Vụ trao nhầm con ở Ba Vì, Hà Nội: Cố ý đánh tráo trẻ có thể bị phạt tù tới 12 năm

ANTD.VN -Vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) được gia đình phát hiện đã gây xôn xao dư luận những ngày qua. Sự việc khiến nhiều người dân khá lo lắng về sự thiếu cẩn trọng của một số nhân viên y tế, đồng thời đặt câu hỏi: “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi này, quy định hiện hành xử lý việc trao nhầm con ra sao”?

“Tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nếu hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh do lỗi vô ý, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, cơ sở y tế phải bồi thường theo quy định pháp luật” – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Cố ý trao nhầm trẻ có thể bị phạt tù tới 12 năm

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 597 BLDS 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định này, bệnh viện phải bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, bệnh viện có quyền yêu cầu nhân viên y tế -người có lỗi trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.

Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất như thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch với hóa đơn, chứng từ… kèm theo. Ngoài những tổn thất về vật chất, họ có thể yêu cầu bồi thường những tổn hại về tinh thần (như việc trao nhầm con khiến vợ chồng nghi ngờ nhau, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, việc trao nhầm trẻ khiến bố mẹ chúng lo lắng, mất ăn mất ngủ, tinh thần sa sút…).

Do trẻ sơ sinh khá giống nhau nên nếu không thận trọng sẽ dễ bị nhầm lẫn

 Điều 592 BLDS 2015 nêu rõ, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

Ngoài ra, theo Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh của nhân viên y tế (thành viên trong kíp trực) có thể bị xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh với lỗi cố ý thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 152 BLHS 2015 về Tội đánh tráo người dưới 1 tuổi. Theo đó,  người nào đánh tráo người dưới 1 tuổi này với người dưới 1 tuổi khác, thì bị phạt tù từ 2-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Phạm tội 2 lần trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.  Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Phát sinh tranh chấp trong nhận lại con: Có thể khởi kiện!

Liên quan đến thủ tục nhận lại con của 2 gia đình có trẻ sơ sinh bị trao nhầm, Luật sư Lê Hồng Vân cho biết, theo Luật Hộ tịch 2014, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trong đó, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con có thể là: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, mẹ con; Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, người làm chứng. Trường hợp một trong hai bên không chấp nhận đổi con thì bên còn lại có quyền thu thập tài liệu chứng cứ, khởi kiện ra toà án yêu cầu xác định cha mẹ cho con.

Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định, bác sỹ, y tá, nhân viên y tế phải thực hiện đúng quy định chuyên muôn kỹ thuật, quy trình khi khám chữa bệnh, trong đó có hoạt động chăm sóc sinh sản. Các trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh hầu hết do lỗi của nhân viên y tế khi không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

“Có thể nói, việc trao nhầm trẻ sơ sinh gây hậu quả khá nghiêm trọng, đặc biệt là trong trường hợp bị phát hiện muộn. Nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chăm sóc trẻ, thừa kế, mối quan hệ của trẻ với những người ruột thịt…Tuy vậy, trước khi quyết định biện pháp xử lý trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng cần thận trọng xem xét thời hiệu xử lý vi phạm hành chính hoặc thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.