Công an Hà Nội

Những "trận đánh" lặng thầm, vì bình yên cho các tuyến sông

ANTD.VN - LTS: Những năm gần đây, với quyết tâm mạnh mẽ truy quét “cát tặc” của các lực lượng chức năng, trong đó đặc biệt là CATP Hà Nội, tình trạng khai thác cát trái phép trên những con sông qua địa bàn thành phố tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, những tiềm ẩn phức tạp vẫn chực chờ  để “ngoi lên” tàn phá, rút ruột lòng sông.

Loạt bài ghi chép của nhóm PV ANTĐ mong muốn chuyển tải đến bạn đọc phần nào những biện pháp, nỗ lực và kết quả đạt được của các lực lượng Công an Hà Nội; với quyết tâm trả lại, đảm bảo sự bình yên cho những dòng sông. 

Những "trận đánh" lặng thầm, vì bình yên cho các tuyến sông ảnh 1Lực lượng CATP Hà Nội bắt giữ “cát tặc”

Bài 1: Những người “gác sông” thầm lặng

Vi phạm sờ sờ, không dễ "tóm"

Mỗi dịp cùng anh em trinh sát xuôi sông là từng ấy lần tôi cảm nhận được những gian truân, trắc trở và hiểm nguy rình rập. Nhóm đối tượng khai thác cát trộm tinh quái và cũng đầy thủ đoạn đối phó với công an không kém gì tội phạm ma túy. Chúng cũng chủ động tìm cách tiếp cận với những cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nhằm mua chuộc lôi kéo, và khi không đạt được mục đích thì giở mặt dùng đủ mọi tiểu xảo, thậm chí theo dõi ngược lại cả lực lượng chức năng. Trên mặt trận đảm bảo an toàn những dòng sông, ngoài những hiểm nguy, rủi ro sông nước tiềm ẩn, công an còn phải đối mặt với sự chống trả quyết liệt của tội phạm. Có những địa phương, hình thành cả hệ thống tội phạm có tổ chức, sẵn sàng dùng “hàng nóng” để chống lại lực lượng chức năng. Điều này được lý giải bởi việc kinh doanh siêu lợi nhuận từ tài nguyên cát.

Câu chuyện về “cát tặc” có lẽ sẽ chẳng bao giờ hết nóng, đặc biệt từ khi cơ quan quản lý tạm dừng cấp phép hoạt động cho các dự án nạo vét tận thu sản phẩm, khiến vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm, giá cả tăng cao. Cao điểm có những đêm, lực lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ cả chục tàu và đối tượng tham gia khai thác cát trái phép trên các đoạn sông chảy qua thành phố.

Trong những lần cùng trinh sát Đội nghiệp vụ Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đi săn “cát tặc”, tôi được chứng kiến nhiều tình huống thể hiện sự linh hoạt, mưu trí của các cán bộ, chiến sỹ. Khác với những loại tội phạm khác, bắt “cát tặc” không đơn giản cứ thấy tàu hút, máy nổ là xông vào. Và chỉ khi tham gia vây bắt mới thấy hết được cách xử lý tình huống cực kỳ nhanh nhạy, quyết đoán và cũng chẳng kém phần kịch tính là bao so với các bộ phim hành động. Có những đêm cùng các trinh sát rà soát dọc các tuyến sông Hồng, sông Đuống, dù quang cảnh trên sông tĩnh lặng như tờ, nhưng Trung tá Nguyễn Ngọc Cầm - cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường vẫn yêu cầu các chiến sỹ lên kế hoạch mật phục và khẳng định “cát tặc” chắc chắn sẽ xuất hiện. Khi mọi sự chờ đợi của các chiến sỹ đã đi đến giới hạn, trời đã tang tảng sáng thì bỗng dưng những con tàu hút cát công suất lớn từ đâu lù lù xuất hiện, chúng bắt đầu cắm những chiếc vòi hút khổng lồ xuống nước trong tiếng máy nổ nhức óc, đinh tai. 

Những "trận đánh" lặng thầm, vì bình yên cho các tuyến sông ảnh 2Nhiều phương tiện - tàu hút có công suất lớn và sức chứa lớn của “cát tặc” bị phát hiện bắt giữ

Chờ cho đám “cát tặc” mải mê với công việc, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát ập tới bắt quả tang các đối tượng vi phạm. Trong quá trình vây bắt thỉnh thoảng cũng xảy ra những sự cố nguy hiểm. Đó là lần một chiến sỹ nhảy sang tàu hút cát đúng lúc sóng lớn ập đến khiến anh trượt chân ngã xuống nước ngay gần chân vịt. Bị xoáy nước kéo xuống đáy sông giữa đêm tối mịt mùng, người lính ấy đã phải tự vật lộn để thoát ra khỏi đáy những chiếc tàu đậu kín trên mặt nước. Cuối cùng, nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, anh cũng thoát chết trong gang tấc và câu chuyện này trở thành một bài học nhớ đời cho cả đơn vị trong việc đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.

