Trách nhiệm hình sự trong vụ trêu ghẹo phụ nữ dẫn tới tử vong

ANTD.VN - Nguyễn Văn T (SN 1993) trên đường trở về nhà thấy chị Đoàn Thị H (SN 1990) xinh đẹp, gợi cảm chạy xe dạo mát một mình, T đã tăng tốc vượt lên chọc ghẹo. Tuy nhiên, thấy T buông lời trêu chọc, chị H chỉ nhìn và không thèm trả lời. Bực tức vì thái độ của chị H, T liền cho xe chạy chậm lại rồi bất ngờ từ phía sau kéo dây áo sau lưng của chị H. Quá bất ngờ, chị H buông tay lái để giữ cho chiếc áo không rơi xuống. Không may, chiếc xe bị lạng tay lái và lao vào xe khác làm chị H. ngã chấn thương nặng và  tử vong sau vài ngày cấp cứu... Vấn đề đặt ra là trong tình huống này, Nguyễn Văn T có phạm tội không, nếu có phạm tội gì?

Trách nhiệm hình sự trong vụ trêu ghẹo phụ nữ dẫn tới tử vong ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

T. không phạm tội 

“Theo tôi, trong vụ việc này Nguyễn Văn T không phạm tội bởi ngay từ đầu T không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân. Mục đích của T chỉ là thấy chị Đoàn Thị H xinh đẹp, gợi cảm nên muốn trêu ghẹo chị H. Viêc chị Đoàn Thị H buông tay lái để giữ cho chiếc áo không rơi xuống rồi sau đó chiếc xe bị lạng tay lái lao vào xe khác khiến chị H bị ngã xuống đường chỉ là một tai nạn đáng tiếc. Tôi cho rằng nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ sự bất cẩn của chị H. Chính vì vậy, tôi cho rằng trong vụ việc này Nguyễn Văn T không có tội”.

Nguyễn Quang Quý (Trạm Tấu - Yên Bái)

Phạm tội giết người

“Theo như nội dung vụ việc, tôi cho rằng Nguyễn Văn T hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm cho chị Đoàn Thị H. Bởi T có thể nhận thức được rằng chị H đang chạy xe máy và T có thể biết trước chị H sẽ phản ứng buông tay lái rồi bị tai nạn và dẫn đến cái chết. Tuy nhiên, T vẫn cố tình trêu ghẹo chị H. Như vậy, mặc dù T không mong muốn hậu quả chết người nhưng Nguyễn Văn T đã để mặc cho nó xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng Nguyễn Văn T đã phạm tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự 2015”.

Hoàng Thị Nhung (Sầm Sơn - Thanh Hóa)

Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người

“Tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Văn T trong vụ việc này là hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. Có thể thấy T hoàn toàn nhận thức được rằng hành vi của mình sẽ gây nguy hiểm cho chị Đoàn Thị H. Song, nếu cho rằng hành vi kéo áo của T sẽ đưa người bị hại vào tình thế trực tiếp dẫn đến cái chết là hoàn toàn khiên cưỡng bởi T hoàn toàn không mong muốn điều đó xảy ra. Có thể trong suy nghĩ của mình, T chỉ cho rằng, việc mình trêu ghẹo chị H có thể sẽ dẫn đến việc chị H bị ngã xe và bị thương tích nhưng T hoàn toàn không nhận thức được rằng điều đó sẽ khiến cho chị H có thể bị tử vong. Vì vậy, tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Văn T đã phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Đinh Thị Thắng (TP Điện Biên - Điện Biên)

Vô ý làm chết người

“Có thể thấy, ngay từ đầu Nguyễn Văn T chỉ có ý định chọc ghẹo chị Đoàn Thị H nhưng hành vi của T vô tình đẩy người khác vào tai nạn đáng tiếc dẫn đến cái chết. Hậu quả chết người trong vụ án này theo tôi là ngoài ý muốn của T. Vì vậy, tôi cho rằng T chỉ phạm tội vô ý làm chết người. Có thể thấy, nguyên tắc của pháp luật hình sự nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra. Còn ở đây, việc kéo áo chị H của T chỉ dẫn đến việc chị H buông tay lái để giữ áo dẫn đến việc chị H bị tai nạn tử vong chỉ là sự vô ý. Vì vậy, tôi cho rằng trong trường hợp này, hành vi của T chỉ có thể bị truy tố về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự vì lỗi quá tự tin không ngờ dẫn đến hậu quả chết người”.

Hoàng Quang Tuân (Đông Triều - Quảng Ninh)

Bình luận của luật sư

“Theo chúng tôi, trong vụ việc này, muốn xác định hành vi trêu ghẹo của Nguyễn Văn T có phạm tội không thì không thể không bắt đầu từ cái chết của chị Đoàn Thị H. Hầu hết các vụ án hình sự đều phải bắt đầu từ hậu quả, từ hậu quả rồi tìm ra nguyên nhân dẫn đến hậu quả và cuối cùng hành vi nào là nguyên nhân dẫn đến hậu quả đó. Chị Đoàn Thị H bị chết là do chị buông tay lái giữ áo khiến xe của chị lao vào xe khác làm chị bị ngã. Nếu dây áo sau lưng chị tự nhiên bị tuột thì đúng là tai nạn là do chị tự gây ra. Nhưng trường hợp này không phải như vậy mà do có sự tác động của Nguyễn Văn T. Nếu T không đột ngột kéo dây áo sau lưng của chị H thì chị H sẽ không phải buông tay lái để giữ cho áo không bị tụt xuống. Như vậy, có thể khẳng định rằng, chính sự tác động này của T là nguyên nhân làm cho chị H tử vong. 

Không cần phải phân tích nhiều thì ai cũng có thể hiểu chị H thiệt mạng do hành động trêu ghẹo của T gây nên. Về lý luận, hành động của T là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho chị H. Người có hành vi là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp đều phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra. Khi kéo dây áo sau lưng của chị H, T chỉ muốn trêu ghẹo nhưng ai cũng biết hành vi đó rất nguy hiểm đến tính mạng của chị H. Bởi lẽ trong lúc đang điều khiển xe máy trên đường, chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể làm cho người lái xe mất thăng bằng, không làm chủ được tay lái. Có lẽ chính vì vậy mà đối với tội cướp giật tài sản, liên ngành Trung ương phải hướng dẫn “dùng thủ đoạn nguy hiểm” là cướp giật người đi mô tô, xe máy... 

Đối với cái chết của chị Đoàn Thị H, đúng là Nguyễn Văn T không mong muốn, cũng không bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015 (lỗi cố ý) mà thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự (lỗi vô ý vì quá tự tin). Chị Đoàn Thị H không tự ngã, cũng không tự chết nên theo tôi, không nên băn khoăn nhiều về trách nhiệm hình sự của Nguyễn Văn T. Căn cứ vào nội dung vụ việc chúng tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Văn T đã phạm tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015. Cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng trường hợp này Nguyễn Văn T không phạm tội. Bởi không thể cứ nói không có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân thì không phải chịu trách nhiệm. Nguyên do những vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người thường thì người gây ra tai nạn không hề có ý định gây ra cái chết cho nạn nhân nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong vụ việc này chẳng lẽ Bộ luật Hình sự phải quy định “người nào trêu ghẹo phụ nữ... hay đùa dai” mới là tội phạm? Vấn đề là phân biệt trường hợp trêu ghẹo, đùa dai nào gây hậu quả là tội phạm, trường hợp nào không. Về kỹ thuật lập pháp, không phải tội phạm nào nhà làm luật cũng mô tả hết tất cả biểu hiện cụ thể của hành vi trong điều luật. Ví dụ: Có rất nhiều trường hợp giết người xảy ra như đâm, chém, bắn, đấm, đá, đầu độc, bóp cổ, chôn sống... nhưng điều văn của điều luật chỉ quy định “người nào giết người…”. Tương tự, đối với tội vô ý làm chết người, điều văn của điều luật cũng chỉ quy định “người nào vô ý làm chết người…”. Thời gian qua, không chỉ riêng trường hợp của T. mà nhiều trường hợp trêu ghẹo phụ nữ khác dẫn đến chết người, thương tích đã bị các cơ quan tố tụng xử lý như: Ném mẩu thuốc lá đang hút vào lưng quần chị em, dùng gương phản chiếu ánh nắng mặt trời vào mắt chị em đang chạy xe máy... Phải chăng Bộ luật Hình sự phải có những quy định cấm đoán các hành vi như vậy thì mới coi là tội phạm?

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng luật sư Sơn Phạm)