Tranh luận trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên

ANTD.VN - Ngày 5-6, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, ở Thái Bình) về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định chiều 19-11-2016, Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở Bắc Ninh) điều khiển xe Innova chở 10 người trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã lùi xe về hướng Hà Nội nhằm đi ra nút giao Yên Bình.

Cùng lúc, bị cáo Lê Ngọc Hoàng điều khiển container chở thép đi tới. Dù thấy xe của Sơn nhưng Hoàng không phanh ngay, muốn vượt lên tránh. Do bên trái xe của Hoàng có xe khác nên tài xế này không thể điều khiển xe vượt lên. Vì vậy, khi cách xe Innova 10m, Hoàng mới phanh xe nên dẫn tới tai nạn khiến 5 người chết, 5 người bị thương.

Đại diện Viện KSND tỉnh Thái Nguyên tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm.

Kiểm sát viên cho rằng, bị cáo Hoàng có lỗi không giảm tốc độ khi gặp biển báo “Đi chậm” được cắm trên cao tốc, trước lối rẽ ra ngoài cao tốc tại nút giao. Hoàng cũng không giảm tốc độ khi thấy xe của Sơn đang nhấp nháy đèn phía trước. Từ đó, người giữ quyền công tố đề nghị tòa bác kháng cáo kêu oan của ông Hoàng.

Trước đó, Lê Ngọc Hoàng đã bị TAND thị xã Phổ Yên phạt 4 năm 6 tháng tù. Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nọi) bào chữa cho Lê Ngọc Hoàng nêu quan điểm, công văn số 2884 của Cục Quản lý đường bộ 1 thể hiện biển báo “Đi chậm” không có hiệu lực với xe đi thẳng trên đường cao tốc (có tác dụng với phương tiện vào lối rẽ ra khỏi cao tốc - PV).

Ngược lại, công văn 1514 của Tổng cục Đường bộ lại cho rằng biển báo “Đi chậm” nói trên có tác dụng với phương tiện đi thẳng trên đường cao tốc. Vị luật sư cho rằng, do 2 công văn này trái ngược nhau nên viện kiểm sát cần tranh luận thêm căn cứ xác định Hoàng mắc lỗi không giảm tốc độ khi gặp biển báo “Đi chậm”.

Bị cáo Lê Ngọc Hoàng tại phần tranh luận.

Ngoài ra, Công văn cố 336 năm 2019 của Cục Đo đạc bản đồ khẳng định trong 52 giây mất tín hiệu hành trình ngay trước khi tai nạn, xe của Lê Ngọc Hoàng đã di chuyển được 96,1m tức chưa tới 2m/giây. Luật sư Thanh đặt câu hỏi: “Như vậy, xe của Hoàng có tốc độ khoảng 5 - 10km/h, đã giảm đến mức an toàn, có thể dừng lại ngay được. Vậy căn cứ vào đâu để viện kiểm sát nói Hoàng không giảm tốc độ?”.

Đáp lại, viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm cho rằng công văn số 1514 của Tổng cục Đường bộ là chính xác, Hoàng phải giảm tốc độ khi gặp biển báo “Đi chậm”. Người giữ quyền công tố cũng từ chối đối đáp về công văn số 336 nói trên, khẳng định Hoàng không giảm tốc độ khi thấy xe Innova của Sơn đang bật đèn nhấp nháy phía trước.

Luật sư Thanh đề nghị HĐXX xem xét: “Tôi thấy những công văn có ý gỡ tội cho Hoàng đã bị bỏ ra ngoài, những công văn có tính chất buộc tội lại được áp dụng”.

Tương tự, các luật sư khác cho rằng kiểm sát viên đã không chứng minh được Hoàng có giảm tốc độ hay không? Xe của ông Sơn đã lùi chéo từ làn trong cùng ra làn giữa ra sao? Các công văn từ cơ quan chuyên môn không được giải thích… và hoàn toàn bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội theo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Dù chủ tọa đề nghị nhưng đại diện Viện KSND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục từ chối tranh luận và cho rằng đã đối đáp đủ trước quan điểm của luật sư.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Lê Ngọc Hoàng khóc, trình bày: “Đây là lần thứ 4 bị cáo đứng trước tòa. Bị cáo vẫn khẳng định trong vụ tai nạn mình không có lỗi. Mong HĐXX xem xét minh oan cho bị cáo”.