Nghiêm trị hành vi giết người, giả chết, thuê người chặt chân tay để trục lợi bảo hiểm

ANTD.VN -Vụ việc Bí thư xã là nghi phạm giết cháu vợ nhằm trục lợi 18 tỷ đồng từ bảo hiểm mới xảy ra đã gây rúng động dư luận. Theo cơ quan công an, đây là thủ đoạn trục lợi “chưa từng có tiền lệ”.

Giết cháu vợ, tạo hiện trường giả

Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ nghi phạm Đỗ Văn Minh (49 tuổi, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) do liên quan đến vụ chiếc xe bán tải bị cháy rụi cùng một thi thể biến dạng bên trong xe. Nghi phạm được cho là đã giết cháu vợ, tạo hiện trường giả nhằm mục đích trục lợi bảo hiểm 18 tỉ đồng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, nghi phạm Đỗ Văn Minh đang nợ số tiền 10 tỷ đồng. Đầu năm 2020, nghi phạm mua một gói bảo hiểm trị giá hơn 200 triệu đồng, nếu Đỗ Văn Minh chết, gia đình của đối tượng sẽ được hưởng khoản tiền bảo hiểm khoảng 18 tỷ đồng.

Nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm này đồng thời "xóa" khoản nợ 10 tỷ, Minh đã ra tay sát hại nạn nhân là cháu vợ mình, rồi tạo hiện trường giả, sau đó bỏ trốn xuống tỉnh Bình Phước.

Chiếc xe bán tải bị cháy rụi trong vụ giết cháu vợ, tạo hiện trường giả

Trước đó tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng xảy ra vụ việc tương tự. Trong cơn cùng quẫn sợ bị kiện vì chưa trả được nợ, L.T.N (30 tuổi, sống tại Hà Nội) đã mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sau đó thuê người chặt chân tay với giá 50 triệu đồng,  giả làm vụ tai nạn đường sắt nhằm mục đích trục lợi 3,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm. Vụ việc được phanh phui sau 3 tháng.

Còn tại Kiên Giang, bà T nhận cháu Đ làm con nuôi tại Kiên Giang rồi mua bảo hiểm cho Đ. Sau đó, bà T làm biên bản giả tạo ra vụ con nuôi của bà bị chết đuối và đòi bảo hiểm chi trả tiền. Nhận thấy có nhiều nghi vấn, phía bảo hiểm điều tra. Kết quả cho thấy, bà T không có đứa con nào bị chết đuối, con nuôi của bà đã được thay tên, đổi họ và về sống với mẹ ruột.

Có thể nói, giết người, thuê người chặt chân tay, giả chết là những thủ đoạn hy hữu nhằm trục lợi bảo hiểm mới xảy ra tại Việt Nam. Điều này cho thấy đối tượng thực hiện ngày càng táo tợn và tinh vi, có hiểu biết khá kỹ về kỹ thuật nghiệm vụ bảo hiểm, có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng nên số tiền gian lận, trục lợi thường rất cao và gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng.

Trục lợi bảo hiểm sẽ bị phạt tù tới 7 năm?

Theo quy định hiện hành, sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm.

Song theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định 3 trường hợp không trả bảo hiểm, gồm: Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực; người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng; người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.

Như vậy, đối với những trường hợp giết người, thuê người chặt chân tay, giả chết để trục lợi bảo hiểm, đối tượng thực hiện ngoài việc bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối chi trả bảo hiểm xã hội còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 BLHS 2015 về Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20- dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 50-dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác. Phạm tội nhằm chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 500 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 3-7 năm.