ bắt lửa, và nếu ở bất kỳ chỗ nào nó cũng luôn luôn đe dọa gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người.

Thứ hai, xem xét hành vi đổ xăng và châm lửa đốt gây nên cái chết của cháu Nguyễn Thị V. của Nguyễn Tuấn K. cho thấy cũng đã thỏa mãn dấu hiệu của tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Bởi lẽ:

Về hành vi khách quan: Nguyễn Tuấn K. đã có hành vi đổ xăng và châm lửa đốt trong khi K biết rằng ở đó đang có vợ và 2 đứa con nhỏ của mình, đặc biệt là cháu Nguyễn Thị T. đang ngủ trên giường, cháu Nguyễn Thị V. lại còn rất nhỏ mới chỉ 2 tuổi và đang được mẹ bế, nhưng K vẫn cứ thực hiện hành vi gây nên hậu quả nghiêm trọng là cháu V. bị bỏng nặng và chết. Cho nên, giữa hành vi khách quan và hậu quả xảy ra có mối quan hệ nhân quả.

Về thái độ chủ quan: Mặc dù Nguyễn Tuấn K. không có ý thức, mong muốn giết ai trong gia đình nhưng do mục đích của K. là nhằm hủy hoại tài sản nên mặc dù thừa hiểu rằng vợ, con hiện đang có mặt trong nhà, nếu nhà cháy thì số người này có thể bị bỏng, bị thương tích hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng nhưng xuất phát từ chỗ bực tức, không kìm chế được nên K. vẫn cứ châm lửa đốt. Điều này cho thấy thái độ của Nguyễn Tuấn K. là bàng quan, bỏ mặc cho hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra.

Tuy nhiên, xét về lỗi của Nguyễn Tuấn K. cho thấy K. thực hiện hành vi phạm tội dưới hình thức cố ý gián tiếp. 

Cố ý gián tiếp là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Để mặc cho hậu quả xảy ra trong hình thức lỗi này có nghĩa là hậu quả xảy ra hay không xảy ra đối với người phạm tội đều có ý nghĩa như nhau, hậu quả nguy hiểm cho xã hội xuất hiện trên thực tế xuất hiện hay không xuất hiện, người phạm tội cũng đều chấp nhận.

Bởi vì, khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người phạm tội mong muốn mục đích khác vì thế, họ thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội có khả năng xảy ra và hậu quả này nếu không phù hợp với mục đích của mình thì người phạm tội vẫn chấp nhận để cho hậu quả đó xảy ra.

Đối chiếu với nội dung vụ án trên có thể thấy, Nguyễn Tuấn K. là người có đầy đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi, K. nhận thức được rằng hành vi đổ xăng và châm lửa đốt nhà là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đồng thời K. cũng thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội có khả năng xảy ra (do xăng là chất đốt dễ cháy, dễ bén và lan bùng nhanh, trong nhà hiện đang có trẻ em nhỏ đang ngủ, đã đổ xăng chảy lan khắp nhà…).

Dù không có mục đích giết bất kỳ ai trong nhà và cũng không mong muốn ai bị chết nhưng K lại có thái độ bàng quan, có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (gây bỏng nặng và cái chết cho cháu V.), bởi vì Nguyễn Tuấn K. đang theo đuổi mục đích khác - mục đích thể hiện qua câu nói của Nguyễn Tuấn K.: “Tao đốt nhà rồi trả cho mẹ”. Chính vì vậy, cho dù biết hậu quả này nếu không phù hợp với mục đích của mình xảy ra thì Nguyễn Tuấn K. vẫn chấp nhận để cho hậu quả đó xảy ra.

Từ những phân tích trên cũng loại trừ khả năng Nguyễn Tuấn K. phạm tội vô ý làm chết người. Bởi lẽ, nếu cho rằng Nguyễn Tuấn K. phạm tội vô ý phạm tội do quá tự tin, tức là K. tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, ở đây K. là người bình thường, y phải thấy trước được rằng xăng là chất đốt rất nguy hiểm, dễ cháy nên ai cũng phải hiểu nếu châm lửa đốt trong khi xăng đã chảy và đang có trẻ em nhỏ là rất nguy hiểm và khó có thể ngăn ngừa được.

Còn nếu cho rằng Nguyễn Tuấn K. phạm tội vô ý làm chết người do quá cẩu thả, tức là K. không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó thì cũng chưa có cơ sở. Bởi lẽ, K. hoàn toàn bình thường, tỉnh táo, y đi mua xăng về đốt nhà và hoàn toàn nhận thức được hành vi đổ xăng, châm lửa đốt của mình là cực kỳ táo bạo, chứa đựng khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội rất cao khi xăng là chất đốt dễ cháy và bắt lửa, đồng thời trong nhà đang có hai đứa con của mình, nên không có cơ sở cho thái độ chủ quan của Nguyễn Tuấn K. là không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Tuy nhiên, theo chúng tôi trong vụ án này khi xem xét mức hình phạt cũng cần giảm nhẹ cho K. vì ý thức chủ quan của K. là không mong muốn giết người mà chỉ để mặc cho hậu quả xảy ra (cố ý gián tiếp). 

   Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)