Nhân viên tin học vào tù vì chiếm đoạt tiền ngân hàng

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Bạn trai tôi là nhân viên kỹ thuật tin học của Ngân hàng A. Lợi dụng hiểu biết của mình về CNTT cũng như cách thức hoạt động của ngân hàng, bạn trai tôi thường xuyên có hành vi chuyển tiền từ các tài khoản ngân hàng khác nhau về tài khoản của mình để sử dụng. Mới đây, bạn trai tôi đã bị bắt để điều tra xử lý về hành vi phạm tội của mình. Thưa luật sư, hành vi của bạn tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Trần Thu Dung (quận Ba Đình, Hà Nội)

Nhân viên tin học vào tù vì chiếm đoạt tiền ngân hàng ảnh 1Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng; Địa chỉ: Số 6, ngõ 29 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư Vũ Quang Vượng trả lời: Hành vi của bạn trai bạn đã vi phạm vào quy định tại Điều 290: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản,  Bộ luật Hình sự năm 2015.

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Số lượng thẻ giả từ 50 thẻ đến dưới 200 thẻ;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Số lượng thẻ giả từ 200 thẻ đến dưới 500 thẻ.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

c) Số lượng thẻ giả 500 thẻ trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hành vi vi phạm của bạn trai bạn cụ thể như sau:

Về mặt khách quan: Bạn trai bạn hiểu biết sâu rộng về cách thức hoạt động của Ngân hàng, đã có hành vi sử dụng máy tính, mạng internet cũng như mạng nội bộ của Ngân hàng để chuyển tiền trái phép từ tài khoản của người khác vào tài khoản của mình đề tiêu xài, nói cách khác là hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Hậu quả gây ra là thiệt hại về tài sản cho các khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng.

Về mặt chủ quan: Bạn trai bạn có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực mình đang làm, nhận thức rõ được hành vi của mình là trái pháp luật mà vẫn cố tình thực hiện, như vậy là có lỗi cố ý trực tiếp.

Hình phạt cao nhất áp dụng đối với tội này phạt tù đến 20 năm. 

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.