Nhét viên than vào miệng cháu bé làm cháu bé tử vong, chú ruột phạm tội gì?

ANTĐ - Chị M. ở phường Vĩnh Quang TP Rạch Giá (Kiên Giang), có con nhỏ là cháu Bùi Nguyễn Hoài Thương gần 1 tuổi. Bình thường, chị vẫn ở nhà trông con. Chiều ngày 28-6-2014 do có việc gấp phải đi, không có người trông con, chị nhờ Bùi Quyết Thắng (20 tuổi cùng ở địa chỉ trên), là em ruột chị, trông hộ cháu Bùi Nguyễn Hoài Thương. 

Nội dung vụ án

Bùi Quyết Thắng là một thanh niên chưa có việc làm, ham chơi các trò chơi điện tử. Vừa trông cháu, Thắng vừa mở máy tính chơi điện tử. Đang mải chơi thì cháu Thương khóc. Thắng đã bế cháu và dỗ cháu ngủ nhưng cháu Thương cứ khóc đòi mẹ. Dỗ mãi không được, Thắng đặt cháu Thương lên giường dọa cháu bé, rồi lấy một viên than củi nhét vào miệng cháu. Vướng viên than, cháu Thương không khóc được nữa. Thấy cháu nằm yên, tưởng cháu đã sợ và ngừng khóc, Thắng lại chơi tiếp. Đến hơn 1 tiếng đồng hồ sau, khi chị M. về đến nhà, thấy cháu bé đã ngất đi, người tím tái, viên than củi vẫn nằm trong miệng. Chị và gia đình vội vàng đưa cháu Thương đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng cháu bé đã tử vong.

Theo kết luận của của cơ quan điều tra sau khi mổ tử thi, cháu bé bị chết do ngạt thở. Mặc dù được người nhà che giấu tội lỗi, nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã xác định được tội phạm. Ngày 2-7-2014, Công an TP Rạch Giá đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam Bùi Quyết Thắng. Theo lời khai, Thắng biết viên than có thể gây nguy hiểm cho cháu bé và nhét viên than vào miệng cháu bé cũng chỉ để dọa cháu. Nhưng vì mải chơi, Thắng đã quên lấy viên than ra.

Vấn đề cần trao đổi là Bùi Quyết Thắng phạm tội gì và mức hình phạt ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Tên Thắng đã phạm tội Giết người

Cháu Thương mới chưa đầy 1 tuổi, còn quá nhỏ, chưa tự vệ được. Hành vi dọa dẫm cháu và lấy viên than củi nhét vào miệng cháu làm cháu ngạt thở, tử vong, là hành vi giết người. Tên Thắng biết rõ hành vi này gây nguy hiểm cho cháu bé nhưng vẫn thực hiện tội ác. Thắng phải bị truy tố vì tội cố ý giết người, theo Điều 93, BLHS với tình tiết tăng nặng là giết trẻ em. Đây cũng là bài học cho những thanh niên ham chơi các trò chơi điện tử, sẵn sàng thực hiện mọi tội ác để thỏa mãn ý thích của mình.   

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Phường 4, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)


Đây là hành vi vô ý làm chết người

Thắng là thanh niên ham chơi và chưa có gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ. Thấy cháu bé quấy khóc, dỗ mãi không được nên Thắng đã nhét viên than vào miệng cháu. Nếu lấy viên than ra khỏi miệng cháu bé kịp thời, cháu bé không bị sao. Rất tiếc do mải chơi và cháu bé cũng không khóc được, không gây sự chú ý cho Thắng, nên Thắng đã quên, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi không cố ý, Thắng không có động cơ giết cháu bé và không thực hiện hành vi quyết giết cháu ruột mình. Nhưng rõ ràng, với hành vi gây ngạt thở cho cháu Bùi Nguyễn Hoài Thương, Thắng đã pham tội làm chết cháu bé. Thắng sẽ bị truy tố vì tội vô ý làm chết người theo Điều 98, BLHS.

