Trách nhiệm giám sát thi công công trình của chủ đầu tư ở đâu?

ANTD.VN - Sự cố sụt lún nhà dân khi thi công ao 6 sào tại xã Phù  Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đến nay đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng đơn vị thi công chưa khắc phục sự cố khiến người dân sống trong sợ hãi mỗi khi cơn mưa ập đến.

Dù chưa kiểm tra, đo đạc và được chính quyền bàn giao mốc giới nhưng đơn vị thị công đã thi công công trình 

Như ANTĐ đưa tin, ngày 7-8, khi Công ty TNHH Hồng Trường (trụ sở tại 619 Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội) là đơn vị thi công nạo vét và kè ao 6 sào (tại xóm Bộ, thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng) thì xảy ra sự cố sụt, lún tường rào, sân của một số hộ dân sống bên cạnh.

Chậm trễ khắc phục

Ngay sau khi xảy ra sự cố, nhận được thông tin, tổ công tác gồm cán bộ địa chính, Trưởng công an xã, Trưởng thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng đã có mặt lập biên bản ghi nhận sự việc. Trong số các hộ bị ảnh hưởng trong đó có hộ gia đình ông Lưu Văn Giang (ở xóm Bộ là con của Liệt sĩ), bị thiệt hai nặng nhất.

Ông Lưu Văn Giang cho biết, ngày 7-8, khi đơn vị thi công đưa máy móc đến đào, múc khu vực ao 6 sào, gia đình ông Giang và một số hộ dân không biết được họ làm gì. Chỉ biết rằng trước đó có thông tin khu vực này nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, trục chính các thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2.

Tuy nhiên, khi thực hiện công trình, đơn vị thi công không thông báo, cứ thế cho máy xúc đào đất, múc cả mấy cây bưởi lâu năm của nhà dân, đào sát vào sân nhà và nếu cứ tiếp tục sẽ gây sạt lở, nứt nhà dân.

Thông tin về vụ việc, ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, xã chưa có thông báo cho các hộ dân về giải phóng mặt bằng, chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công hay kiểm kê tài sản trên đất, cắm mốc giới. Một ngày trước đó, đại diện chính quyền xã đã xuống hiện trường, thông báo sẽ đặt lịch đi kiểm tra, bàn giao mốc giới các hộ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng cũng xác nhận, ngày 10-8 (tức sau khi xảy ra vụ việc 3 ngày) một tổ công tác của xã mới tiến hành kiểm tra, đo đạc, thống nhất với người dân về mốc giới, nhưng còn một số hộ chưa đồng đồng tình nên việc cắm mốc giới vẫn chưa xong.

Đối với Công ty TNHH Hồng Trường, sau khi thi công để xảy ra sự cố đã phối hợp cùng chính quyền để giải quyết, hòa giải và đưa ra biện pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên dù các bên đã có biên bản thỏa thuận nhưng đến nay, phía đơn vị thi công vẫn chưa thực hiện gia cố nền móng, kè và đền bù thiệt hại cho hộ dân liên quan.

Ngày 14-8, ông Lưu Văn Giang cho biết, hiện đơn vị thi công mới tạm thời múc cát vào chỗ sân và tường bị sụt lún của gia đình. Chiều 13-8, đơn vị mới gia công thêm một số cọc tre. Sự việc chậm trễ trên khiến cho chúng tôi không khỏi lo lắng tính mạng của mình khi ở trong nhà mỗi khi cơn mưa ập đến.

Mập mờ cung cấp thông tin

Trước một dự án lớn với hàng chục hạng mục thi công với số tiền nhiều tỷ đồng, nhưng vì sao trong quá trình thực hiện thi công công trình, đơn vị thi công lại không làm đúng theo quy trình, quy định?

Nhằm làm rõ vụ việc, ngày 9-8, phóng viên ANTĐ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Đức Minh - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm (là chủ đầu tư). Tuy nhiên, ông Minh cho biết, đây là việc nhỏ, những dự án thực hiện gần khu vực như trên xảy ra sự cố tương tự thường xuyên.

Trong quá trình thi công đã gây sụt lún nhà dân nhưng đến nay sự cố vẫn chưa được khắc phục

Nói đến hồ sơ pháp lý và quy trình thi công thực hiện dự án này, ông Đào Đức Minh cho rằng, dự án này đầy đủ hồ sơ. Đồng thời, ông Minh giao cho một cán bộ của Ban QLDA có trách nhiệm cung cấp cho phóng viên những tài liệu liên quan trong phạm vi có thể.

Đúng lịch hẹn, chiều 9-8, phóng viên đến làm việc thì được nhân viên cho biết, do tài liệu chưa chuẩn bị được và tiếp tục hẹn đến sáng hôm sau (10-8). Thế nhưng, tại cuộc gặp này, cán bộ của Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm chỉ cung cấp được một Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án của UBND huyện Gia Lâm và 1 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu, dự án.

Còn đối với việc trả lời thông tin cũng như tài liệu chứng minh liên quan đến các phương án thi công, thông báo và những biên bản bàn giao mốc giới... của đơn vị trúng thầu, đơn vị thi công trước khi thi công công trình dự án này, cán bộ của Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm từ chối và đề nghị phóng viên ngoài thẻ Nhà báo phải có giấy giới thiệu của cơ quan.

Đây là thông tin mà phóng viên muốn làm rõ vì trước đó, về phía đơn vị thi công cũng như ông Đào Đức Minh - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm trả lời, việc đơn vị thi công có đầy đủ hồ sơ. Việc này cho thấy hoàn toàn mâu thuẫn với phát ngôn của các lãnh đạo UBND xã Phù Đổng cũng như người dân bị ảnh hưởng.

Ngày 14-8, phóng viên đã mang đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, nhưng khi có mặt tại Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm, phóng viên liên hệ đặt lịch làm việc thì ông Đào Đức Minh lại yêu cầu phóng viên cần phải có thêm công văn? Vì sao trước sự việc xảy ra, những thông tin được phóng viên đề cập nhằm làm sáng tỏ sự việc thì Ban QLDA Đầu tư xây dựng Gia Lâm lại né tránh? Trách nhiệm của Ban QLDA ở đâu, khi để thường xuyên xảy ra vụ việc?

Tại Điều 2 của Quyết định số 8099 của UBND huyện Gia Lâm do ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký ngày 19-6-2017 nêu rõ trách  nhiệm của đơn vị liên quan, trong đó Chủ đầu tư (Ban QLDA Đầu tư xây dựng):  “Tổ chức, quản lý và thực hiện dự án đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và TP về đầu tư xây dựng; thực hiện đầy đủ các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư theo quy đinh; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ và chuẩn xác của hồ sơ và các tài liệu trình phê duyệt...”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trương Văn Học, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, sau khi nắm bắt thông tin về vụ việc, huyện cũng chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ sự việc. Nếu như sai ở khâu nào xử lý khâu đó và ai sai thì phải chịu trách nhiệm, kể cả xã, hay Ban QLDA và đơn vị thi công... đồng thời cũng sẽ có thông tin trả lời sớm.