Những đêm trắng nhận diện "cát tặc" trên sông Hồng

ANTD.VN - Trung tuần tháng 4-2016, Đường dây nóng của Báo An ninh Thủ đô  nhận được phản ánh của bạn đọc về hiện tượng trên sông Hồng khu vực thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Ba Vì (Hà Nội) giáp  ranh với một số tỉnh bạn, hình thành chuỗi liên hoàn khai thác cát trái phép. 

Những đêm trắng nhận diện "cát tặc" trên sông Hồng ảnh 1Phóng viên Quang Trường, Báo An ninh Thủ đô trước giờ lên thuyền cá theo dấu vết của “cát tặc” 

Ban Biên tập phân công trực tiếp tôi phối hợp cùng một phóng viên khác xác định rõ thủ đoạn “rút ruột” lòng sông tại khu vực này; và yêu cầu biện pháp tác nghiệp phải đảm bảo yếu tố khách quan, chính xác, rõ vi phạm của cá nhân, tổ chức. Thời điểm ấy, trên nhiều tuyến sông ở Hà Nội rộ lên “chiêu trò” của các doanh nghiệp núp bóng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã “qua mặt” cơ quan chức năng và đổ lỗi hoạt động của “cát tặc” là do những tàu thuyền vãng lai, không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế này cũng được chứng minh khi các đối tượng bị bắt giữ đều khai nhận, họ chỉ được thuê hút, vận chuyển, còn chủ thuê là ai thì không biết! Chính vì vậy, yêu cầu mà Ban Biên tập Báo đặt ra hết sức chu toàn, để khi thông tin đăng tải, cá nhân - tổ chức vi phạm không thể “cãi”. Trước ngày bắt tay thực hiện nhiệm vụ, Ban Biên tập nhắc nhở: “Hơn hết, phải cẩn thận phương án, đảm bảo an toàn của phóng viên”.

Quả thực lời dặn dò ấy không thừa. Lên kế hoạch ở cơ quan cùng đồng nghiệp có vẻ dễ dàng; nhưng đến khi đặt vấn đề thuê thuyền cá đi từ ngã ba sông Đuống lên mạn Ba Vì, Sơn Tây, cả chục chủ thuyền đều... lắc đầu. Tìm và “gạ” mãi, cuối cùng được sự giới thiệu của cán bộ CAP Ngọc Thụy, quận Long Biên, mới có 1 chủ thuyền cá nhận lời, với thỏa thuận: “Chỉ đi 3 đêm, mỗi ca đến 5h sáng là phải về”.     

Bao nhiêu háo hức, hồi hộp dường như tan biến hết khi chúng tôi đặt chân xuống chiếc thuyền cá. Phương tiện dài gần 3m, ngang hơn 1m, có mái che và chạy bằng máy nổ; thế nhưng có lúc, có cảm giác chiếc thuyền như... mất hút dưới dòng nước đêm. Áo phao có, nhưng khi đến gần vị trí khu tàu cát trái phép hoạt động, bác chủ thuyền nhất mực không cho mặc. “Mặc áo phao kè kè là người ta biết ngay không phải dân chài lưới. Nếu lộ, tôi không đảm bảo sự an toàn cho mọi người”, bác thuyền chài nói và tôi phải nghe. Cảm giác lo ngay ngáy gia tăng mỗi khi áp sát khu vực các tàu cuốc hút cát, bởi chiếc thuyền cá như muốn lật nghiêng. Hai bàn chân như dính xuống sàn thuyền, người như rạp hẳn xuống, một tay bám chặt mạn nhưng tay kia vẫn... cố chĩa máy quay.

Đúng đêm thứ 3, chiếc thuyền cá của chúng tôi có dấu hiệu bị lộ. Suốt từ địa phận Phúc Thọ lên đến Ba Vì, luôn có 2 xuồng máy của “người lạ” theo sát, qua khỏi khu tập kết tàu cuốc mới “buông”. Nhưng như thế cũng là tạm đủ. Bốn kỳ của loạt bài: “Nhận diện “cát tặc” trên các tuyến sông Hồng” đã hoàn thành sau đó và được trao giải thưởng Ngô Tất Tố của Hội Nhà báo TP Hà Nội. Một “phần thưởng” lớn hơn đối với tôi, đó là mấy ngày sau trở lại, khúc sông Hồng hỗn loạn mấy đêm nào, đã bình yên!