Những diễn biến phức tạp về nạn mua bán trái phép nội tạng

ANTD.VN -Sau quá trình lập chuyên án đấu tranh, Phòng CSHS – CATP Hà Nội mới đây đã triệt phá một đường dây lừa đảo mua bán thận. Đánh trúng vào tâm lý của bênh nhân và người nhà, các đối tượng trong vụ án đã thực hiện trót hơn 40 vụ lừa đảo mua bán nội tạng, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Việc mua bán nội tạng người là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng nạn mua bán trái phép này vẫn diễn biến phức tạp. PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học đã có những chia sẻ với báo An ninh Thủ đô xung quanh thực trạng này.

Những diễn biến phức tạp về nạn mua bán trái phép nội tạng ảnh 1

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, luật sư, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học chia sẻ với Pv báo ANTĐ.

PV: Xin chào PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn! ông có thể lý giải vì sao hoạt động mua bán thận lại diễn biến phức tạp như vậy?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Trước hết chúng ta nhận thấy ở đây có vấn đề về quy luật “cung – cầu”. Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam hiện nay rất lớn, nhưng nguồn cung, cũng như khó khăn của y học chưa đáp ứng được, dẫn tới tình trạng bệnh nhân tìm đến những nguồn tạng khác, trái pháp luật.

Hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán nội tạng rất tinh vi, lợi dụng nhu cầu ghép tạng tiến hành nhiều phương thức mới, nhất là thời kỳ công nghệ hiện đại hiện nay, làm cho nạn nhân không biết đâu là sự thật.

Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết, sự mất cảnh giác của nạn nhân, không phân biệt được yêu cầu ghép tạng theo quy định của pháp luật như thế nào, dẫn tới việc bị lôi kéo, dụ dỗ để trở thành nạn nhân của tội phạm. Cuối cùng, đó là kẽ hở trong quản lý nhà nước, sự quản lý của pháp luật còn nhiều sơ hở.

PV: Mua bán nội tạng người là hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm. Vậy luật sư có thể khái quát qua về điều luật này?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Lừa đảo mua bán nội tạng là hình vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài ra còn một số tội danh khác, khác với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định ở điều luật khác.

Ví dụ Điều 150 Bộ luật hình sự quy định về tội mua bán người, trong đó, có những điều khoản quy định về mục đích lấy một bộ phận cơ thể người, hoặc quy định về tội phạm đã lấy được bộ phận cơ thể người, tội phạm này có thể bị xử phạt từ 1-7 năm, 5-10 năm, thậm chí từ 12-20 năm. Hình phạt rất nghiêm khắc.

Hoặc Điều 151 Bộ luật hình sự, quy định về tội mua bán người dưới 16 tuổi, cũng có những điểm, khoản quy định về việc nhằm mục đích lấy bộ phận cơ thể người hoặc đã lấy bộ phận cơ thể người, tội phạm có thể bị xử phạt mức cao nhất là tù chung thân.

Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự có 1 điều luật quy định riêng về tội “mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể con người” (tại Điều 154 Bộ luật hình sự).

Điều luật này có 3 khoản cơ bản, khoản 1, có mức phạt tù từ 5-7 năm tù (chỉ cần mua bán, chiếm đoạt mô hoặc nội tạng cơ thể người); khoản 2 từ 7-10 năm tù (tội phạm có tổ chức, tội phạm có mục đích thương mại, tội phạm lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp để mua bán nội tạng người và đối với nạn nhân từ 2 người trở lên, hoặc đã gây cho nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, đây là khoản tăng nặng của điều luật này; tại khoản 3 quy định phạt tù từ 12-20 năm hoặc chung thân với hành vi có tính chất nghiêm trọng, chuyên nghiệp, gây thương tật cho nạn nhân từ 61% trở lên, gây ra cho nạn nhân từ 6 người trở lên, dẫn tới chết người hoặc tái phạm nhiều lần; khoản 4, tội phạm có thể phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cấm đảm nhiệm các chức vụ từ 3-5 năm.

Trương Minh Ngọc, 32 tuổi, ở Phú Thọ, đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo mua bán nội tạng cơ thể người vừa bị CATP Hà Nội bắt giữ.

