Vụ án con rể lừa mẹ vợ: Công ty chứng khoán có vai trò như thế nào?

ANTD.VN - Sau gần 10 năm giải quyết vụ án nhưng vẫn không xong, ngày 17-5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 2 đối với Trần Minh Anh, bị cáo buộc là đã lừa đảo chiếm đoạt của mẹ vợ hơn 3 tỷ đồng.

Nhân viên chứng khoán xác nhận bừa…

Vậy nhưng kể từ khi dự kiến xét xử sơ thẩm lại vụ án này đến nay, phiên tòa đã 2 lần phải hoãn do khi thì vắng mặt bị hại, lúc lại vắng mặt người tham gia tố tụng khác.

Trước đó, năm 2014, bị cáo Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội) từng được TAND TP Hà Nội tuyên bố không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, sau khi có kháng nghị của VKS, tháng 11-2015, TAND Tối cao (nay là TAND Cấp cao) đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Theo cáo trạng truy tố, đầu năm 2007, Trần Minh Anh cùng bà Bùi Thị Minh (trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và khi đó là mẹ vợ Trần Minh Anh) đến Công ty CP chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (gọi tắt là Công ty Chứng khoán Bảo Việt) mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Bà Minh đưa hộ chiếu của mình để nhờ Minh Anh làm các thủ tục liên quan.

Trần Minh Anh tại phiên tòa sơ thẩm lần trước (năm 2014).

Cùng ngày, Công ty Chứng khoán Bảo Việt và bà Minh ký hợp đồng mở tài khoản nhưng chữ ký chủ tài khoản bên dưới là của Trần Minh Anh. Ngay ngày hôm sau, bà Minh nhận số tiền 175.870 Euro (hơn 3 tỷ đồng) do con gái là Trần Kim Ngân (ở Đức, khi đó là vợ Trần Minh Anh) gửi về. Sau đó, Minh Anh đưa bà Minh nộp số tiền trên vào tài khoản chứng khoán. Xong việc, bà Minh vào TP HCM ở với con trai.

Mặc dù không có giấy ủy quyền, nhưng từ ngày 25-1 đến 2-7-2007, Minh Anh đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt rút 2,1 tỷ đồng trong tài khoản mang tên bà Minh. Các chứng từ rút tiền đều do Minh Anh viết nội dung và ký tên.

Ngày 9-7-2007, lấy lý do mẹ vợ ốm, Minh Anh tiếp tục đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt lập giấy ủy quyền “khống” để thực hiện các giao dịch liên quan đến chứng khoán. Tin tưởng khách hàng quen nên các nhân viên giao dịch của doanh nghiệp này đã xác nhận ngay vào giấy ủy quyền mà không hề có mặt bà Minh.

Sau đó, từ ngày 16-7-2007 đến ngày 30-1-2008, Trần Minh Anh tiếp tục thực hiện 16 lần rút tiền với tổng số 1,3 tỷ đồng. Tài liệu truy tố xác định, bị cáo đã thực hiện 83 giao dịch khác nhau trên tài khoản mang tên bà Minh như nhận chuyển mua, bán chứng khoán, phí lưu ký, lãi tiền gửi...

Và vụ án con rể lừa đảo mẹ vợ chính thức xảy ra khi đầu năm 2008, bà Minh đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt rút tiền thì tá hỏa vì hơn 3 tỷ đồng trong tài khoản chỉ còn lại hơn 9 triệu đồng. Cho rằng doanh nghiệp quản lý tiền phải chịu trách nhiệm, bà Minh yêu cầu Công ty Chứng khoán Bảo Việt phải bồi thường toàn bộ số tiền trong tài khoản bị mất.

Vì sao vụ án cứ dùng dằng?

Sau hàng chục lần mở tòa và qua 2 cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) nhưng đến nay vụ án con rể lừa đảo mẹ vợ vẫn chưa thể kết thúc. Thậm chí với những gì đã diễn ra ở các phiên tòa trước thì không ai dám chắc chắn khi nào vụ án mới thật sự khép lại.  

Vì rằng quá trình giải quyết vụ án, chị Trần Kim Ngân (người liên quan) cho biết, năm 2006, chị này bán căn nhà tại Berlin (Cộng hòa Đức) được 280.159 euro. Sau đó, năm 2007, chị Ngân gửi số tiền 176.000 euro vào tài khoản của bà Minh để trả nợ mẹ.

Trần Minh Anh tại phiên tòa phúc thẩm (bị hủy án) cuối năm 2015.

Trong khi ấy, Trần Minh Anh khai, do cần nhiều tài khoản để giao dịch chứng khoán nên mới phải mượn hộ chiếu của bà Minh mở thêm tài khoản. Số tiền hơn 3 tỷ đồng là tiền của anh ta và vợ (chị Ngân) dành dụm được trong thời gian ở nước ngoài. Trở về Việt Nam, Minh Anh và vợ thống nhất dùng số tiền bán nhà bên Đức chơi chứng khoán.

Giải thích về việc đã có tài khoản ở Công ty Chứng khoán Bảo Việt thì vì sao lại cần thêm tài khoản mang tên bà Minh, Trần Minh Anh khai do thời điểm anh ta chơi chứng khoán, quy định không cho phép 1 người được đứng tên, sở hữu 2 tài khoản ở cùng một doanh nghiệp chứng khoán.  

Ngoài ra, một tình tiết khác cũng làm “đau đầu” cơ quan chức năng trong suốt quá trình tiến hành tố tụng là vào thời điểm chị Trần Kim Ngân gửi tiền về cho bà Minh thì tình trạng hôn nhân của chị này với Trần Minh Anh như thế nào?

Theo đó, xác minh tại Phòng Tư pháp quận Đống Đa và Sở Tư pháp TP Hà Nội cho thấy, sổ theo dõi hôn nhân thể hiện năm 1988, Trần Minh Anh và chị Trần Kim Ngân đã kết hôn với nhau, song không có bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của 2 người.

Sau thời gian dài sang Đức, năm 2007, chị Ngân đăng ký kết hôn lần thứ 2 với Minh Anh và lần này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Theo lời khai của Trần Minh Anh, sở dĩ 2 người tái đăng ký kết hôn lần thứ 2 chỉ là để anh ta có đủ cơ sở pháp lý sang Đức đoàn tụ với vợ con.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của 2 người chỉ kéo dài thêm một năm sau đó. Vì cùng ở thời điểm vụ án con rể lừa mẹ vợ xảy ra, Trần Minh Anh và chị Trần Kim Ngân nhanh chóng được TAND TP Hà Nội ra bản án ly hôn.

Cũng chính vì thế mà quá trình giải quyết vụ lừa đảo liên quan đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cấp tòa sơ thẩm xử vụ án năm 2014 xác định, thực tế hôn nhân giữa Minh Anh và chị Ngân vẫn còn hiệu lực pháp luật. Bởi trước khi vụ án xảy ra, chưa có bất kỳ một bản án hay quyết định nào của tòa án thể hiện 2 người đã ly hôn.

Quá trình giải quyết vụ án, ban đầu bà Minh được xác định là bị hại, sau chuyển sang Công ty Chứng khoán Bảo Việt và đến thời điểm này mẹ vợ cũ của Trần Minh Anh là bị hại. Các nhân viên của doanh nghiệp chứng khoán liên quan cũng từng nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả.