Lôi nạn nhân ra đường, bắt chồng quỳ lạy, lột quần áo vợ, phạm tội gì?

ANTĐ - Vợ chồng chị Nguyễn Thị T (SN 1990) và anh Nguyễn Trí C (SN 1983, ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) có mâu thuẫn nhỏ với dì ruột của anh C là bà Nguyễn Thị Thu Thủy từ trước. 
Lôi nạn nhân ra đường, bắt chồng quỳ lạy, lột quần áo vợ, phạm tội gì?  ảnh 1

Sáng 2-9-2014, anh C lên nhà bà Nguyễn Thị Thu Thủy chơi bida. Đến chiều, chị T lên quán bida gọi chồng về thì xảy ra đôi co với bà Thủy. Cho rằng cháu dâu hỗn láo, 17h chiều 3-9, bà Thủy cùng 7 người khác cầm theo gậy tre và một số hung khí khác hùng hổ lao vào nhà hành hung vợ chồng anh C. Nhóm này đã đâp vỡ kính bàn phòng khách, kính tủ bày tivi, đập vỡ các cánh tủ quần áo trong nhà và một số đồ đạc khác.

Sau đó, cả nhóm lôi hai vợ chồng ra ngoài đường, khống chế, bắt anh C phải quỳ gối lạy họ với lý do không biết dạy vợ. Một vài người trong đám hành hung hô lên: “Lột quần nó ra vặt hết lông đi”. Ngay lập tức, chị T bị lột hết áo quần và thực hiện hành vi đê hèn. Quá đau đớn, nhục nhã, chị T khóc lóc, van xin thảm thiết nhưng họ không chịu dừng tay. Nghe tiếng kêu la, hô hoán, bà con chòm xóm xung quanh lao tới nhưng không dám can ngăn.

Hơn 30 phút sau, cả nhóm côn đồ bỏ đi, chị T phải gọi điện cho mẹ đẻ, nhờ sang chăm hai con nhỏ để cùng chồng đi bệnh viện. Tuy nhiên khi lấy tiền, chị phát hiện số tiền 30 triệu ở trong tủ cùng chiếc điện thoại hiệu Nokia Lumia 525 trong túi quần đã mất.

Ngay sau đó, công an xã Quảng Phú đã có mặt tại hiện trường để thu thập chứng cứ, lấy lời khai của các bên liên quan, lập hồ sơ gửi lên công an huyện Krông Nô xử lý theo thẩm quyền. Ngày 3-11-2014, công an huyện đã ra quyết định khởi tố bị can với các đối tượng Nguyễn Thị Thu Thủy, Phạm Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Thu Thảo về tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự. Hiện nay vụ án đang được điều tra.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can Nguyễn Thị Thu Thủy, Phạm Thị Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Thu Thảo và những người tham gia đập phá, đánh đập, hành hạ hai vợ chồng anh Công, chị Thủy ngoài hành vi làm nhục người khác thì có phạm tội nào khác không?

Đã làm nhục người khác một cách trắng trợn

Việc bắt hai vợ chồng ra ngoài đường, khống chế, bắt anh C phải quỳ gối lạy họ với lý do không biết dạy vợ, khống chế chị T, lột hết áo quần là hành vi làm nhục người khác một cách trắng trợn. Mặc dù quá đau đớn, nhục nhã, chị T đã khóc lóc, van xin thảm thiết nhưng họ không chịu dừng tay. Đây là nhóm người mất nhân tính, coi thường pháp luật, thiếu đạo đức, nhất là chính họ cũng là phụ nữ, cũng biết phải giữ gìn danh dự, biết thế nào là nhục nhã. Đây không còn là việc gia đình mà là một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử nặng để răn đe những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, những kẻ chỉ biết trả thù. Dư luận xã hội cũng cần nghiêm khắc lên án những hành vi này. Các hành vi của nhóm nghi can này có dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác theo điều 121 Bộ luật Hình sự

Tôn Nữ Tuyết Mai (Phường Đông Ba, TP Huế)

Tự giải quyết mâu thuẫn bằng những hành vi vi phạm pháp luật là không chấp nhận được

Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc người dân tự ý dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống. Từ việc mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, gây án mạng, đến việc bạo lực gia đình đã làm cho tan vỡ nhiều gia đình. Vụ án này cũng như vậy. Là họ hàng gần với nhau, nhưng đã hành xử với nhau như côn đồ, đã đánh đập, phá hoại tài sản, thậm chí làm nhục người khác bằng những thủ đoạn dã man. Dĩ nhiên, pháp luật sẽ nghiêm trị những người phạm tội, song đây cũng là bài học cho những người không hiểu biết về pháp luật và lại coi thường pháp luật.

