Phân biệt tự thú hay đầu thú khi khai nhận hành vi cướp giật tài sản

ANTD.VN - Đoàn Văn K (SN 1975) và Vũ Đình X (SN 1977) là bạn bè. Một buổi tối, K mượn xe mô tô của X đi có việc. Sau đó K sử dụng chiếc xe này làm phương tiện cướp giật chiếc điện thoại iPhone 8 của chị Nguyễn Hải A. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Chị Nguyễn Hải A nhìn thấy biển số xe mô tô mà Đoàn Văn K sử dụng nên đã đến cơ quan công an trình báo. Quá trình truy xét, cơ quan điều tra xác định được Vũ Đình X là chủ sở hữu xe mô tô có biển số trên nên đã triệu tập X đến để làm việc. Trước khi đến cơ quan điều tra, X hỏi K thì được K cho biết đã dùng xe của X để đi cướp giật tài sản. Vũ Đình X đã khuyên Đoàn Văn K đến cơ quan điều tra giao nộp tài sản và khai nhận sự việc. K đồng ý. Sáng ngày hôm sau, X đưa K đến cơ quan Cảnh sát điều tra giao nộp lại chiếc điện thoại giật được của chị A và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vấn đề đặt ra là việc Đoàn Văn K khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với cơ quan điều tra trong tình huống trên được xem là đầu thú hay tự thú? 

Ý kiến bạn đọc

Đây là trường hợp đầu thú 

Theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”. Trong vụ việc này Đoàn Văn K đến cơ quan Cảnh sát điều tra giao nộp điện thoại giật được của chị Nguyễn Hải A và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Hành vi phạm tội của K đã bị phát hiện thông qua việc Vũ Đình X hỏi K có dùng xe của mình đi cướp giật tài sản không và K đã thừa nhận. X còn khuyên K đến cơ quan điều tra giao nộp tài sản và khai nhận sự việc. Như vậy, việc K đến cơ quan điều tra khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội là tình tiết đầu thú. Tự thú chỉ được áp dụng trong trường hợp hành vi cướp giật của chị A chưa bị ai phát hiện, chưa được trình báo, các cơ quan chức năng chưa biết đến.

Vũ Quốc Tuấn (TP Hạ Long - Quảng Ninh)

Đoàn Văn K tự thú

Trong vụ việc này hành động của Đoàn Văn K là tự thú bởi lẽ mặc dù hành vi phạm tội của K đã bị phát hiện và trình báo nhưng người phạm tội (K) chưa bị phát hiện. Điểm h, khoản 1, Điều 4, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện”.

Theo đó, trong cả 2 trường hợp trước khi tội phạm (hành vi phạm tội) hoặc người phạm tội bị phát hiện mà tự nguyện đến cơ quan điều tra khai nhận hành vi phạm tội của mình thì đều được xem là tự thú. Tôi cho rằng, kể cả trong trường hợp hành vi phạm tội đã bị phát hiện nhưng người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị phát hiện thì việc người phạm tội tự nguyện đến trình diện, khai báo vẫn được xem là tự thú. Bởi đây cũng là cách hiểu theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

      Vũ Thị Vân Anh (Ứng Hòa - Hà Nội)

Cần được hưởng tình tiết giảm nhẹ

Khi Đoàn Văn K mượn xe mô tô của Vũ Đình X làm phương tiện cướp giật chiếc điện thoại iPhone 8 của chị Nguyễn Hải A, Chị A nhìn thấy biển số xe nên đã đến cơ quan công an trình báo. Lúc này, Cơ quan điều tra mới chỉ xác định được Vũ Đình X là chủ sở hữu xe mô tô có biển số trên nên đã triệu tập X để làm việc. Như vậy, khi sự việc cướp giật điện thoại xảy ra không ai biết K là người thực hiện hành vi phạm tội.

Chỉ khi X được mời đến trụ sở cơ quan công an làm việc (X chưa hề trình báo gì với cơ quan công an) mới hỏi K thì K đã  tự khai ra sự việc, sau đó K tự mình ra Cơ quan điều tra nhận tội. Theo tôi, trong tình huống trên, hành vi cướp giật của Đoàn Văn K đã bị phát hiện, nhưng việc K là đối tượng thực hiện hành vi cướp giật vẫn chưa bị phát hiện. Do đó, K cần phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự thú.  

