Vụ lừa tinh vi qua Sendo: Chờ câu trả lời trách nhiệm từ Cục TMĐT & KTS

ANTD.VN - Sau khi xảy ra vụ lừa đảo tinh vi qua sàn giao dịch trực tuyến Sen Đỏ (Sendo), PV Báo ANTĐ tiếp tục cung cấp thông tin tới cơ quan quản lý là Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS, Bộ Công thương), trong bối cảnh phía Sendo quyết giữ im lặng trước đề nghị trao đổi của PV. Trước đó, Cục TMĐT & KTS cũng từng tiếp nhận thông tin tương tự, song cách giải quyết của cơ quan này đã khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm liên quan.

Những món hàng kém chất lượng vẫn dễ dàng lọt qua "cửa" Sendo để đến tay người tiêu dùng

Vào cuối tháng 2-2019, một vụ lừa đảo tinh vi đã xảy ra trên môi trường kinh doanh trực tuyến, khi kẻ lừa đảo lợi dụng lỗ hổng quản lý lỏng lẻo của nền tảng Sen Đỏ (Sendo).

Trong đó, nạn nhân là chị N.Y (SN 1991, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội)  không có tài khoản Sendo, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào qua nền tảng này, song vẫn nhận được bưu phẩm do shop lừa đảo trên Sendo gửi tới.

Thông tin bưu phẩm trùng khớp với đơn hàng mà nạn nhân đã đặt ở nền tảng giao dịch trực tuyến khác, nên chị Y. nhận hàng, trả 1,8 triệu đồng cho 4 chiếc cốc nguyệt san chất lượng kém, ước giá trị chỉ vài chục nghìn đồng cho mỗi chiếc.

Chi tiết về vụ lừa đảo tinh vi này đã được Báo ANTĐ đăng tải trong loạt bài trước đây. Điều đáng nói là thủ đoạn trong vụ lừa đảo mới nhất hoàn toàn tương tự như loạt vụ lừa trước đó 1,5 tháng.

Lỗ hổng của Sendo từng bị phát hiện từ trước, Cục TMĐT & KTS đã biết, song... vẫn tồn tại?

Cụ thể, hồi đầu tháng 1-2019, PV Báo ANTĐ đã tìm hiểu và ghi nhận 4 trường hợp bị lừa qua nền tảng SenGo của Sendo. Do phía công ty TMĐT này quyết giữ im lặng trước mọi đề nghị trao đổi, ghi nhận thông tin khách quan, đa chiều từ báo chí, PV đã cung cấp dữ liệu tới cơ quan quản lý là Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT & KTS, Bộ Công thương).

Sau đó, Cục TMĐT & KTS đã ra công văn yêu cầu Sendo giải trình về loạt trường hợp lừa đảo qua nền tảng của họ, mà Báo ANTĐ đã nêu.

Nội dung cảnh báo sau loạt vụ lừa đảo qua Sendo được Cục TMĐT & KTS đăng tải nhưng không nêu đích danh sàn giao dịch này

Thế nhưng, khi Sendo trả lời yêu cầu giải trình bằng một văn bản thiếu thuyết phục (chỉ nêu lại những thông tin đơn hàng không thể xác định được người gửi, cam kết chung chung về việc rà soát hệ thống, tránh để bị lạm dụng), ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT & KTS - cho biết, Cục này không có thêm bất kỳ động thái giám sát hay kiểm tra nào.

Sau 1,5 tháng, một vụ lừa đảo với mức độ tinh vi và thiệt hại lớn hơn nhiều (1,8 triệu đồng cho 4 chiếc cốc nguyệt san kém chất lượng) lại xảy ra, qua nền tảng Sendo!

Ngày 14-3, PV Báo ANTĐ tiếp tục cung cấp thông tin sự việc mới nhất tới Cục TMĐT & KTS. Phía cơ quan quản lý này đã hẹn trao đổi vào ngày 18-3.

Sau 4 ngày, tới đúng hẹn, PV tới gặp đại diện Cục TMĐT & KTS là bà Lê Thị Việt Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, bà Hà tiếp tục đề nghị PV cung cấp các chứng cứ liên quan tới sự việc, và hoãn trả lời về trách nhiệm của cơ quan quản lý này trước tình trạng Sendo để tồn tại lỗ hổng cho những kẻ lừa đảo lợi dụng. Đây là lỗ hổng quản lý (không kiểm soát nguồn bán, loại hàng và đầu mối nhận) của Sendo từng được PV thông báo tới Cục từ trước.

Những tên miền website bị cho là vi phạm được đăng tải công khai trên website của Cục TMĐT & KTS

Lúc trước, sau loạt 4 vụ lừa đảo qua nền tảng SenGo của Sendo, Cục TMĐT & KTS từng đăng một nội dung cảnh báo về hiện tượng này, song không nhắc tới Sendo - dù công ty này liên quan trực tiếp tới sự việc. Trong khi đó, trên website của Cục TMĐT & KTS, rất nhiều tên miền website bị cho là sai phạm (vi phạm và bị phản ánh) lại được đăng tải công khai (?!).

Những diễn biến trên khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của Cục TMĐT & KTS trong vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, trước những sự việc lừa đảo lặp lại qua hệ thống Sendo.

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới về vấn đề trên tới độc giả.