Không quy định thời gian thử thách đối với người được đặc xá

ANTD.VN -  “Bản chất của đặc xá là tha tội trong trường hợp đặc biệt, tức là tha bổng do người đứng đầu Nhà nước quyết định. Cho nên đã tha là tha bổng luôn, chứ không có quy định thời gian thử thách”, đó là một trong những nội dung được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) Lê Thị Nga trả lời, làm rõ ý kiến của một số ĐBQH nêu về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) vào cuối buổi làm việc sáng 7-11.

Chủ nhiệm UBTP của Quốc Hội  Lê Thị Nga làm rõ một số nội dung ĐBQH nêu về Luật đặc xá (sửa đổi)

Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội cho biết, hiện nay quan điểm của ban soạn thảo (BST) là chính sách khoan hồng do người đứng đầu Nhà nước quyết định.

Theo bà Nga, bản chất của đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước và do Chủ tịch nước quyết định cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn và trong trường hợp đặc biệt. Với tính chất như vậy, quan điểm của BST đây là chính sách khoan hồng đặc biệt do người đứng đầu Nhà nước quyết định.

Bà Nga phân tích, Luật Đặc xá phải được phân biệt với các chính sách khoan hồng song song tồn tại hiện nay. Thứ nhất, là miễn chấp hành hình phạt theo Bộ Luật hình sự; thứ hai là giảm mức độ hình phạt đã tuyên; thứ ba là tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo bà Nga, Luật Đặc xá sửa đổi sẽ kế thừa luật hiện hành và phải quy định đặc điểm mang tính chất đặc biệt của đặc xá. Câu hỏi đặt ra là, có thời gian thử thách không đối với người được đặc xá?

Trả lời câu hỏi này, bà Nga cho biết, BST đã nghiên cứu thực tiễn từ năm 1945 tới nay, quá trình thực hiện đặc xá không có quy định thời gian thử thách đối với người được đặc xá.

“Bản chất của đặc xá là xá tội trong trường hợp đặc biệt, tức là tha bổng do người đứng đầu Nhà nước quyết định. Cho nên đã tha bổng là tha luôn chứ không có quy định thời gian thử thách để sau đó không đáp ứng điều kiện này để bắt lại”, bà Nga nói.

Bà Nga cũng cho biết thêm, qua thực tiễn rà soát rất nhiều luật của nhiều nước trên thế giới, người đứng đầu Nhà nước khi tha bổng cũng không có điều kiện thử thách để bắt lại. Tuy nhiên, vấn đề này cũng sẽ được BST báo cáo cơ quan có thẩm quyền để cân nhắc thêm.

Riêng về đặc xá trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 22, nhiều ĐBQH đề nghị “đặc biệt là đặc biệt như thế nào, đối nội đối ngoại cần quy định rõ”. Bà Nga cho biết, thực tiễn tại Điều 10, Điều 11 luật hiện hành cũng có quy định khoảng quét là Quốc hội uỷ quyền cho Chủ tịch nước quyết định một số trường hợp. Chúng ta cũng không bó chặt, nếu bó chặt quá thì khi thực tiễn xảy ra chúng ta sẽ không xử lý được việc này.

Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội cho rằng, thứ nhất, trên thế giới, các nước cũng coi như khoảng mở như thế; thứ hai, khi thực hiện quyền này thì Chủ tịch nước cũng có sự giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và HĐND; thứ ba là thực tiễn chúng ta cũng đã thực hiện như thế, nhưng không có sai sót gì và thứ tư, quá trình làm việc này, trước đây thì những trường hợp đó Chủ tịch nước quyết định có đề xuất của cơ quan hữu quan nhưng trong Điều 10, Điều 11 thì Chủ tịch nước không cần phải đề nghị của Chính phủ.

“Trong quy định của luật như vậy, còn thực tiễn thì Chính phủ đều đề nghị. Quá trình làm việc cơ quan soạn thảo đã xin ý kiến Chủ tịch nước giai đoạn chúng ta đang soạn thảo luật này và Chủ tịch nước chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đưa thêm vào quy định trường hợp khác Chủ tịch nước quyết định do Chính phủ đề nghị. Ý kiến này cũng đã được Ban soạn thảo đưa vào để đảm bảo sự chặt chẽ”, Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội Lê Thị Nga nói.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, điểm quan trọng nữa là những đối tượng được đề nghị đặc xá cũng thấy ĐBQH có ý kiến, chúng tôi cũng đề nghị, đối với Chủ tịch nước, xin nói thêm vì sao có một số trường hợp linh hoạt, ví dụ như một số tội vào thời điểm cụ thể thì Chủ tịch nước không cho đặc xá.

“Như hiện nay tội xâm phạm về tình dục trẻ em chẳng hạn, dù luật không cấm việc đặc xá cho loại tội này, nhưng tuỳ từng giai đoạn tội phạm này rộ lên, dư luận xã hội bức xúc thì loại tội phạm đó nên uỷ quyền cho Chủ tịch nước có thể trong luật không cấm, nhưng Chủ tịch nước sẽ không đặc xá”, Chủ nhiệm UBTP của Quốc hội nhấn mạnh.

Một điểm khác là đối tượng được đề nghị đặc xá hiện nay chúng ta có bổ sung thêm nhân sự kiện, ngày lễ lớn có thêm đối tượng được tạm đình chỉ. Đối tượng tạm đình chỉ cũng có thể hiểu là đối tượng vào chấp hành một phần hình phạt tù rồi, nhưng có những điều kiện như lý do sức khoẻ, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc một số lý do khác được tạm đình chỉ cũng được xét đặc xá.

“Nhưng rõ ràng những người này có một thời gian chấp hành hình phạt tù rồi, nên vẫn phải đáp ứng một số điều kiện như được xếp loại tốt và một số điều kiện khác”, bà Nga cho biết.