PV: Thưa luật sư, có một vấn đề phát sinh nếu trong trường hợp giữa người có thận và người cần thận né tránh việc mua bán nhưng có một thỏa thuận ngầm thì có bị cấm hay không?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Việc thỏa thuận ngầm với nhau như vậy là hành vi trái quy định của pháp luật. Họ biết rõ pháp luật không cho phép nhưng họ vẫn cứ tiến hành việc đó, bởi vì đằng sau hành vi đó để lại hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ cho nạn nhân mà còn cho cả xã hội, do đó pháp luật nghiêm cấm.

PV: Nhiều người cho rằng, đợi bệnh viện tìm được người hiến tặng thì rất lâu, thậm chí không có cơ hội do nhu cầu quá lớn. Vậy việc pháp luật nghiêm cấm mua bán nội tạng như vậy có cứng nhắc quá không thưa ông?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Đây là một thực tế đặt ra mà chúng ta đang phải đối mặt với nó. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu vấn đề thế này, pháp luật đặt ra là để bảo vệ con người, việc cho tạng, hiến tạng để cứu người là một hành động nhân đạo, chúng ta khuyến khích, vận động mọi người tự nguyện hiến mô – tạng để cứu người.

Đây là việc mà thế giới cũng đang làm. Bên cạnh đó, chúng ta có chế độ, chính sách, có biện pháp bảo đảm an toàn cả cho người hiến và người nhận về mặt kỹ thuật và đảm bảo về trật tự an toàn xã hội. Nếu chúng ta để cho người ta tự do làm vậy thì rủi ro rất lớn, không đảm bảo về mặt y học, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả người cho và người nhận; gây ra những hiện tượng tiêu cực cho xã hội.

PV: Mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tuyệt đối hành vi mua bán nội tạng nhưng hành vi này vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đường dây mua bán nội tạng người trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Theo luật sư, kẽ hở nào của pháp luật để người mua và người bán vẫn có thể “lách luật”?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Để có lợi nhuận, các đối tượng phạm tội sử dụng mọi biện pháp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta thấy rằng việc tuyên truyền, phổ biến về vấn đề hiến tạng, ghép tạng và mua bán nội tạng cơ thể con người hiện nay chưa được đầy đủ, thường xuyên và có chiều sâu.

Cho nên, có nhiều người thực hiện hành vi đó mà không biết mình phạm tội, không hiểu hết tính chất nghiêm trọng của nó, dẫn tới những bi kịch cho gia đình họ và cho xã hội. Việc điều tra, phát hiện xử lý của pháp luật chưa thực sự có hiệu quả, vẫn còn đất cho các đối tượng phạm tội. Công tác quản lý nhà nước tại các địa bàn, địa phương còn nhiều sơ hở.

PV: Việc ghép tạng trái phép, không đúng với mục đích hiến tặng, nếu bác sĩ biết mà vẫn tiến hành thực hiện cho bệnh nhân thì bị xử lý như thế nào?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Đây là một hành động rất sai trái, trái với pháp luật, trái với đạo đức, quy tắc của pháp luật. Những trường hợp như vậy, nếu liên quan đến đường dây tội phạm thì những bác sĩ này là đồng phạm.

Nếu trong trường hợp chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà những bác sĩ liên qua tới những đường dây mua bán nội tạng được phát hiện sẽ bị xử lý theo các quy định hành chính khác như cảnh cáo, sa thải, buộc thôi việc, cấm hành nghề. Tất cả các biện pháp đó nhằm đảm bảo cho pháp luật được nghiêm minh.

PV:Hành vi mua bán thận trái phép gây ra những hệ lụy gì cho xã hội thưa luật sư và trước nạn mua bán thận trái phép diễn biến phức tạp, luật sư có lời khuyên gì với bệnh nhân và người nhà?

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn: Hành vi mua bán nội tạng cơ thể con người là hành vi rất nguy hiểm, pháp luật nghiêm cấm, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cả người nhận và người cho, nó tạo ra những bị kịch không nhỏ cho ra đình họ. Đó là hành vi gây mất trật tự xã hội. Tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách pháp luật.

Trước tình trạng như vậy, tránh hậu quả tiêu cực, mỗi bệnh nhân khi có nhu cầu liên quan đến việc ghép tạng cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, để tránh để mình vô tình tiếp tay cho tội phạm, trở tội phạm hoặc tham gia vào những đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia mà không hay biết. Mỗi người dân nên phát huy vai trò công dân trong việc tố giác tội phạm để cơ quan Công an điều tra, ngăn chặn kịp thời.