Nhói lòng danh sách 15 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình

ANTD.VN - Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Đưa hối lộ và nhận hối lộ" xảy ra tại tỉnh Hòa Bình.


Nhói lòng danh sách 15 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình ảnh 1

Một số bị can trong vụ án

Ba tội danh

Hồ sơ vụ án cũng đã được chuyển đến Viện KSND Tối cao, đề nghị truy tố 15 bị can, gồm: Nguyễn Quang Vinh (SN 1966, nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT; Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, nguyên Phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy); Diệp Thị Hồng Liên (SN 1974, nguyên Phó trưởng phòng, Phòng khảo thí); Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981, chuyên viên phòng khảo thí);

Nguyễn Thị Thu Loan (SN 1979, nguyên giáo viên Trường THPT Lạc Long Quân); Nguyễn Thị Hồng Chung (SN 1980, nguyên giáo viên Trường THPT Ngô Quyền); Bùi Thanh Trà (SN 1980, nguyên giáo viên Trường PTTH Lương Sơn); Hồ Chúc (SN 1975, nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà);

Khương Ngọc Chất (SN 1975, nguyên cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình); Đào Ngọc Thuật (SN 1980, nguyên giáo viên Trường THPT Mường Bi); Nguyễn Đức Hoàng (SN 1979, nguyên Thanh tra viên Phòng Thanh tra); Nguyễn Tân Hưng (SN 1979, nguyên cán bộ Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT);  Quách Thanh Phúc (SN 1969, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT 19-5); Lê Thị Hồng (SN 1969, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) và Phùng Văn Thụ (SN 1966, nguyên Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hòa Bình).

Theo  đó, các bị can Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn, Vinh, Loan, Chung, Trà, Liên, Hoàng, Hồng, Thuật, Phúc, Hưng, Thụ và Chất bị đề nghị trúy tố về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngoài ra, ngày 12-9, bị can Đỗ Mạnh Tuấn đã bị Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố về tội "Nhận hối lộ". Bị can Hồ Chúc bị khởi tố về tội "Đưa hối lộ".

Lên kế hoạch thực hiện tội phạm

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nguyễn Quang Vinh và đồng bọn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao chỉ đạo, can thiệp nâng điểm bài thi cho các thí sinh tham gia Kỳ thị THPT Quốc gia 2017 và 2018.

Cụ thể, đầu tháng 5-2018, Nguyễn Quang Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số thí sinh tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình. Đỗ Mạnh Tuấn đồng ý và đã nói với Nguyễn Khắc Tuấn biết việc này. Nguyễn Quang Vinh và Đỗ Mạnh Tuấn thống nhất sửa trực tiếp bài thi của thí sinh trước khi quét file ảnh gửi về Bộ GD&ĐT. Vinh có trách nhiệm chuẩn bị chìa khóa phòng chứa, chấm bài thi trắc nghiệm, bố trí niêm phong cửa phòng chấm thi dễ bóc, khó bị phát hiện. Còn Đỗ Mạnh Tuấn can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho các thí sinh.

Sau khi thống nhất, Nguyễn Quang Vinh cung cấp thông tin thí sinh cần nâng điểm và chìa khóa phòng chấm bài thi để Đỗ Mạnh Tuấn thực hiện hành vi phạm tội.

Cặp bài trùng Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án môn thi trắc nghiệm trên mạng Internet, Đỗ Mạnh Tuấn đã chuẩn bị bút chì, tẩy, dao rọc giấy in đáp án các môn thi trắc nghiệm do Bộ GD&ĐT công bố trước đó; tập hợp danh sách các thí sinh cần nâng điểm bài thi để mang vào địa điểm tổ chức chấm thi.

Vào buổi tối các ngày từ 30-6 đến 3-7-2018, Đỗ Mạnh Tuấn cùng Nguyễn Khắc Tuấn bóc niêm phong; sử dụng chìa khóa do Nguyễn Quang Vinh cung cấp để thực hiện việc nâng điểm bài thi cho thí sinh.