Những “trận đánh” trong đêm

Có thời điểm trên nhiều tuyến sông ở Hà Nội rộ lên việc các doanh nghiệp xin giấy phép nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, nhưng thực chất đó là cái cớ để che đậy hành vi khai thác cát trái phép và qua mặt cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp này âm thầm dùng tàu hút công suất lớn để khai thác cát bừa bãi rồi đổ lỗi cho những tàu thuyền vãng lai. Thực tế này sau đó đã được chứng minh khi các đối tượng bị bắt giữ đều khai nhận, họ chỉ được thuê hút, vận chuyển, còn chủ thuê là ai thì... không biết. Tuy nhiên, mọi “chiêu trò” của giới “cát tặc” khó qua được sự quyết liệt của các đơn vị Công an Hà Nội, ngay cả khi những “tiểu xảo” ấy được “diễn” trong đêm.  

Một tối muộn ngày 2-4-2019, chúng tôi nhận điện thoại từ trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường với thông tin ngắn: “Đêm nay có việc hay đấy”. Nhưng chừng đó cũng đủ khiến tôi tỉnh ngủ và vùng dậy xách máy ảnh lên đường. Sau 30 phút phóng như bay, chúng tôi đã có mặt tại mép nước sông Hồng thuộc địa bàn xã Bát Tràng (Gia Lâm). Tại đây, Tổ công tác Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (CAH Gia Lâm) và Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 3 (Phòng CSGT) đang tiến hành kiểm tra, bắt giữ chiếc tàu hút mang số hiệu BN-0475 do Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1989, trú tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) điều khiển đã có hành vi khai thác cát trái phép. Đáng chú ý tại thời điểm kiểm tra, Hùng không xuất trình được đăng ký, đăng kiểm cũng như giấy phép điều khiển phương tiện. Đối tượng khai nhận trước đó đã vận hành chiếc tàu này hút hàng chục m3 cát từ dưới lòng sông lên khoang chứa.

Những "trận đánh" lặng thầm, vì bình yên cho các tuyến sông ảnh 3Một trong hai đối tượng chuyên cảnh giới cho các đối tượng hút cát dưới sông xuất hiện khi thấy nhóm phóng viên ra bãi sông đoạn xã Vân Nam, Phúc Thọ ghi hình

Trong một “trận đánh” khác, vào hồi 22h ngày 7-4-2019, cũng vẫn tổ công tác Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát môi trường trực tiếp phát hiện và phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế (CAH Đan Phượng), Đội Tuần tra kiểm soát đường thủy số 1 (Phòng CSGT) kiểm tra, bắt giữ tàu hút mang số hiệu VP-1279 do Nguyễn Văn Nhật (SN 1988, ở xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) điều khiển, đang có hành vi khai thác cát trái phép lòng sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng). Giống như “đồng nghiệp” Hùng bị bắt quả tang tại Bát Tràng, “thuyền trưởng” Nhật cũng không xuất trình được đăng ký, đăng kiểm, giấy phép điều khiển phương tiện và giấy phép khai thác khoáng sản. Vị “thuyền trưởng” khai nhận, riêng tối  7-4 đã khai thác trái phép được khoảng 19m3 cát. Ba ngày sau, một trường hợp lợi dụng đêm tối để rút ruột lòng sông cũng đã bị bắt tại trận. Gần 20m3 cát đã được Vũ Văn Toàn (SN 1968, ở  xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội), khai thác trái phép tại sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn xã Liên Trung, huyện Đan Phượng). Và con số này chắc chắn sẽ chưa dừng lại nếu không bị siết bởi gọng kìm của các đơn vị Cảnh sát môi trường, CSGT và công an cơ sở.

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, cuộc chiến chống “cát tặc” của những  người “gác sông” sẽ không bao giờ ngừng. Bản thân họ cũng chưa bao giờ ngơi nghỉ và những chiến công thầm lặng chắc chẳng mấy ai hiểu hết. Chỉ khẳng định một điều, từ lúc màn đêm buông xuống cho tới lúc bình minh ló rạng, họ trở về đơn vị, trở về với gia đình thân yêu là thêm một ngày sống đầy ý nghĩa.