Vũ Văn Hồng Quang (Phủ Lý, Hà Nam)

Cần điều tra việc chị T bị mất 30 triệu đồng trong lúc bị nhóm côn đồ đập phá

Tôi cho rằng trong vụ việc này, hành vi làm nhục người khác của nghi can Thủy và nhóm côn đồ là đã rõ. Tuy nhiên, thực tế, nhóm côn đồ không chỉ bắt vợ chồng anh C phải quỳ lạy, lột quần áo chị T mà còn đập phá hủy hoại tài sản của vợ chồng anh C. Như vậy thì các nghi can có phạm tội hủy hoại tài sản của công dân hay không? Bên cạnh đó, sau khi vụ đập phá xảy ra, chị T đã phát hiện bị mất 30 triệu đồng, cùng điện thoại. Tôi cho rằng, cơ quan điều tra cần lấy lời khai các đối tượng để làm rõ có việc chiếm đoạt tài sản của chị T hay không. Nếu có thì các đối tượng cần phải bị truy tố thêm tội cưỡng đoạt tài sản, hoặc trộm cắp tài sản.

Nguyễn Đức Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 

Bình luận của luật sư 

Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta thấy các nghi can do nghi can Nguyễn Thị Thu Thủy cầm đầu đã có hàng loạt hành vi vi phạm các điều luật của Bộ luật Hình sự. Các hành vi này đã có dấu hiệu xâm phạm cả sức khỏe, danh dự của hai vợ chồng anh C, chị T mà còn xâm hại tài sản của họ. Chúng ta phân tích từng hành vi để xác định tội danh các nghi can đã có thể phạm tội. 

Hành vi rõ nhất là hành vi làm nhục vợ chồng anh C chị T. Nhóm nghi can gồm 7 người, sau khi đánh đập hai nạn nhân đã lôi họ ra ngoài đường, một địa chỉ công cộng, nơi mọi người đi đường cũng như cư trú xung quanh có thể nhìn thấy để thực hiện việc dùng vũ lực bắt anh C quỳ lạy họ, cởi quần áo chị T và có những hành vi đê hèn, làm chị đau đớn và nhục nhã. Theo Điều 121 BLHS, làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Với những quy định này, các nghi can đã có dấu hiệu phạm tội Làm nhục người khác theo điều 121 BLHS với nội dung: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm. Cần lưu ý, theo Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự năm quy định: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại...”. Như vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy các nghi can phạm tội theo khoản 1 của điều 121 BLHS thì vụ án chỉ được khởi tố khi có có yêu cầu của vợ chồng anh C, chị T. Và cũng theo tin chúng tôi nhận được, các nạn nhân đã chính thức yêu cầu pháp luật xử lý. 

Các quy định pháp luật cũng chỉ rõ: Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Ở đây, các nghi can có thêm các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của nạn nhân như đánh đập, nhổ lông vùng kín. Theo điều 104 BLHS, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Có hai lưu ý, mức độ gây thương tích trong vụ án này không lớn, hai là tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác, mà hành vi làm nhục đã được đề nghị bị truy tố theo điều 121 BLHS, nên không bị truy tố thêm theo điều 104 BLHS, theo nguyên tắc: Một hành vi chỉ bị truy tố một tội danh. Tuy nhiên, nếu không chỉ mục đích làm nhục mà cố tình gây ảnh hưởng đến sức khỏe nạn nhân, các nghi can cũng vẫn có thể bị truy tố thêm theo điều 104 BLHS.

Tuy nhiên, hành vi hủy hoại và nghi án mất mát số lượng tài sản lớn là số tiền 30 triệu cùng chiếc điện thoại hiệu Nokia Lumia 525 lại cấu thành những tội độc lập, cần được xem xét. Hành vi vào nhà nạn nhân đập phá tài sản, chửi bới nạn nhân là một hành vi có dấu hiệu làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, hành vi này cũng như hành vi gây tổn hại sức khỏe nạn nhân đều là hành vi có mục đích làm nhục nạn nhân. Hành vi vi phạm pháp luật này đã được đề nghị truy tố theo tội danh làm nhục nạn nhân nên không bị truy tố thêm. Lưu ý, nếu hành vi phá hoại tài sản có giá trị lớn, không phải có mục đích đe dọa, làm nhục nạn nhân để bắt nạn nhân làm theo ý mình thì các nghi can vẫn có thể bị truy tố theo Điều 143. BLHS, Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới chung thân. 

Riêng đối với việc mất tài sản của nạn nhân, chúng tôi đồng ý với ý kiến bạn đọc, cần phải có cuộc điều tra nghiêm túc để xác định sự thật vụ án. Nếu các nghi can có lấy tài sản của nạn nhân, các nghi can sẽ bị khởi tố thêm theo Điều 138 BLHS Tội trộm cắp tài sản, quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Lưu ý, theo hồ sơ vụ án, nạn nhân mất tài sản mà không biết, chứng tỏ, nếu có mất thật sự, thì là bị lén lút lấy tài sản, dấu hiệu đặc trưng của hành vi trộm cắp tài sản, không phải cướp hay cưỡng đoạt tài sản. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)