Hoàng Huy Hoàng (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Bình luận của luật sư

Có thể thấy, trong tình huống nêu trên, mặc dù chị Nguyễn Hải A đã biết biển số xe mô tô do Đoàn Văn K sử dụng để cướp giật nhưng chưa xác định được K là người đã thực hiện hành vi này. Nói cách khác, hành vi cướp giật của K đã bị phát hiện nhưng việc K là đối tượng thực hiện hành vi cướp giật vẫn chưa bị phát hiện. Việc K chủ động, tự nguyện đến cơ quan điều tra khai nhận hành vi phạm tội của mình đã góp phần giúp cơ quan điều tra rút ngắn thời gian điều tra, truy xét, thể hiện sự hợp tác của K, tạo thuận lợi hơn cho qua trình điều tra.

So với việc Đoàn Văn K trốn tránh, không ra trình diện hoặc khi bị triệu tập không khai nhận mình là người đã thực hiện hành vi cướp giật thì rõ ràng hành động này của K cần được khuyến khích, xem xét giảm nhẹ hơn rất nhiều. Vấn đề cần làm rõ ở đây, hành động đó của K cần được xem xét là đầu thú hay tự thú.

Xét về mặt bản chất, hành vi đầu thú và tự thú là hai trường hợp khác nhau, nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc xem xét áp dụng nhiều chế định liên quan về việc áp dụng khung hình phạt trong thực tiễn xét xử. Do đó, hiểu đúng và áp dụng chính xác để đảm bảo nguyên tắc và quyền lợi cho bị can, bị cáo là điều vô cùng cần thiết.

Theo quy định tại Điều 4, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Còn đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình.

Theo hướng dẫn của Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10 tháng 6 năm 2002 thì: Tự thú là tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện. Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…

Như vậy, hành vi tự thú và đầu thú chỉ có một điểm khác nhau là việc đã có ai biết đến hành vi phạm tội của mình hay chưa. Có thể hiểu rằng, nếu người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị bất kì ai phát hiện và họ tự giác trình diện và khai nhận toàn bộ hành vi của mình thì sẽ được xem là tự thú. Công văn 81/2002/TANDTC quy định đồng thời 2 điều kiện “có người đã biết mình phạm tội” và “biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” để đánh giá là người phạm tội đầu thú.

Trở lại nội dung vụ việc thì có thể thấy, trong quá trình truy xét, cơ quan điều tra xác định được anh Vũ Đình X là chủ sở hữu xe mô tô có biển số trên nên đã triệu tập X để làm việc. Trước khi đến cơ quan điều tra, X đã hỏi Đoàn Văn K thì được K cho biết đã dùng xe của X đi cướp giật tài sản. Vũ Đình X đã khuyên K đến cơ quan điều tra giao nộp tài sản và khai nhận sự việc, K đồng ý.

Có thể thấy rằng, trước khi Vũ Đình X hỏi Đoàn Văn K thì X không phải là người đã biết K phạm tội (có thể chỉ là nghi vấn vì có khả năng là K lại cho  một người khác mượn xe). Chỉ sau khi X hỏi K thì mới được K cho biết đã dùng xe của X đi cướp giật tài sản. Rõ ràng X không tận mắt nhìn thấy K đã thực hiện hành vi phạm tội hay biết được chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của K.

Hơn nữa, lúc này Đoàn Văn K không rơi vào hoàn cảnh “biết không thể trốn tránh được”. Bởi sau khi gặp X, K hoàn toàn có thể trốn tránh cơ quan chức năng. Do vậy không thể cho rằng trường hợp này K đã ra cơ quan công an đầu thú, mà chỉ thấy Đoàn Văn K đã tự mình nhận tội và khai báo hành vi phạm tội của mình trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Vì vậy, trong vụ việc này Đoàn Văn K phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ là tự thú.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)

Tin cùng chuyên mục