Nhận diện hiểm họa mang tên "vũ khí tự chế"

ANTD.VN - Thời gian qua, các địa phương trên toàn quốc đã xảy ra hàng trăm vụ việc, cả những cái chết thương tâm, liên quan đến súng - vũ khí tự chế. Thực trạng đáng lo ngại này chính là lời cảnh báo, để các cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền có sự đánh giá đúng đắn và điều chỉnh hợp lý, nhằm ngăn ngừa hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Những hình ảnh liên quan đến súng tự chế này đã và đang là nỗi ám ảnh, mối nguy ảnh hưởng đến an ninh, trật tự

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý và cán bộ điều tra, xét ở góc độ về tính nguy hiểm đối với xã hội, hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng “vũ khí  tự chế” cần phải được coi là tội phạm, tương tự như “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng”.

Những nỗi đau đến từ…súng tự chế

Câu chuyện liên quan đến súng tự chế, đối với Thượng tá Lê Khắc Minh – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa, ám ảnh nhất có lẽ vẫn là vụ án Vũ Văn Luân (trú ở Lê Hồng Phong, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), cùng các đồng phạm trong vụ án giết người, không tố giác tội phạm.

Vụ án xảy ra đêm 26 Tết Mậu Tuấn, tức ngày 11-2-2018 (tức 26 Tết Mậu Tuất). Nạn nhân là anh Đ.V.G (trú tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), đã tử vong bởi 6 viên đạn trún vùng tim. Đối tượng gây án đã sử dụng súng tự chế, đứng ngoài cửa nhà anh G., bóp cò.

Khi cơ quan điều tra đến hiện trường, ghi nhận những hình ảnh thương tâm. Nạn nhân bất động trong vũng máu; còn sân ngôi nhà hằn dấu đạn của loại súng tự chế. Kết quả điều tra sau đó, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Văn Luân cùng đồng bọn. Đáng chú ý, anh G. đã chết oan; bởi nạn nhân không mâu thuẫn và không hề quen biết nhóm đối tượng Luân.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từng xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, đau xót như con bắn nhầm cha, anh bắn nhầm em, bạn săn bắn nhầm nhau… và điểm chung là đều liên quan đến súng tự chế.

Như vụ Giàng A Sùng (trú ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), đã dùng súng kíp sát hại người thân của mình, do nghi ngờ nạn nhân "chài" khiến con trai anh ta bị ốm.

Cũng ở Hòa Bình, tổ công tác 3 chiến sĩ Công an tỉnh anh dũng hy sinh khi truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt về tội danh liên quan đến ma túy, là Vàng A Khua (trú ở bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu). Khi phát hiện lực lượng Công an áp sát nhà, đối tượng Khua bất ngờ từ trong lao ra, xả súng. Phút điên cuồng của kẻ trốn truy nã đặc biệt ấy cũng đã khiến chính con trai của tên Khua tử vong. Sau khi buộc phải nổ súng tiêu diệt đối tượng, quá trình khám xét, cơ quan Công an phát hiện nhiều súng quân dụng và súng tự chế mà đối tượng cất giấu trong hầm.

Đánh giá đúng về hành vi hết sức nguy hiểm

Trong phiên họp chiều 29-10 tại nghị trường Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Theo Tờ trình, quy định hiện hành cho thấy đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ 1/7/2018...

Thực tiễn cho thấy, đây là loại tội phạm nghiêm trọng, đa phần đối tượng có hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tượng tự vũ khí quân dụng có nhân thân xấu; các loại vũ khí đối tượng sử dụng (súng ổ xoay, súng bút, súng tự chế bắn đạn "hoa cải"…) có tính sát thương cao.

Những loại vũ khí này khi sử dụng thực hiện tội phạm với mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không khởi tố, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải trả tự do, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại cho các đối tượng này sẽ làm gia tăng tình hình tội phạm sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội; không đảm bảo tính răn đe nghiêm minh của pháp luật.

Để kịp thời khắc phục những khó khăn vướng mắc trên, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm phù hợp với BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xử lý hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là rất quan trọng và cần thiết.

Chia sẻ suy nghĩ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ hoàn toàn đồng tình với phương án của Chính phủ, bởi ông nhấn mạnh rằng: “Tội phạm không tìm được vũ khí quân dụng nên tự chế để gây án”. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện rất nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế như súng bắn “đạn hoa cải”, súng săn, súng bút, súng ổ xoáy... Đây là thực tế diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội nên hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe.

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải (TP. Hà Nội) cho rằng, phải coi vũ khí tự chế như vũ khí quân dụng thì sẽ kiểm soát được tình hình tội phạm. Đại biểu Đào Thanh Hải cho biết, thời điểm năm 2012 – 2013, khi ông đang là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hà Nội, hiện tượng sử dụng vũ khí “nóng” tương đối phức tạp. Sau khi các cơ quan chức năng kiến nghị, đề xuất mạnh mẽ, thì Pháp lệnh 16 được ban hành, trong đó quy định “các vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng thì coi như vũ khí quân dụng”. Công an TP Hà Nội đã vận dụng điều này để truy tố hàng loạt đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí tự chế, từ đó kiểm soát được tình hình tội phạm, kéo giảm số vụ việc.

Ở góc độ khác, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đánh giá: việc thay đổi quy định, chế tài theo hướng tăng nặng đối với các hành vi tàng trữ, chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp (gọi chung là “vũ khí tự chế”) nhưng có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người là rất cần thiết.

Bởi lẽ, kể từ khi thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đến nay thì tình trạng sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển “vũ khí tự chế” có chiều hướng gia tăng mạnh. Nguyên nhân một phần là do hành vi sản xuất, tràng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng “vũ khí tự chế” chỉ bị xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 6, Điều 10 - Nghị định 167/2013/ NĐ-CP với mức phạt từ tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hiện nay, Điều 306 - BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đã có quy định về xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng “vũ khí tự chế”. Tuy nhiên, việc xử lý bằng hình sự chỉ đặt ra đối với những người đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội danh này mà chưa được xóa án tích.

Quy định xử lý của pháp luật hiện nay là vậy. Song xét ở góc độ tính nguy hiểm đối với xã hội, có thể thấy rõ hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển và sử dụng “vũ khí  tự chế” cần phải được coi là tội phạm, tương tự như “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng”.

Vì rằng cho dù là “vũ khí tự chế” nhưng khả năng gây sát thương, gây hại đối với tính mạng, sức khỏe con người là rất lớn. Chính vì thế mà tại khoản 1, Điều 3- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 cũng đã xác định rất rõ: "Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự."

Về mặt thực tiễn, có thể thấy phần lớn những người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng “vũ khí tự chế” chỉ nhằm mục đích gây hại tới tính mạng, sức khỏe của con người hoặc đạt để được những lợi ích vật chất, phi vật chất từ những hoạt động nguy hiểm này…

Tin cùng chuyên mục