Tin bạn, mất xe

ANTD.VN - Vì thiếu tiền tiêu xài, Nguyễn Phan L (SN 1993) nảy sinh ý định chiếm đoạt của bạn là Dương Ngọc H (SN 1993) chiếc xe máy Honda SH. L đến gặp H ngỏ ý mượn xe để đưa người thân ra bến xe ô tô. H tin tưởng và giao xe cho L. Sau đó L mang chiếc xe đi tìm chỗ bán nhưng không được và đem về nhà cất. Đợi mãi không thấy L trả xe, 3 ngày sau H dò hỏi được nơi ở của L để đến đòi xe. Đến nơi, H thấy L đi xe của mình từ trong nhà ra bèn ngăn lại và nói: “Trả tao xe đây, mượn gì mà mãi không trả”. L không trả lời mà định phóng xe đi. H giữ lại và tiếp tục đòi trả xe, L liền rút con dao giấu trong người ra gí sát vào mặt H quát: “Tao vừa giết người trên phố về đây. Biết điều buông ngay xe ra không tao đâm chết”. H hoảng sợ rời tay khỏi xe và L đã phóng đi. Sau đó H đã tố cáo với cơ quan công an về hành vi của L. Một thời gian sau L bị bắt giữ. Vấn đề đặt ra là trong vụ án này, hành vi của Nguyễn Phan L đã phạm tội gì?

Tin bạn, mất xe ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo tôi trong vụ viêc này Nguyễn Phan L đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc L ngỏ ý mượn xe của Dương Ngọc H để đưa người thân ra bến ô tô, nhưng sau đó lại mang xe đi tìm chỗ bán rõ ràng là một hành động gian dối để nhằm chiếm đoạt tài sản của H. Việc L chưa bán được xe là do hoàn cảnh khách quan chứ không phải do L tự ý chấm dứt hành động phạm tội của mình. Việc sau đó H bị L rút con dao giấu trong người ra, gí sát vào mặt và dọa: “Tao vừa giết người trên phố về đây. Biết điều buông ngay xe ra không tao đâm chết” theo tôi đó là hành vi đe dọa để tẩu thoát. Đây không phải là hành vi cướp tài sản vì từ trước đó H đã đồng ý cho L mượn xe chứ không phải L dùng vũ lực ép H phải cho mượn. Vì vậy theo tôi trong vụ việc này hành vi của Nguyễn Phan L đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vũ Thị Thuý (Lê Chân - Hải Phòng)

Phạm tội Cướp tài sản

Tôi cho rằng trong vụ việc này Nguyễn Phan L đã phạm tội Cướp tài sản. Có thể thấy, ban đầu L có ý định lừa đảo Dương Ngọc H để chiếm đoạt chiếc xe máy Honda SH. Điều này được thể hiện bằng việc L đã giả vờ mượn xe của H để đưa người thân ra bến xe ô tô. Tuy L có ý định tìm chỗ bán xe, nhưng do không tìm được nên L đã mang xe về nhà cất, chiếc xe vẫn chưa bị bán. Do đó theo tôi không đủ cơ sở để chứng minh L lừa đảo chiếm đoạt chiếc xe máy của H. Và thực tế là khi đợi mãi không thấy L trả xe, H đã đến nơi L ở để đòi lại thì vẫn thấy L đang đi xe máy của mình. Hành vi cấu thành tội phạm của Nguyễn Phan L theo tôi chỉ bắt đầu khi H đòi lại xe nhưng L đã rút dao ra đe dọa khiến H hoảng sợ, rồi sau đó L phóng xe máy của H bỏ đi. Hành vi này của L theo tôi đã cấu thành tội Cướp tài sản.

Phan Anh Tuấn (Nam Đàn - Nghệ An)

Chuyển hóa từ lừa đảo thành cướp

Có thể thấy ban đầu Nguyễn Phan L đã có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Khi L mang xe của anh Dương Ngọc H đi bán nhưng không bán được là do yếu tố khách quan chứ không phải do ý chí chủ quan của L. Hơn nữa, ngay khi anh H phát hiện ý định chiếm đoạt tài sản của L thì L đã có hành vi sử dụng dao để đe doạ anh H hòng chiếm đoạt tài sản. Hành vi của L lúc này đã cấu thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, theo tôi trong trường hợp này hành vi của Nguyễn Phan L đã có sự chuyển hóa từ tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội Cướp tài sản.