Ông Phạm Văn Thu (Phường 1, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long)


Tên Thắng đã cố ý gây thương tích gây hậu quả nghiêm trọng

Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy trước khi nhét viên than vào miệng cháu Thương, tên Thắng đã có hành vi đánh cháu, dọa dẫm cháu và cuối cùng để chấm dứt sự phản kháng của cháu (vì phản ứng của trẻ chỉ là quấy khóc), Thắng đã dùng viên than củi nhét vào miệng cháu. Tên Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, BLHS với tình tiết tăng nặng là cố ý gây thương tích với trẻ em và gây hậu quả nghiêm trọng là làm chết người. Do không cố ý làm chết cháu bé nên không thể truy tố tên Thắng theo tội Giết người được.


Ông Lê Văn Ba (Phường 9, Q.3 TP Hồ Chí Minh)

Bình luận của luật sư

Với hành vi nhét viên than vào miệng cháu bé, tên Thắng đã gây ra cái chết cho cháu Bùi Nguyễn Hoài Thương. Đây là hành vi phạm tội thuộc nhóm các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người được quy định trong Chương 12, Bộ luật Hình sự (BLHS). Để có thể định tội danh chính xác với hành vi này chúng ta cần tìm hiểu các dấu hiệu của các tội, so sánh với hành vi của người phạm tội.

Hành vi của Thắng có phạm tội Giết người theo Điều 93, BLHS không? Trên phương diện khoa học hình sự thì để quy kết một người phạm tội giết người phải căn cứ vào những dấu hiệu cơ bản sau: Thứ nhất, người phạm tội phải là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự (đủ 14 tuổi trở lên). Thứ hai, về mức độ nguy hiểm cho người khác, thì hành vi đó phải là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật. Thứ ba, về lỗi hành vi tước đoạt tính mạng người khác là hành vi được thực hiện do cố ý, có nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ hành động của mình tất yếu gây ra cái chết của nạn nhân. Trong trường hợp cụ thể này, Thắng đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và hành vi nhét viên than vào miệng cháu bé đã gây ra cái chết cho cháu bé. Thắng đã tước đoạt tính mạng cháu bé. Nhưng Thắng không cố tình và không có động cơ giết cháu bé là cháu ruột của mình. Vì vậy không thể truy tố Thắng tội danh giết người theo Điều 93, BLHS được.

Hành vi của Thắng có phạm tội Cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng là gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 104, BLHS không? Các dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoa học hình sự là: Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe. Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại sức khỏe chứ không mong muốn nạn nhân chết. Ở trường hợp cụ thể này, Thắng cũng không cố ý gây thương tích cho cháu Thương. Hành vi, đánh nhẹ và dọa dẫm cháu chỉ để cho cháu ngừng khóc, không muốn gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng cháu Thương. Chính lý do này nên không thể truy tố Thắng theo tội danh Cố ý gây thương tích theo Điều 104, BLHS được.

Nhưng chắc chắn Thắng đã phạm Tội vô ý làm chết người theo Điều 98, BLHS. Dấu hiệu của tội này là: Về khách quan, người phạm tội có những hành vi gây ra hậu quả làm chết người. Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người:  Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Theo quy định tại Điều 10, BLHS thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho người khác, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.

 Trong trường hợp cụ thể này, Thắng biết hành vi nhét viên than vào miệng cháu bé có thể gây ra hậu quả xấu, nhưng tự tin là khi cháu ngừng khóc, Thắng sẽ bỏ viên than ra và sẽ không có hậu quả. Nhưng sau đó vì mải chơi, Thắng đã quên lấy viên than ra khỏi miệng cháu bé. Hành vi này có thể được quy là hành vi vô ý do cẩu thả. Thắng đã không thấy trước hậu quả chết người do hành vi nhét viên than vào miệng cháu bé. Với tất cả những phân tích trên, chúng ta thấy tội danh chính xác nhất mà thắng đã phạm phải là Vô ý làm chết người. Hành vi này được quy định trong BLHS như sau: Điều 98. Tội vô ý làm chết người.

1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm