Kích động biểu tình trái phép phạm tội gì?

ANTĐ - Ngày 13-5, hàng nghìn công nhân tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM đã tự phát tổ chức tuần hành, phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã có những hành vi quá khích như đập phá, hủy hoại tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, gây mất an ninh trật tự. 

Nội dung vụ án

Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động công nhân, người dân biểu thị lòng yêu nước với thái độ đúng mực, bình tĩnh, kiềm chế, không có hành vi quá khích, vi phạm pháp luật.

Chiều 14-5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hơn 400 đối tượng quá khích, có hành động phá hoại tài sản đã bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ, các cơ quan tố tụng sẽ nhanh chóng đưa những đối tượng này ra xử lý. Qua triển khai các biện pháp giải quyết, người biểu tình đã trở về nơi cư trú, tình hình an ninh, trật tự đã cơ bản ổn định.

Vấn đề cần được trao đổi là những người lợi dụng biểu tình yêu nước đập phá tài sản các doanh nghiệp, chiếm đoạt tài sản, hàng hóa các doanh nghiệp có phạm tội không, các đối tượng kích động biểu tình đập phá tài sản phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc 

Đập phá tài sản là vi phạm pháp luật

Những người tham gia biểu tình tuần hành chống nhà cầm quyền Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ là để bày tỏ lòng yêu nước. Đa số những người tham gia biểu tình tuần hành là những công nhân hiền lành. Họ chỉ phẫn nộ trước những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc nên mới đứng dậy biểu thị thái độ. Nếu họ chỉ biểu tình tuần hành, không có hành vi đập phá, trộm cắp thì không phạm tội. Nhưng nếu có hành vi đập phá, chiếm đoạt tài sản thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Tài sản của doanh nghiệp là tài sản riêng, được pháp luật bảo vệ. Ở đây, hàng vạn công nhân tự phát, tổ chức biểu tình tuần hành trái phép. Vì tự phát, không có tổ chức, không được bảo vệ nên đã xảy ra tình trạng rối loạn trật tự, đốt phá, trộm cướp tài sản doanh nghiệp. Mặc dù đã được công an và các lực lượng bảo vệ ngăn cản nhưng hậu quả xấu vẫn xảy ra. Các công nhân tham gia vào vụ việc này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội: Gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của Bộ luật Hình sự. 

Lê Thị Hương (P9, Q3, TP.HCM)


Lấy tài sản doanh nghiệp là trộm cắp

Theo tình tiết vụ án, lợi dụng sự hỗn loạn, nhiều công nhân đã lấy trộm tài sản của các doanh nghiệp như máy tính, máy in, thiết bị văn phòng khi tràn vào các nhà máy công xưởng. Nhiều người còn phá cửa các kho sản phẩm, lấy trộm hàng hóa trong kho. Nhiều doanh nghiệp đã mất lượng hàng hóa lớn hoặc phải ngừng sản xuất vì mất cắp thiết bị. Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Những người này phải bị truy tố với tội danh trộm cắp tài sản theo Điều 138, Tội trộm cắp tài sản của Bộ luật Hình sự. 

Lê Văn Ngọc (Công ty Dịch vụ mặt đất, sân bay Tân Sơn Nhất)


Phải truy tìm cho ra những kẻ kích động công nhân

Theo chúng tôi, trong việc này, hành vi đập phá của công nhân là do bị những thế lực xấu kích động công nhân bỏ việc đi biểu tình, tuần hành trái pháp luật. Chính những kẻ này đã kích động công nhân phá hoại tài sản doanh nghiệp, thậm chí  tấn công người nước ngoài. Theo sự phản ảnh của nhiều công nhân, những kẻ lao vào đốt phá tài sản doanh nghiệp không phải là công nhân trong khu công nghiệp. Chính vì thế điều quan trọng là phải làm rõ những thế lực thù địch đứng sau việc kích động công nhân vi phạm pháp luật. Vì vậy phải tìm cho ra những kẻ kích động, những kẻ cầm đầu - những kẻ này phải bị tuy tố trước pháp luật về các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Trần Việt Hùng (TP Đà Nẵng)


Bình luận của luật sư

Xem xét toàn bộ vụ án, chúng ta có nhận xét, đây là vụ án có đông người tham gia. Theo UBND tỉnh Bình Dương, đã có tới 19.000 công nhân tham gia biểu tình tuần hành tự phát. Trong số này có rất nhiều người đã có những hành vi đập phá tài sản doanh nghiệp, chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp.

Những tình tiết vụ án cho thấy đây là một vụ âm mưu gây bạo loạn nhằm phá hoại trật tự xã hội, gây thiệt hại tài sản tổ chức cá nhân. Có dấu hiệu của những hành vi vi phạm Bộ luật Hình sự với các tội danh: Tội bạo loạn; Tội gây rối trật tự; Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản. Chúng ta sẽ phân tích từng hành vi.  

Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật, ngày     18-3-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Theo Điều 7 của Nghị định, việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Hành vi biểu tình, tuần hành không đăng ký và chưa được phép của chính quyền địa phương là vi phạm các quy định pháp luật tại Nghị định này. Rõ ràng đã có hành vi gây rối trật tự công cộng với quy mô lớn. Tuy nhiên, đa số những người tham gia biểu tình, tuần hành chỉ là để bày tỏ lòng yêu nước, thái độ căm phẫn trước hành vi xâm phạm vùng biển thuộc quyền tài phán Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc và cũng không có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác; vì vậy, chỉ cần các cơ quan, chính quyền đoàn thể có sự tuyên truyền, giáo dục, chắc chắn họ sẽ nhận ra sai lầm để không lặp lại các hành vi này mà không cần phải truy tố trước pháp luật.

Những người đã có hành vi đập, đốt phá tài sản doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật theo Điều 143, Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Bộ luật Hình sự với những tình tiết tăng nặng như: gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước, làm xấu hình ảnh đất nước, gây thiệt hại tài sản trên 500 triệu đồng. 

Những người công khai phá cửa, tràn vào các nhà máy, xí nghiệp, văn phòng, kho hàng hóa, công khai lấy các tài sản của doanh nghiệp bất chấp sự ngăn cản của nhân viên bảo vệ, bất chấp sự chứng kiến của nhiều người, đã vi phạm Điều 137, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự. Những người lợi dụng rối loạn trật tự, không ai trông coi, trộm cắp tài sản sẽ bị truy tố theo Điều 138, Tội trộm cắp tài sản của Bộ luật Hình sự. 

Nhưng đó chỉ mới là những người bị kích động và phạm tội trong trường hợp không có chủ ý phá hoại an ninh quốc gia. Trong vụ việc này, đã có dấu hiệu kích động bạo loạn xâm phạm an ninh quốc gia. Trong trường hợp cơ quan điều tra có đủ chứng cứ về những kẻ tổ chức kích động quần chúng gây bạo loạn, những kẻ này sẽ bị truy tố theo Điều 82, Tội bạo loạn của Bộ luật Hình sự với nội dung: Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)