Đinh Quang Tùng (Quy Nhơn - Bình Định)

Bình luận của luật sư

Theo nội dung của vụ việc này có thể thấy ý định phạm tội của Nguyễn Phan L đã quá rõ ràng: “Vì thiếu tiền tiêu xài, Nguyễn Phan L đã nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe máy Honda SH của Dương Ngọc H”. Điều cần làm rõ ở đây là hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của L đã phạm vào tội gì. Nếu chỉ căn cứ vào thực tế xảy ra mà không căn cứ vào mong muốn chủ quan của người phạm tội và từ đó cho rằng L chỉ phạm tội Cướp tài sản hoặc chỉ phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo chúng tôi là chưa thỏa đáng. Ở vụ việc này, theo chúng tôi trong trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản (sau khi đã thực hiện hành vi lừa đảo) thì chỉ định tội cướp khi chủ tài sản đang giành giật mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc… 

Để chủ sở hữu lấy lại được hay đang giành giật thì đòi hỏi hành vi lấy lại được hoặc đang giành giật phải xảy ra ngay sau khi tội phạm hoàn thành. Nghĩa là, mặc dù tội phạm thực hiện trước đó đã hoàn thành, nhưng hành vi phạm tội đó chưa kết thúc trên thực tế. Hay nói cách khác, tội phạm hoàn thành nhưng chưa kết thúc. Có như vậy việc định tội cướp mới có cơ sở. Ở đây sau khi tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành được 2 ngày, chủ sở hữu là anh H mới giành giật lại tài sản và người phạm tội là L đã đe dọa dùng vũ lực không chỉ nhằm mục đích tẩu thoát mà còn giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt. Như vậy, theo chúng tôi L đã phạm cùng lúc 2 tội là: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Cướp tài sản điều 168 Bộ luật hình sự  2015. 

Về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Thứ nhất, về hành vi khách quan, L đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản là chiếc xe Honda SH của anh H. Hành vi của L đã thỏa mãn hành vi cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối mà L sử dụng ở đây là giả vờ mượn xe của anh H để chở người quen ra bến ô tô. Nhưng kì thực không phải vậy, L chỉ lợi dụng lòng tốt của anh H để chiếm đoạt tài sản của anh H “vì thiếu tiền tiêu xài”. Còn anh H là bạn của L nên đã tin và tự nguyện  giao tài sản là chiếc xe Honda SH cho L. Như vậy, mục đích hành động của L là nhằm để anh H tin và giao tài sản đã trở thành hiện thực. Căn cứ vào khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự, hành vi của L đã thỏa mãn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thực tế đã hoàn thành khi anh H giao tài sản cho L. Về mặt chủ quan, L thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, nghĩa là mục đích của L là chiếm đoạt được tài sản của anh H và mục đích này có trước khi L thực hiện tội phạm. Hành vi phạm tội của L đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu của anh H đối với chiếc xe máy - một quan hệ sở hữu được luật hình sự bảo vệ. Các yếu tố về khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan đều thoả mãn cấu thành của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.

Vừa phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì 3 ngày sau L lại phạm tội  Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168, Bộ Luật Hình sự 2015. Hành vi của L đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội Cướp tài sản. Đó là hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc”. Ở đây L “rút dao giấu trong người gí sát vào mặt và quát tao vừa giết người trên phố về đây…”. Hành vi đó có thể hiểu là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, vì nếu anh H không buông tay ra khỏi chiếc xe máy thì việc L dùng dao đâm anh H có nhiều nguy cơ xảy ra ngay sau đó. Hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” của L trong vụ việc này không nhằm chiếm đoạt tài sản (vì chiếc xe máy đã nằm trong sự chiếm hữu của L) mà nhằm giữ lại tài sản đã chiếm đoạt được. Mặc dù điều luật không quy định mục đích của hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc...” nhằm giữ lại tài sản, nhưng mục đích giữ lại tài sản cũng được coi là mục đích của tội Cướp tài sản. Như vậy, chỉ cần người phạm tội “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc…” nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc giữ lại tài sản cũng thuộc Điều 168, Bộ luật Hình sự. Nguyễn Phan L có hành vi “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” để giữ lại tài sản do đó hành vi của L đã thỏa mãn dấu hiệu khách quan của tội Cướp tài sản. 

Luật sư Phạm Thái Sơn, Văn phòng luật sư Sơn Phạm và cộng sự