Mức phạt cho hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma túy

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thưa luật sư, theo quy định hiện hành, việc trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa có bị xử lý trách nhiệm gì không? Hoàng Anh Thắng (tỉnh Hà Giang)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: 

Mức phạt cho hành vi trồng các loại cây có chứa chất ma túy ảnh 1Lực lượng Công an tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy cây cần sa người dân trồng 

Tại Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:

“1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3000 cây.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Với số lượng 3000 cây trở lên;

c) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Căn cứ theo quy định này, hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã được giáo dục 2 lần và tạo điều kiện ổn định cuộc sống: được hiểu là người vi phạm đã được cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cũng như những người có trách nhiệm tại địa phương vận động, tuyên truyền, nhắc nhở cấm trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa, … Việc giáo dục phải được lập biên bản và được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính. Đồng thời những cá nhân, cơ quan có trách nhiệm tại địa phương phải hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng… hoặc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế cây thuốc phiện, cây cần sa…

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này: được hiểu là đã bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy nay lại tiếp tục thực hiện hành vi này.

+ Hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

+ Với số lượng từ 500 cây trở lên.

Cũng lưu ý tại khoản 4 Điều 247 BLHS, người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.