Công cụ thô sơ, hậu quả vô lường

Trong phòng chấm thi đã được tạo điều kiện lén đưa chìa khóa, Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn đã dùng dao rọc giấy rạch theo mép gấp niêm phong túi đựng bài thi số 2, số 1; lấy bài thi của thí sinh cần nâng điểm đối chiếu với đáp án; tẩy đáp án sai, dùng bút chì tô lại đáp án đúng hoặc tẩy tất cả các đáp án rồi tô lại đáp án đúng (theo số điểm cần nâng).

Sau đó, số cán bộ trên cất lại bài thi vào túi đựng bài thi, dập ghim hoặc phết hồ dán lên niêm phong túi bài thi để tránh bị phát hiện. Quá trình chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn phát hiện có một số bài của thí sinh mặc dù đã được sửa chữa, can thiệp nâng điểm trước đó nhưng số điểm nâng chưa đạt yêu cầu. Vì thế, Đỗ Mạnh Tuấn tiếp tục can thiệp, nâng điểm cho các bài thi này, sau đó dùng máy tính quét lại bài thi (bài tập thi), ghi đè lên file ảnh đã quét, đổi ngày, giờ trên hệ thống máy tính và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD&ĐT.

Kết thúc việc chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn đưa chìa khóa phòng cho Nguyễn Khắc Tuấn để chuyển lại cho Nguyễn Quang Vinh. Ngoài ra, trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Khắc Tuấn còn được Nguyễn Quang Vinh đồng ý cho can thiệp, nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho 1 thí sinh là cháu của Nguyễn Khắc Tuấn.

Khép kín quy trình phạm tội 

Theo quy  chế thi, việc "Sinh mã phách" ( số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý, đảm bảo mỗi bài thi tương ứng duy nhất với một số phách) thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban làm phách, "số phách" (mã khóa phách) phải được bảo mật tuyệt đối.

Biết rõ các quy định này, Nguyễn Quang Vinh vẫn chỉ đạo, giao Đỗ Mạnh Tuấn (không có nhiệm vụ) thực hiện việc "Sinh mã phách" trái quy định để ngoài việc phục vụ công tác chấm thi tự luận, các bị can còn lấy thông tin mã phách của thí sinh cần nâng điểm môn Ngữ Văn.

Cuối tháng 6-2018, tại phòng chấm thi, Đỗ Mạnh Tuấn sử dụng máy tính của Tổ chấm thi trắc nghiệm thực hiện việc "Sinh mã phách" từ phần mềm quản lý thi. Sau đó, Đỗ Mạnh Tuấn bàn giao các " Biểu dồn túi" và "Biểu mã phách" cho Ban làm phách để làm bài thi tự luận theo quy định. 

Đồng thời, quá trình "Sinh mã phách", Đỗ Mạnh Tuấn đã tập hợp danh sách, thông tin các thí sinh cần nâng điểm thi môn Ngữ văn (gồm số báo danh, mã phách, mã túi bài thi, điểm yêu cầu và ghi chú quan hệ của thí sinh) để chuyển cho Nguyễn Quang Vinh.

Nguyễn Quang Vinh đã chuyển danh sách, thông tin số thí sinh này cho Diệp Thị Hồng Liên.

Do đã trao đổi, thống nhất từ trước nên khi nhận được danh sách thí sinh cần nâng điểm từ Nguyễn Quang Vinh, Diệp Thị Hồng Liên chủ động đối chiếu thông tin "mã phách", " mã túi đựng bài thi" theo tiến độ chấm thi của từng Tổ chấm thi tự luận môn Ngữ văn. Sau đó, chuyển các thông tin của thí sinh gồm : "mã phách", "mã túi đựng bài thi", "điểm yêu cầu" cho Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà, để tiến hành can thiệp, chấm nâng điểm bài thi.

Quá trình chấm thi, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Thu Loan, Nguyễn Thị Hồng Chung, Bùi Thanh Trà và các cán bộ chấm thi không thực hiện việc bốc thăm túi đựng bài thi, bốc thăm giám khảo chấm thi, không tổ chức chấm hai vòng độc lập...

Để nâng điểm bài thi cho thí sinh, các cán bộ này đọc "mã phách", "điểm yêu cầu" để giám khảo chấm bài thi ghi lại hoặc tổ trưởng viết thông tin "mã phách", "điểm yêu cầu" ra phiếu chấm. Sau đó, giám khảo sẽ chấm điểm cho thí sinh theo đúng "điểm yêu cầu" hoặc có trường hợp tổ trưởng ghi điểm trực tiếp vào bài thi của thí sinh, phiếu chấm để giám khảo chỉ việc ký hợp thức (không phải chấm lại). Cũng có trường hợp, bà Liên cùng với tổ trưởng trực tiếp gặp giám khảo chấm thi để can thiệp, nâng điểm bài thi của thí sinh.

Kết quả điều xác định 20 bài thi của 20 thí sinh được 18 giám khảo nhận mã phách, trực tiếp chấm, nâng điểm và ký hợp thức... Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã yêu cầu Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng và tiến hành chấm, thẩm định các bài thi Ngữ văn có dấu hiệu được can thiệp nâng điểm. 

Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định 22 bài thi môn ngữ văn được nâng điểm từ 1,25 đến 4,5 điểm. Trong đó, tổ chấm thi của Nguyễn Thị Thu Loan chấm điểm nâng 10 bài thi; tổ chấm thi của Nguyễn Thị Hồng Chung nâng điểm 7 bài thi; tổ chấm thi của Bùi Thanh Trà chấm nâng điểm 3 bài thi...

Kết quả điều tra hành vi sai phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ xác định: 65 thí sinh được can thiệp nâng điểm bài thi (64 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2018, 1 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2017). Các thí sinh này đã sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT. 

Trong đó có 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học/ cao đẳng (45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển); 3 thí sinh không xét tuyển đại học, cao đẳng.

Trong số hơn 60 thí sinh được can thiệp nâng điểm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Đỗ Mạnh Tuấn khai nhận có 35 trường hợp là đầu mối quan hệ của Đỗ Mạnh Tuấn. Số còn lại do Nguyễn Quang Vinh chuyển cho Đỗ Mạnh Tuấn...

Những người trung gian biết Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Mạnh Tuấn chấm thi tại Kỳ thi  THPT Quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình nên đã chủ động liên hệ trao đổi, đưa thông tin thí sinh, tác động can thiệp, nâng điểm bài thi cho các thí sinh....

Đưa hối lộ và nhận hối lộ 300 triệu đồng

Khoảng tháng 6-2018, do biết Đỗ Mạnh Tuấn là thành viên chấm thi trắc nghiệm Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình nên Hồ Chúc đã hẹn gặp Đỗ Mạnh Tuấn, đặt vấn đề nhờ nâng điểm thi cho 2 thí sinh, là chỗ quen hệ quen biết của Hồ Chúc. Đỗ Mạnh Tuấn đồng ý.

Khi chấm bài thi, Đỗ Mạnh Tuấn đã sửa chữa, can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho 2 thí sinh này. Sau khi có kết quả thi, Đỗ Mạnh Tuấn được Hồ Chúc chuyển cảm ơn 300 triệu đồng (hiện đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan ANĐT Bộ Công an).

Ngoài ra, Đỗ Mạnh Tuấn còn khai nhận được Đào Ngọc Thuật cảm ơn số tiền 250 triệu đồng, khi nhờ can thiệp nâng điểm bài thi cho 4 thí sinh; Khương Ngọc Chất cảm ơn 500 triệu đồng, khi nhờ can thiệp nâng điểm bài thi cho 2 thí sinh. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không đủ căn cứ kết luận phạm tội đưa và nhận hối lộ đối với khoản tiền này.